MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: “Tôi chưa từng nghe gì về việc rời bỏ thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp ôtô Nhật Bản”

Bên lề Triển lãm gia công phụ tùng Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội ngày 23/2, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết đã có hiểu lầm với phát ngôn của đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh.

“Tôi chưa từng nghe gì về việc các doanh nghiệp lắp láp, kinh doanh ô tô Nhật Bản muốn rời bỏ thị trường Việt Nam”, ông Atsusuke Kawada nói. Theo ông này, các quyết định sản xuất kinh doanh đều do doanh nghiệp tự chủ. JETRO chỉ quan sát thấy sự gia tăng về số lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam khiến những doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước “có chút lao đao”.

Theo ông Atsusuke Kawada, việc Việt Nam cần làm lúc này là nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến tự sản xuất được linh kiện, phụ tùng để tạo hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ thêm đối với doanh nghiệp xe hơi trong nước.

Về phần mình, JETRO cam kết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bằng việc tổ chức các buổi kết nối giao thương và cung cấp những thông tin cần thiết để tìm được đối tác Nhật Bản thích hợp.

“Thực tế, chiếc xe máy Honda khi xuất xưởng đã có tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Chúng tôi cũng biết chính phủ Việt Nam đang có những chính sách để lựa chọn và phát triển các doanh nghiệp có tiềm năng, triển vọng. Ngoài giúp đỡ công ty Nhật Bản, chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam” – ông Atsusuke Kawada nói.

Sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và Nhật Bản

Tại sự kiện này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhiều hạn chế nếu muốn trở thành nhà cung ứng cho những công ty Nhật Bản. Để có thể đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác nước ngoài, Nhà nước, các hiệp hội và bản thân doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa.


Doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhiều hạn chế nếu muốn trở thành nhà cung ứng cho những công ty Nhật Bản, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương.

"Doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhiều hạn chế nếu muốn trở thành nhà cung ứng cho những công ty Nhật Bản", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương.

“Muốn phát triển ngành công nghiêp Việt Nam, chúng ta phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã có nghị định về ngành này. Trong thời gian tới, với sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, thì ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có bước phát triển mới”, ông Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.

Theo thông tin từ JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay vẫn phải mua những linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc. Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức 34,2%. Sự khác biệt lớn nhất giữa các nhà cung ứng Việt Nam và hãng sản xuất Nhật Bản nằm ở bộ tiêu chuẩn sản phẩm.

“Những nhà sản xuất Nhật Bản có yêu cầu rất cao về sản phẩm. Tuy nhiên, có vẻ như phụ tùng hay linh kiện do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có tiêu chuẩn không tương xứng với mong đợi. Tôi hy vọng tiêu chuẩn, công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao hơn, đáp ứng những yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản”, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội chia sẻ.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên