Trưởng Đoàn ĐBQH Đà Nẵng: Đến nay thành phố vẫn không có Chủ tịch HĐND
Theo Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, có một số nút thắt, dù đã hết sức tháo gỡ nhưng Đà Nẵng cũng không giải quyết được.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận trước Quốc hội sáng 25/5, ĐBQH Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội quan tâm đúng mức và điều hành của Chính phủ có trọng tâm, giữ được sự phát triển.
Theo ông Quang, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ ngày càng được nâng cao và nhân dân mong muốn tiếp tục giữ được sự ổn định.
Bên cạnh kết quả đạt được, vị Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chỉ rõ, thời gian qua nổi lên hàng loạt sai phạm về quy hoạch, quản lý đất đai, công tác cán bộ… Sự sai phạm kéo dài nhiều năm không được phát hiện, xử lý, tháo gỡ, cần sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ.
"Đà Nẵng là một địa phương chậm trễ kiện toàn bộ máy tổ chức như không có Chủ tịch HĐND TP, thiếu một Phó Chủ tịch HĐND TP, một Phó Chủ tịch UBND TP", ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cho rằng, có một số nút thắt, dù tháo gỡ, nhưng Đà Nẵng cũng không giải quyết được.
Ông Quang dẫn chứng, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng chủ trương trong 60 ngày nếu người dân, doanh nghiệp nộp đủ tiền khi giao đất thì được giảm 10% trên tổng số tiền nộp.
Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cho thời hạn sử dụng lâu dài nếu nộp đủ tiền sử dụng.
Đến năm 2012, trong tài liệu Thanh tra chính phủ chỉ ra những sai phạm, yêu cầu thu hồi 10% đã giảm, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất…
"Có nhiều người dân, doanh nghiệp đã bán đi bán lại phần diện tích đất nêu trên. Thế là những chủ nhân hiện nay vừa phải mua đất theo giá thị trường, vừa phải làm theo kết luận thanh tra, vừa phải trả 10% tiền sử dụng đất mà chủ trước đã giảm…", ông Quang nêu.
Ông Quang nói thêm, người dân, doanh nghiệp cho rằng ai sai, nấy chịu. Sai là ở chính quyền, còn họ làm đúng.
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị, không điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, không bắt người dân nộp phí 10%. Hiện 8.000 người dân còn nợ tiền sử dụng đất.
"Cuộc sống người dân đã khó khăn nay sau di dời càng khó khăn hơn. Đề nghị của người dân được nợ đất theo giá vàng để ổn định cuộc sống", ông Quang bày tỏ.
Ngoài ra, trong những năm qua, theo ông Quang, được sự cho phép Chính phủ, Đà Nẵng đầu tư một số công trình phục vụ an sinh người dân và đã sử dụng ba năm nhưng chưa cấp phí trả cho doanh nghiệp.
Việc này theo ông Quang đã gây ảnh hưởng uy tín của Chính phủ bởi chính quyền địa phương cam kết sẽ trả trong thời gian ngắn sau khi làm xong công trình. Từ đó, ông Quang đề nghị, Chính phủ sớm bố trí trả nợ cho doanh nghiệp.
Trí Thức trẻ