Trưởng công an xã đứng ngồi không yên sau 3 ngày mất liên lạc với trưởng thôn và cuộc tìm kiếm trong mưa lớn
Trong lúc tìm kiếm, đoàn công tác vượt qua con đường rừng hiểm trở, dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ nối bước nhau mà đi…, tất cả đều mong muốn mọi sự bình an đến với người dân.
- 14-09-2024Đình chỉ công tác 2 chủ tịch xã né tránh trách nhiệm trong mưa bão tại Lào Cai
- 14-09-2024Cận cảnh cuộc sống ở khu lán trại tránh sạt lở của 115 người dân Lào Cai
- 13-09-2024Tin vui nhất vụ 115 người "mất tích" ở Lào Cai: Cả thôn đã sơ tán sớm lên núi tránh lũ nên tất cả đều an toàn
Từ lo lắng tột độ, đứng ngồi không yên...
Trước cơn bão số 3, bầu trời u ám, xám xịt. Nhận công văn của lãnh đạo Công an huyện Bắc Hà về việc triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 3, trưởng Công an xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Đại uý Nguyễn Mạnh Cường, nói với đồng đội: Cơn bão lần này có cường độ lớn, nguy có sạt lở tại Kho Vàng, thôn xa nhất của trung tâm là rất lớn… Vì thế, phải đến tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động bà con chủ động phòng, chống thiên tai.
Bởi thế, từ tờ mờ sáng hôm sau, khi sương đêm còn trĩu nặng, anh Cường cùng cán bộ Công an xã Cốc Lầu đã lặn lội vào Kho Vàng...
Gặp trưởng Công an xã và cán bộ, người dân trong thôn tay bắt, mặt mừng. Cùng với các thành viên tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở, họ tuyên truyền, thông báo cho bà con về cường độ của cơn bão số 3, cách nhận biết khi có nguy cơ xảy ra sạt, lở đất… Chia tay thôn Kho Vàng khi bếp hồng đã đỏ lửa, cái bắt tay thật chặt của người dân khiến bao mệt mỏi của các bộ Công an xã Cốc Lầu chợt tan biến.
Sáng ngày 8/9, trời bắt đầu đổ mưa. Đến đêm 9/9 thì mưa lớn, giao thông bị chia cắt, toàn xã mất điện, mạng viễn thông cũng hoàn toàn tê liệt. Ngày 10/9, mưa bão vẫn diễn ra kèm theo thông tin khu vực dọc bờ sông thôn Kho Vàng bị sạt lở, nghiêm trọng…
Công an xã Cốc Lầu thường xuyên theo dõi chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Công an tỉnh, Công an huyện nắm tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó.
Sau gần 3 ngày không thể liên lạc được với anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn kiêm lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở thuộc nhóm 17 hộ - 115 nhân khẩu sống ở trên núi thôn Kho Vàng, trưởng Công an xã Cốc Lầu đứng ngồi không yên.
Đến khoảng 6h30 ngày 11/9 trời vẫn mưa tầm tã; không có cách nào liên lạc được với anh Chứ tại thôn Kho Vàng cũng như địa phận xã Nậm Lúc và xã Bản Cái bị sạt lở đường không thể quan sát từ phía bên đó sang phía bên kia nhóm 17 hộ. Lúc này, trưởng Công an xã Cốc Lầu rất lo lắng.
Địa hình khu vực dốc tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ quét, mấy hôm không liên lạc được… Trong khi đó, thông tin về việc một thôn tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị lũ quét, khiến anh càng thêm lo lắng.
“Tôi đã trực tiếp đề xuất với trưởng Công an huyện Bắc Hà về việc lập một tổ công tác gồm 3 đồng chí Công an xã sẽ lên thôn Cốc Lầu. Đồng thời, huy động thêm 1 đồng chí thuộc lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, 1 đồng chí xã đội thôn Cốc Lầu tìm đường tới nhóm 17 hộ dân. Chúng tôi mang theo gần chục kiện mỳ tôm và nước lọc, dao và lửa để đề phòng nhỡ cần khi gặp điều bất chắc cho cả tổ công tác lẫn nhóm 17 hộ do thiếu lương thực để dùng tạm. Còn 2 đồng chí thường trực tại Công an xã để giải quyết công việc”- Trưởng Công an xã Cốc Lầu cho biết.
Vào thời điểm này, cung đường vào bản Kho Vàng và các xã lân cận đều đã bị đứt, gẫy, giao thông trên đường bộ bị tê liệt hoàn toàn… Cung đường duy nhất có thể đi lúc này là vượt núi, qua những khu rừng vầu, rừng trúc…
“Chúng tôi dùng dây thừng, buộc chéo mấy hộp mỳ tôm vào sau lưng như chiếc địu, để tay có thể làm được các việc khác. Sau đó, mang theo nước, vài con dao dựa và những chiếc bật lửa… Ở nơi rừng thiêng, nước độc có thể thiếu ăn nhưng không thể không có nước uống”- Đại uý Cường tkể lại.
Vượt qua con đường rừng hiểm trở, dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ nối bước nhau mà đi…, tất cả đều mong muốn mọi sự bình an đến với người dân thôn Kho Vàng. Càng lên cao, đường càng trơn; càng vào sâu trong rừng lại càng khó đi. Những năm trước, người dân còn vào sâu trong rừng tìm măng nhưng lâu dần ít người, những lối mòn giờ cỏ dại mọc lút đến đầu người, chẳng còn đường đi. Họ vừa đi, vừa phạt cành, tìm lối đến với thôn Kho Vàng.
... Đến vỡ oà hạnh phúc
Khoảng hơn 8h cùng ngày, họ đã đặt chân tới núi thuộc thôn Cốc Lầu rồi tiến hành đi bộ băng qua rừng để tiến sang địa phận thôn Kho vàng (thôn Cốc Lầu giáp ranh thôn Kho Vàng).
Đến khoảng hơn 10h, tổ công tác lên đến đỉnh núi thì phát hiện các hộ dân đang chặt cây tre, nứa để căng bạt dựng lán ở. Khi khi thấy họ đang căng bạt, Đại uý Cường và các cán bộ trong tổ vỡ òa vì hạnh phúc. Niềm vui ấy được nhân lên gấp bội phần khi họ hỏi về 115 khẩu có an toàn không, có ai bị thương không thì đều nhận được câu trả lời: “Không có ai bị thương, chúng tôi đều an toàn”.
“Khi chúng tôi hỏi tình hình đồ ăn thì nhận được câu trả lời rằng, bây giờ mình không có cái gì ăn, bọn trẻ không có gì ăn. Họ cũng nói thêm có 4-5 thanh niên đang theo đường sạt kia xuống tìm đồ ăn”, Đại uý Cường nhớ lại.
Ngay sau đó, trưởng Công an xã Cốc Lầu liền chỉ đạo các cán bộ mang mỳ tôm, nước uống ra để đưa cho nhân dân nấu ăn ngay, đảm bảo không bị đói, đặc biệt là trẻ nhỏ.
“Thật tuyệt vời khi các hộ dân đã biết bảo vệ bản thân mình. Còn người là còn của, mất người là mất tất và tôi hứa với bà con trong chiều tối sẽ mang đồ tiếp tế cho các hộ tại đây”, trưởng Công an xã Cốc Lầu vui mừng bày tỏ.
Sau khi nắm bắt tình hình, anh cùng các thành viên đi xuống khu vực nhà ở của 17 hộ dân, cách đó khoảng hơn 500m để kiểm tra tình hình sạt lở; đồng thời tìm kiếm những ngườ chưa lên vị trí dựng lán. Trong quá trình này, Đại uý Cường phát hiện còn 3 người cao tuổi không lên… Sau khi được vận động, 3 người dân đã đồng ý và được đưa lên phía lán trên đỉnh núi, đảm bảo an toàn.
Anh cho biết: Vào thời điểm đó, do không có sóng điện thoại nên tôi đã cử 2 đồng chí trong tổ ở lại làm công tác tư tưởng cho nhân dân và rà soát lại toàn bộ khu vực xem còn có người không…
Sau đó, Đại uý Cường cùng 2 thành viên trong tổ công tác tiếp tục đi bộ theo hướng đường xuống nhóm dưới bờ sông cũng thuộc thôn Kho Vàng để kịp thời báo cáo lãnh đạo về tính cấp thiết; cũng như lo cho sự nguy hiểm của 4-5 thanh niên đang xuống tìm lương thực kia vì vị trí đó đang sạt lở nghiêm trọng.
Đại uý Cường cho biết: Chúng tôi di chuyển xuống núi vượt qua các đoạn sườn núi, khu vực sạt lở nghiêm trọng với thời tiết đang mưa. Trong quá trình di chuyển, chúng tôi đã nhìn thấy 5 thanh niên đều an toàn. Sau khi gặp gỡ, động viên chúng tôi đã tuyên truyền để họ quay lại rồi mới tiếp tục di chuyển băng qua các đoạn nguy hiểm để đi nhanh nhất tới trụ sở báo cáo lãnh đạo cấp trên.
Khoảng 1h30p cùng ngày, anh đã đến được khu vực có sóng điện thoại để báo cáo Trưởng Công an huyện và Bí thư đảng ủy xã Cốc Lầu về và đề xuất quay về trụ sở UBND xã chuẩn bị đồ tiếp tế để lên đường quay lại với 17 hộ dân thôn Vàng.
Được sự đồng ý của cấp trên, tất cả cùng chuẩn bị đồ tiếp tế và huy động tại thôn Cốc Lầu khoảng 20 người dân có sức khỏe tốt tham gia vận chuyển lương thực. Khoảng 15h40 phút, lực lượng tiếp tế xã do anh Cường dẫn đoàn tổ tiếp tục cùng hơn 20 người dân mang vác các đồ tiếp tế lên đường đi bộ băng rừng theo con đường cũ mà buổi sáng đã đi.
Đến hơn 17h30p cùng ngày, họ đã có mặt tại địa điểm lán của 17 hộ dân bàn giao lại toàn bộ số đồ tiếp tế.
Đến 22h cùng ngày, tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ, quay trở về trụ sở Công an xã báo cáo đồng chí Trưởng Công an huyện hoàn thành nhiệm vụ, tổ công tác an toàn. “Dân của mình được an toàn là vui rồi!”- Đại uý Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Theo Công an tỉnh Lào Cai
Đời sống và pháp luật