MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Không ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, thành quả phát triển kinh tế sẽ chịu tổn hại!

"Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do có bờ biển dài và lưu vực sông rộng lớn", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại chuyên đề "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố An ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững", trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, sáng 17/1.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những nguy cơ lớn của mọi quốc gia trên thế giới, không phân biệt là nước giàu hay nghèo, theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do có bờ biển dài và lưu vực sông rộng lớn.

Dẫn ra một số nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam, ông Bình cho biết đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích TPHCM cũng sẽ có nguy cơ bị ngập.

Theo đó sẽ có khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất về kinh tế ước tính khoảng 10% GDP. Thực trạng BĐKH đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học.

Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn, mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 héc-ta đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tai khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, những tác động tiêu cực về BĐKH sẽ ngày một lớn và khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường và làm tăng khả năng bị tổn thương của nền kinh tế.

Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Vì vậy, những nguy cơ và rủi ro về BĐKH này cần phải được tính đến trong quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các ngành.

Nhận thức được các nguy cơ và rủi ro về BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách khá hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của BĐKH.

Căn cứ vào các chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH đã đề ra, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hành động tích cực để hiện thực hóa, như: tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó với BĐKH; đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH…

Việt Nam cũng đã chủ động tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH như tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, khai thác hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức …

Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến đảm bảo an ninh năng lượng. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm.

Một số kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra rằng BĐKH tại Việt Nam làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia.

Nhưng ở chiều ngược lại, các hoạt động năng lượng lại là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện và đánh giá đúng sự tác động hai mặt này để có cơ sở xây dựng những chính sách phù hợp về chủ động ứng phó với BĐKH và củng cố An ninh năng lượng quốc gia. Đây là việc làm khó, nhưng hết sức cần thiết.

Trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận Hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố An ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững" có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tiếp tục làm rõ một số vấn đề cụ thể.

Thứ nhất là cần tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về những tác động tiêu cực của BĐKH trên thế giới và ở nước ta hiện nay; qua đó để xác định rõ hơn những trách nhiệm liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống BĐKH và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ hai là làm rõ một số nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến BĐKH ở Việt Nam và đề xuất một số kịch bản chủ động ứng phó với điều này.

Thứ ba là xem xét, đề xuất một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính; theo đó, những cam kết và hành động của khối doanh nghiệp như thế nào để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Thứ tư là phân tích chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của Việt Nam, đề xuất một số định hướng phát triển ngành năng lượng để nâng cao tính tự chủ và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng BĐKH.

Thứ năm là làm rõ hiện trạng công tác thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam; nhìn nhận đâu là những nguy cơ chính ảnh hưởng đến việc đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia hiện nay và đề xuất một số giải pháp trọng tâm để đảm bảo An ninh năng lượng quốc gia;

Thứ sáu là, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo cơ chế thị trường, có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp;

Thứ bảy là, giới thiệu những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị hiện đại gắn với những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững. Theo đó, người dân sẽ được tăng cơ hội tiếp cận những nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, với giá cả hợp lý…

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên