Trước thềm bật tăng của VN-Index, lãnh đạo 7 doanh nghiệp DIG, Bamboo Capital, Phát Đạt, LDG... bị giải chấp 127 triệu cổ phiếu với giá trị gần 2.000 tỷ đồng
Dùng cổ phiếu của công ty để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Công ty chứng khoán, lãnh đạo nhiều DN đã bị giải chấp khi giá giảm quá sâu.
- 30-11-2022Fiin Credit tham gia "giải cứu" VO247, hứa sẽ đứng ra trả lại tiền cho nhà đầu tư trong lộ trình 12 tháng
- 30-11-2022Vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 20 doanh nghiệp được Bộ Công an gỡ phong tỏa tài sản
- 30-11-2022Profile các nhà tư vấn tái cấu trúc Novaland: 1 công ty tư vấn toàn cầu, 1 hãng luật góp mặt tại loạt thương vụ M&A tỷ đô của Masan, VPBank
Trước khi có cú phục hồi ngoạn mục từ giữa tháng 11/2022, trong hơn 2 tháng, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong những phiên giao dịch lao dốc. Những cổ phiếu bất động sản từng tăng trưởng mạnh nhất thị trường rơi vào tình trạng giảm sàn liên tục, dẫn đến một hệ quả là giải chấp cổ phiếu.
Do đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản – những người đang dùng cổ phiếu của công ty mình để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Công ty chứng khoán – đã bị giải chấp khi giá giảm quá sâu.
Thống kê từ đầu tháng 10 tới cuối tháng 11/2022, lãnh đạo của 7 doanh nghiệp BĐS là Tổng CTCP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIG), Hodeco (HDC), Bamboo Capital (BCG), Khải Hoàn (KHG), Long Điền (LDG), Novaland (NVL) và Phát Đạt (PDR) đã bị bán giải chấp hơn 127 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.
Cụ thể, tại DIG, tổng cộng, gia đình và cổ đông lớn bị giải chấp 34 triệu cổ phiếu tương đương 5,6% vốn cổ phần.
Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Thiện Tuấn bị giải chấp 3 đợt với tổng cộng 14,7 triệu cổ phiếu từ 27/10 – 16/11. Tính theo mức giá tương ứng trong các giai đoạn này, ông Tuấn đã phải bán đi lượng cổ phiếu tương đương hơn 200 tỷ đồng.
Cùng lúc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Nguyễn Hùng Cường – con gái và con trai của ông Tuấn bị giải chấp hơn 9,3 triệu cổ phiếu tương đương 110 tỷ đồng. Cổ đông lớn CTCP Đầu tư phát triển Thiên Tân cũng đã bị giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu DIG tương đương 156 tỷ đồng.
Ngay trong ngày 16/11 – khi DIG cũng như thị trường chứng khoán bật tăng trở lại thì các công ty chứng khoán đã mạnh tay giải chấp cổ phiếu của gia đình ông Tuấn.
Thực tế, một phần cổ phiếu bị giải chấp của ông Nguyễn Thiện Tuấn và Thiên Tân được bán vào cuối tháng 10 với mức giá 19.000 – 19.800 đồng vẫn cao hơn thị giá hiện tại của DIG. Đóng cửa phiên 30/11, DIG tăng trần lên 15.800 đồng/cp – ghi nhận sự phục hồi gần 60% so với đáy.
Tại Novaland, mặc dù cổ phiếu giảm sàn 17 phiên liên tục, doanh nghiệp này mới chính thức thông báo một cá nhân là bà Cao Thị Ngọc Sương (vợ ông Bùi Thành Nhơn) bị giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu (bằng 1,5% vốn cổ phần) trong thời gian từ 23-28/11, tương đương 635 tỷ đồng. Sau giao dịch, bà Sương còn sở hữu 2,79%.
Tuy nhiên, trong ngày 22/11, CTCP NovaGroup đã bán ra 12,7 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận mặc dù trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), NovaGroup không đề cập đến mục đích giao dịch và trước đó cũng không có thông báo đăng ký bán. Không loại trừ khả năng đây là lượng cổ phiếu bị bán giải chấp bởi các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, ông Bùi Cao Nhật Quân cũng đã bán 5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 4,27% xuống còn 4,13% vào ngày 28/11 – phiên cổ phiếu NVL được giải cứu sau chuỗi 17 phiên sàn liên tiếp.
Tại BĐS Phát Đạt, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt liên tục bị các công ty chứng khoán đưa ra thông báo giải chấp. Từ 22/11 – 29/11, ông Đạt đã bị bán 38,8 triệu cổ phiếu PDR tương đương hơn 500 tỷ đồng. Sau khi bán, ông Đạt còn nắm 43,68% vốn cổ phần của công ty, vẫn là cổ đông lớn nhất.
Cùng trong phiên thăng hoa 29/11, Phát Đạt Holdings cũng bị bán 6 triệu cổ phiếu PDR tương đương 77 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 10%.
Tại CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG), bà Trần Thị Thu Hương – vợ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khải Hoàn đã bị bán hơn 3,5 triệu cổ phiếu KHG tương đương 16 tỷ đồng. “Bù lại”, ông Hoàn đã hoàn tất mua lại 5 triệu cổ phiếu KHG.
Có động thái mua lại ngay khi bị giải chấp là ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Bamboo Capital (BCG). Ông Nam bị giải chấp 4,6 triệu cổ phiếu BCG vào ngày 16/11. Ngay sau đó, ông Nam đăng ký mua lại 5 triệu cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 15,64%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/11 – 20/12/2022.
Ông Đoàn Hữu Thuận – Chủ tịch HĐQT của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC) cũng mua lại 300.000 cổ phiếu HDC sau khi bị giải chấp 200.000 cổ phiếu vào ngày 16/11.
Cùng bị giải chấp với Chủ tịch HDC là TGĐ Lê Viết Liên, TV.HĐQT Nguyễn Tuấn Anh cùng công ty có liên quan là Thiên Anh Minh. Tổng cộng theo thông báo chính thức, các lãnh đạo của HDC bị giải chấp gần 1,3 triệu cổ phiếu tương đương 39 tỷ đồng.
Tương tự DIG và PDR, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng của CTCP Đầu tư LDG (LDG) liên tục bị giải chấp trong thời gian từ 28/10 – 15/11 với tổng khối lượng gần 10 triệu cổ phiếu tương đương 41 tỷ đồng. Sau các giao dịch, ông Hưng còn nắm 17,3 triệu cổ phiếu LDG tương đương 7,23% vốn cổ phần.
Ngoài ra, 2,5 triệu cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT cũng dự kiến bị Mirae Asset bán giải chấp từ ngày 21/11 nhưng giao dịch chưa được thông báo.
Nhịp sống thị trường