Trưởng ban Kinh tế & thương mại EU tại Việt Nam: Cần thêm nhiều ‘ô tô nhỏ’, ‘xe máy’ chạy trên cao tốc EVFTA
Theo Trưởng ban Kinh tế & Thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cốt lõi của nền kinh tế, do vậy những chính sách liên quan cần phải tập trung vào khu vực này.
- 26-03-2021Chuyên gia ILO: Tạo ra số lượng việc làm ngày càng lớn nhưng khu vực này lại đáng lo ngại nhất về quyền lợi của người lao động
- 26-03-2021Chủ tịch VINASME: 'Nói thị trường châu Âu khó tính là không đúng'
- 26-03-2021Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm 'Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình'
Liên quan đến chủ đề "EVFTA và đóng góp của hiệp định trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ", TS. Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Kinh tế & Thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, EVFTA chắc chắn đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"EVFTA được ví như tuyến cao tốc giữa Việt Nam và EU. Hiện nay, tuyến cao tốc này chủ yếu dành cho những 'chiếc xe tải lớn'. Song chúng ta cần phải tìm ra hướng để giúp các 'chiếc ô tô' nhỏ hơn, thậm chí là nhiều 'xe máy' hơn trên đường cao tốc đó", ông Carsten cho hay.
Theo đó, ông cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cốt lõi để xây dựng các chính sách tại châu Âu, bởi đây cũng chính là đại diện của nền kinh tế. Điển hình như ở châu Âu, sản xuất thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực mang tính sáng tạo nhất tại khu vực này. Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm này được tạo ra từ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu.
Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chính là cốt lõi của công cuộc đổi mới trong các ngành công nghiệp tại châu Âu. Tuy nhiên, lĩnh vực thiết bị y tế trước đó tại châu Âu đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về quy định, khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động.
Sau này, châu Âu đã phải đưa ra một bộ quy định mới mà đã thay đổi toàn ngành công nghiệp. "Tương tự như vậy đối với Việt Nam. Đây là một thách thức, nhưng cũng là lợi ích kết nối giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Rào cản ở đây chính là giấy phép. Thực tế, đây không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà còn từng xảy ra tại châu Âu".
"Hãy tưởng tượng như khu vực châu Âu với 27 quốc gia nhưng không có biên giới. Điều này đã là một thách thức trong việc quản lý đối với các doanh nghiệp. Vậy là thế nào để các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế với những gánh nặng về thủ tục như vậy? Chúng tôi đã đưa ra quy định được gọi là 'giấy tự chứng nhận cho nhà sản xuất'. Như vậy, người sản xuất sẽ là người phải chịu trách nhiệm toàn bộ nếu sản phẩm không tuân thủ các quy định về an toàn, sức khỏe và môi trường", TS. Carsten Schittek nhận định.
Ông Carsten kết luận: "Việc thay đổi này chắc chắn sẽ không thể làm trong một sớm một chiều. Song, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm được môi trường tốt để có thể cung cấp sản phẩm".