MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đại diện Jetro Hà Nội lý giải vì sao Việt Nam áp đảo các nước ASEAN trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản

23-07-2020 - 16:46 PM | Tài chính quốc tế

Trong số 30 doanh nghiệp được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyển chọn để mở rộng chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Điều này cho thấy sự hấp dẫn lớn của nền kinh tế 95 triệu dân.

Bài học không đặt hết trứng vào một giỏ từ đại dịch Covid-19

Ngày 17/7, Jetro tổ chức họp báo công bố kế quả tuyển chọn lần 1 với các doanh nghiệp có nguyện vọng mở rộng chuỗi cung ứng sang ASEAN, một chương trình do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) phát động sau khi tận thấy cách Covid-19 tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong cuộc họp báo chiều 23/7, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO), nói rằng, Chính phủ Nhật Bản chưa từng đưa ra chính sách đa dạng chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trước đây. Việc xây dựng, phát triển hay hình thành chuỗi cung ứng vốn phụ thuộc vào định hướng riêng của từng doanh nghiệp.

"Tập trung vào một nơi hoặc phân tán trong chuỗi cung ứng vốn phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp. Trong thực phẩm, nhiều doanh nghiệp chọn cách phân tán chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực như máy móc, máy tính, máy bay với các sản phẩm được chuẩn hóa, các doanh nghiệp thường có hướng tập trung", ông Nakajima cho biết.

Trưởng đại diện Jetro Hà Nội lý giải vì sao Việt Nam áp đảo các nước ASEAN trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã vẽ lên một bức tranh hoàn toàn khác, nhất là khi các doanh nghiệp lâm vào cảnh đình trệ vì thiếu linh kiện sản xuất. Trung Quốc, vốn là công xưởng của thế giới, lại là quốc gia đầu tiên phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không kịp phản ứng và rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu.

Một trong những sự thiếu hụt mà ông Nakajima nhắc tới chính là cuộc khủng hoảng khẩu trang, nước rửa tay và các trang thiết bị bảo hộ y tế ở Nhật Bản trong những tháng đầu năm 2020. Đây là giai đoạn các quốc gia đua nhau tích trữ trang thiết bị y tế để đương đầu với đại dịch, nhất là khi nó lây lan mạnh bên ngoài biên giới Trung Quốc.

"Lần này, Nhật Bản đưa ra chính sách thúc đẩy các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Khẩu trang, thiết bị bảo hộ hoặc vật tư y tế được  đưa vào diện phân tán rủi ro nhằm hạn chế tác động của những sự kiện như Covid-19", ông Nakajima cho biết về gói hỗ trợ của METI để các doanh nghiệp Nhật đa dạng chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế thuộc nhóm ưu tiên của METI. Trong khi hạn chót để các doanh nghiệp hoàn tất việc đa dạng hóa, bao gồm lập kế hoạch chi tiết, xây dựng nhà máy, sản xuât và được METI kiểm duyệt là tháng 3/2025, các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế phải hoàn thành vào tháng 3/2023 để đủ điều kiện nhận trợ cấp.

Trong số các doanh nghiệp Nhật chọn đầu tư vào Việt Nam, có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế, quần áo bảo hộ. Vị thế đã được chứng minh của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may với nhiều doanh nghiệp có năng lực và uy tín là lý do thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của làn sóng.

Lợi thế và thách thức với Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI

15/30 doanh nghiệp được METI hỗ trợ kinh phí đa dạng chuỗi cung ứng chọn Việt Nam là điểm đến. Ông Nakajima nhận định: "Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn đã gây sốc cho các quốc gia lân cận".

Lãnh đạo Jetro Hà Nội nhấn mạnh Việt Nam là thị trường hấp dẫn và có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Tuy nhiên, Đông Nam Á là nơi đang có một cuộc cạnh tranh thu hút FDI gay cấn. Thậm chí, sự cạnh tranh không chỉ tới từ các quốc gia bên ngoài mà từ ngay chính cả tại các địa phương ở Việt Nam.

"Ở ASEAN, Malaysia, Singapore, Thái Lan thuộc nhóm chi phí cao. Indonesia cũng đang ở mức ngấp nghé. Việt Nam dù còn trong nhóm chi phí thấp nhưng tiền nhân công, thuê mặt bằng ở Việt Nam cũng đang tăng lên từng năm. Lợi thế chi phí giá rẻ sẽ sớm biến mất, Việt Nam cần tạo cho mình những lợi thế khác", ông Nakajima chia sẻ.

Dân số 95 triệu người, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Việt Nam quá hấp dẫn khiến doanh nghiệp ở nhiều quốc gia muốn đầu tư. Điều này có thể dẫn tới tình trạng dù dân số 95 triệu người nhưng nguy cơ thiếu nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trở nên hiện hữu.

Trưởng đại diện Jetro Hà Nội lý giải vì sao Việt Nam áp đảo các nước ASEAN trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 2.

Riêng với doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam có một lợi thế khác mà không bất cứ quốc gia nào trong khu vực có được. Trong khi Malaysia hay Philippines nổi trội với số người biết tiếng Anh lớn, Việt Nam có ưu thế nhờ đội ngũ đông đảo người lao động biết tiếng Nhật. Đó là một phần lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản cũng được đánh giá là điểm mấu chốt. Trong con mắt của người Nhật, thái độ tích cực và chủ động từ Chính phủ Việt Nam có thể giúp những tồn tại như sự thiếu nhất quán, không minh bạch, tham nhũng… - vốn có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào - trở nên không còn quá đáng ngại.

Bên cạnh đó, dân số 95 triệu người với mức sống đang ngày càng được cải thiện sẽ nhanh chóng biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn. Trong khi đó, ngoài việc xuất khẩu, các hàng hóa Nhật Bản tạo ra ở Việt Nam trong quá trình mở rộng chuỗi cung ứng cũng sẽ phục vụ chính thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nakajima cũng nêu ra những trở ngại, chẳng hạn như tỷ lệ nội địa hóa thấp và ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển ở Việt Nam. Đây được xem là vấn đề cần sớm cải thiện trong bối cảnh cuộc đua FDI ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung sẽ đẩy các nước vượt lên rất nhanh trong hành trình thu hút đầu tư.

"Với các doanh nghiệp Nhật Bản, khi nói đến chất lượng Nhật Bản, nó rất cao. Doanh nghiệp Việt nên nỗ lực hơn nữa để đạt tới tiêu chuẩn này dù điều đó có thể mất tới vài năm", ông Nakajima nói và chia sẻ rằng việc các nước Đông Nam Á sốc vì 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư vào Việt Nam sẽ trở thành động lực để họ quyết tâm và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút dòng vốn từ Nhật Bản và các nước khác.

Ngoài ra, việc đi lại hạn chế giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng được coi là rào cản. Khi các doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư, họ cần khảo sát, xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền rồi giám sát thi công. Việc hai quốc gia chưa thể nối lại các chuyến bay thương mại vì Covid-19 gây tác động tới tiến trình đầu tư, nhất là khi nhiều trong số 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam làm điểm đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên