Trượt tất cả nguyện vọng vào lớp 10, sĩ tử Hà Nội viết vài dòng tâm sự khiến ai cũng rưng rưng: "Con mong cha mẹ hãy hiểu con hơn"
Thi cử không như ý muốn, ai là người buồn hơn: Phụ huynh hay học sinh?
- 03-07-2024Nam sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập, cả nhà sụp đổ: Hành động của người mẹ sau đó đã khiến cuộc đời em hoàn toàn thay đổi
- 03-07-2024Điểm chuẩn lớp 10 năm 2024 TPHCM CHÍNH THỨC, ngôi trường "quen mặt" giữ vị trí top 1
- 02-07-2024Hà Nội: Nam sinh nhảy cầu Long Biên sau kỳ thi vào lớp 10
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 của Hà Nội năm 2024 đã kết thúc nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Đặc biệt là sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn, chủ đề thi cử một lần nữa "nóng" trở lại trong các hội nhóm của phụ huynh và học sinh 2k9.
Mới đây, một sĩ tử 2k9 tại Hà Nội đã chia sẻ về kết quả mình đạt được trong kỳ thi vừa qua trong group có rất đông phụ huynh. Bài tâm sự chứa đầy những nỗi lòng của bạn học sinh này khi điểm thi không như ý muốn, con đường phía trước cũng mịt mờ.
"Mọi người ơi con trượt cấp 3 rồi! Đến cả trường dân lập con cũng thiếu điểm, khó mà đỗ vào được nhưng con vẫn muốn được đi học tiếp. Con biết cũng có nhiều bạn bây giờ đang giống như con, cũng đang lo sợ sẽ không còn được học cấp 3 nữa. Con biết các bạn cũng giống con là muốn được đi học.
Bố mẹ con bảo rằng 'sao các bạn học được mà sao con không học được...' và lúc đó con cảm thấy rất khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Đầu năm lớp 9 con thi khảo sát chỉ đc tầm 27, 28 điểm thôi nhưng đến giữa năm con bắt đầu lên được 30 điểm và cuối năm là 35 - 36 điểm. Con biết điểm của mình không cao nên con chỉ dám thi trường có mức điểm vừa phải. Và trong năm con cũng có nhận được lời khuyên của giáo viên bảo con không nên thi cấp 3 và con cũng phải đổi nguyê vọng đến 3 lần.
Có lẽ năm lớp 9 này của con là con khóc nhiều nhất, và có lẽ không phải chỉ một mình con mà là nhiều bạn khác. Sao bây giờ bọn con muốn được đi học mà khó khăn quá. Con thấy trường cấp 3 thì ít mà trường cấp 2 thì nhiều. Con biết không thể đổi lỗi là do ai, tại ai nhưng bọn con cũng đã rất cố gắng ạ. Nên con mong các bậc cha mẹ hãy hiểu bọn con nhiều hơn".
Đọc xong những chia sẻ của sĩ tử này, người ta không khỏi thấy nặng lòng. Nhiều người tự hỏi nếu thi cử không như ý muốn thì ai là người buồn hơn, phần lớn đều cho rằng câu trả lời chính là các sĩ tử. Không ai vui nổi khi thấy bạn bè đồng trang lứa ai cũng đỗ đạt, còn mình thì lủi thủi vì kết quả đạt được không như mong đợi và chắc hẳn cũng chẳng ai vui nổi khi bản thân không thể đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.
Cha mẹ cần làm gì khi biết con không đỗ cấp 3 công lập?
Khi biết con không đỗ cấp 3 công lập, cha mẹ cần thể hiện sự bình tĩnh, không tỏ ra thất vọng hay chê trách con cái. Điều quan trọng là cha mẹ nên lắng nghe con, hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong đợi. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng tin vào khả năng của con.
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, cha mẹ và con cái cần cùng nhau xác định mục tiêu tiếp theo. Cha mẹ cần nhấn mạnh rằng thất bại là mẹ của thành công và là bước đệm quan trọng cho những thành công sau này. Qua đó, cha mẹ giáo dục con cái về tinh thần kiên trì, không ngại gặp khó khăn và luôn có ý chí phấn đấu. Sự hỗ trợ từ cha mẹ trong những lúc khó khăn như vậy sẽ là nguồn động viên, là chỗ dựa tinh thần vô giá đối với con cái.
Mặt khác, cha mẹ cũng cần cân nhắc đến các lựa chọn khác thay thế như các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, tùy thuộc vào mục tiêu và khả năng của con. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng của riêng mình và có con đường phát triển khác nhau, vì thế không cần thiết phải áp đặt một khuôn mẫu thành công chung cho tất cả.
Trong suốt quá trình này, việc duy trì mối quan hệ gần gũi và trò chuyện thường xuyên giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Thông qua đó, con cái không chỉ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm từ cha mẹ mà còn có thêm dũng khí để đối mặt với những thử thách mới trên con đường học vấn. Cha mẹ cũng cần nhớ rằng, hạnh phúc và thành công của con cái không chỉ đo lường bằng điểm số, mà còn bằng cách con sống và đóng góp cho xã hội như thế nào.
Tổng hợp
Phụ nữ mới