Trường hợp nào bị khóa căn cước điện tử trên VNeID?
Căn cước điện tử trên VNeID sẽ bị khóa trong 5 trường hợp theo quy định. Khi khóa căn cước điện tử, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa thẻ.
- 24-11-2024Apple nâng cấp Siri để cạnh tranh với ChatGPT
- 24-11-2024TP HCM bắt đầu thử nghiệm phương tiện tự hành
- 24-11-2024Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế
Theo quy định tại Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Mỗi công dân được cấp căn cước điện tử được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử (VNeID).
Trường hợp nào bị khóa căn cước điện tử?
Theo khoản 1, Điều 34, Luật Căn cước, căn cước điện tử sẽ bị khóa trong 5 trường hợp sau: - - Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
- Vi phạm thỏa thuận sử dụng VNeID;
- Công dân bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
- Người được cấp căn cước điện tử chết;
- Có yêu cầu của cơ quan tố tụng/cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, khi khóa căn cước điện tử, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa thẻ. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Làm thế nào để mở khóa căn cước điện tử?
Theo khoản 2, Điều 34, Luật Căn cước cũng quy định, căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu mở khóa.
- Trường hợp 2: Khi người được cấp căn cước điện tử đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng VNeID.
- Trường hợp 3: Người được cấp căn cước điện tử được trả lại thẻ căn cước.
- Trường hợp 4: Cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.
Căn cước điện tử là nội dung mới được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Theo đó, Luật Căn cước quy định mỗi công dân chỉ có một căn cước điện tử, dùng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người đó.
Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của công dân. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Hiện nay, ứng dụng VNeID đã tích hợp thông báo lưu trú, ví giấy tờ và các tiện ích để giao dịch hành chính như: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT, người phụ thuộc, thông tin thuế... Thời gian tới, VNeID sẽ có thêm chức năng thanh toán điện tử, an sinh xã hội, đăng nhập ứng dụng các ngân hàng...
Phụ nữ số