MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước sầu riêng '1 vốn 4 lời', bầu Đức cũng từng có những mảng kinh doanh '1 vốn, 2-3 lời' nhưng đều không duy trì được lâu

22-08-2023 - 07:16 AM | Thị trường

Bầu Đức vừa công bố mảng kinh doanh sầu riêng, với lợi nhuận cao gấp 4 lần giá vốn. Trong quá khứ, những mảng kinh doanh như bán bò, trái cây, bán heo cũng từng có những thời điểm đạt được hiệu suất rất cao, nhưng lại không duy trì được lâu dài.

Cuối tuần vừa qua, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư, để chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai các dự án và chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới.

Tại đây, bầu Đức cho biết đang sở hữu 1.200 ha sầu riêng, bao gồm Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào. Loại cây này đã được ông trồng từ năm 2018 nhưng ông giữ kín và chỉ đến khi có thành quả mới công bố.

Trong đó, năm 2023 công ty sẽ thu hoạch 3 vườn nhỏ, tương đương 80ha với 1.000 tấn sầu riêng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã thu hoạch 21ha, thu được 500 tấn, chi phí bỏ ra 3,6 tỷ đồng và bán được 18 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận 14,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với tỷ lệ "1 vốn, 4 lời" hay biên lợi nhuận lên tới 80%.

Nếu thành công, sầu riêng sẽ là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận của Bầu Đức và trong tương lai sẽ trở thành trụ cột chính. Bầu Đức giờ đây khẳng định kiềng 3 chân của tập đoàn sẽ là "chuối-heo-sầu".

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu bầu Đức có duy trì được biên lợi nhuận lên đến 80% nếu quy mô doanh thu lên hàng trăm tỷ đồng, hoặc nghìn tỷ hay không. Trước sầu riêng, bầu Đức cũng đã có những mảng kinh doanh với biên lợi nhuận gộp lên tới hàng chục phần trăm, nhưng tính trong thời gian dài lại không ổn định.

Còn nhớ, hồi quý 2/2015, khi đứng trước những áp lực tài chính ngắn hạn, Hoàng Anh Gia Lai từng bán bò và ngay trong quý đầu tiên, công ty ghi nhận doanh thu tới 766 tỷ đồng, và biên lợi nhuận lên tới 38%. Sang quý 3/2015, doanh thu tiếp tục tăng vọt lên 1.379 tỷ đồng và biên lợi nhuận là 29%.

Mặc dù vậy, lợi nhuận của đàn bò sau đó cứ giảm dần và đến cuối năm 2016 chỉ còn khoảng 5%.

Giai đoạn năm 2017-2018, lợi nhuận gộp từ bán bò có lúc lên tới 70% hay 90%, nhưng thực tế doanh thu lúc này còn rất thấp nên con số lợi nhuận tuyệt đối đem về cho công ty cũng không đáng kể.

Sau đàn bò, bầu Đức chuyển hướng sang trồng cây ăn trái, cũng vẫn với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài do trái cây đem về dòng tiền nhanh và đều đặn hơn.

Từ quý 2/2017, HAGL bắt đầu có doanh thu trái cây, đạt 652 tỷ đồng. Một lần nữa, mảng kinh doanh mới của bầu Đức lại đạt biên lợi nhuận rất cao, lên tới 60%. Tuy nhiên, không giống như mảng bán bò "sớm nở tối tàn", trái cây của bầu Đức vẫn được duy trì suốt 6 năm qua và giờ đây trở thành trụ cột của tập đoàn.

Trong giai đoạn Covid-19, mảng trái cây có lúc kinh doanh dưới giá vốn. Thế nhưng thời gian gần đây, mảng trái cây đã quay trở lại mức lợi nhuận gộp trong khoảng 30-50%.

Gần đây nhất, bầu Đức bán heo từ quý 4/2020 với biên lợi nhuận có thời điểm quý 2/2021 lên tới gần 50%. Sau đó, lợi nhuận gộp đã suy giảm và còn ổn định trong khoảng 30% trong khoảng 1 năm.

Tuy nhiên, trong 2 quý gần đây, biên lợi nhuận gộp từ bán heo đã giảm mạnh, chỉ còn 0% và 12%. Bầu Đức thừa nhận việc bán lẻ heo thương hiệu heo ăn chuối Bapi đã thất bại do cách tổ chức thực hiện không đúng.

Theo Hà My

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên