MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Dùng bằng giả làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ tại hơn 20 trường ĐH

20-12-2020 - 21:19 PM | Xã hội

Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Dùng bằng giả làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ tại hơn 20 trường ĐH

Nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trong danh sách các trường ĐH này, có cả những trường lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí - Tuyên truyền có 4 trường hợp, ĐH Huế có 4 trường hợp.

Ngoài ra, 2 giảng viên của Trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) đã trúng tuyển năm 2018 vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô , 1 giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 này.

Một trường hợp tại TPHCM sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường ĐH công lập đóng tại TPHCM.

Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả: Dùng bằng giả làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ tại hơn 20 trường ĐH - Ảnh 1.

Trường ĐH Đông Đô - Ảnh: Bạch Hoàng Dương

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 20-12, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc cần phải làm rõ và công khai danh sách những người đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô.

"Giáo dục cần phải trung thực hàng đầu. Thầy cô giáo mà gian dối thì không thể làm thầy được, làm sao dạy được học trò trung thực. Những người đang làm công tác giảng dạy ở các Trường ĐH cần phải chuyển nghề, không nên làm giáo viên" - TS Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh cũng cho rằng tính liêm chính đối với cán bộ, công chức phải rất cao. "Trong học thuật đã không liêm chính thì khi có chức, có quyền, làm sao học đảm bảo liêm chính được. Vì thế đối với cán bộ công chức cố tình sử dụng bằng giả, cần buộc thôi việc, kỷ luật nghiêm theo đúng quy định" - ông Vinh nêu quan điểm.

Liên quan đến các học sinh sử dụng bằng giả đang theo học tại Trường ĐH Sư phạm, lãnh đạo trường này cho hay trường đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô.

Trong khi đó, Đại diện của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết trường không công nhận văn bằng đối với những trường hợp dùng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô. Nếu nghiên cứu sinh không có văn bằng Ngôn ngữ Anh của trường ĐH được phép đào tạo và cấp bằng hay chứng chỉ quốc tế theo quy định để thay thế thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) vừa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô Hà Nội.

Theo VKSNDTC, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Trong đó, hồ sơ thể hiện có trường hợp tham gia học thật, thi thật đã được cấp bằng. Do vậy, cần xác định những trường hợp nào được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể ra sao?

Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng yêu cầu các đơn vị chủ quản phải xử lý trách nhiệm các đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp dùng bằng không được cấp đúng quy định. Trong số này, cơ quan điều tra mới thu giữ 67 bằng gốc.

Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, đến nay mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên.

Do đó, VKSNDTC cho rằng 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định. Cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả.

VKSND tối cao yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung trong không quá 2 tháng.

Theo Yến Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên