Trưởng Ban KTTƯ Trần Tuấn Anh: Việc đổi mới chính sách tài chính về đất đai có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng
Toàn cảnh buổi tổng kết
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và Luật Đất đai 2013, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, chính sách pháp luật về đất đai của nước ta hiện nay cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Trong khuôn khổ Chương trình làm việc với các ban, bộ ngành, địa phương về nhiệm vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, sáng ngày 30/6/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI". Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự buổi làm việc còn có các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ Tài chính và Thương trực Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chính sách đất đai cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển của xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong đó, chính sách pháp luật về tài chính đất đai có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Tuấn Anh nêu rõ, qua thực tế triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai của Đảng ta trong thời gian qua đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; thị trường đất đai từng bước đi vào nền nếp có sự điều tiết của nhà nước, tạo thêm nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và Luật Đất đai 2013, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, chính sách pháp luật về đất đai của nước ta hiện nay cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Việc thực hiện Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW làm tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Nghị quyết mới với những chủ trương, định hướng, giải pháp mới, đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất, bền vững, thực sự là một công cụ quan trọng của nhà nước trong việc huy động nguồn lực đất đai, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhắm tới mục tiêu, khát vọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, việc đổi mới chính sách tài chính về đất đai có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại buổi làm việc, các báo cáo, ý kiến trao đổi, thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá các tồn tại, hạn chế của chính sách pháp luật đất đai, đồng thời đánh giá nguyên nhân và đề xuất những nội dung đổi mới, hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó bao gồm các vấn đề quan trọng như: các chính sách thuế có liên quan đến đất đai; chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất; cơ chế tăng cường, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Quỹ phát triển đất; giá đất và nhiều vấn đề khác có liên quan.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung đối với chính sách tài chính, chính sách thuế cũng được đưa ra, cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật nhà ở; Sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Hoàn thiện cơ chế về thu hồi đất; Quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về giá đất; Rà soát cơ chế chính sách về đất đai; Hoàn thiện các chính sách thuế liên quan đến bất động sản; Phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; Quy định cụ thể về công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đất đai nói chung và chính sách tài chính đất đai nói riêng...
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ Tài chính nhận thức rất rõ tầm quan trọng to lớn của vấn đề đất đai và chính sách tài chính đất đai đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Tài chính sẽ nỗ lực, quyết tâm với tinh thần cao nhất, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tiếp tục tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để khẩn trưởng hoàn thiện các báo cáo, chuyên đề, đóng góp xứng đáng vào quá trình Tổng kết Nghị quyết quan trọng này.
Hội nghị cũng đã thống nhất giao các đơn vị thường trực của Bộ Tài chính và Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết tiếp tục khẩn trương làm việc trực tiếp, trao đổi cụ thể để hoàn thiện các nội dung tổng kết trong lĩnh vực quan trọng này, góp phần vào hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và xây dựng Nghị quyết mới trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm nay./.