MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc

TP. Thủ Đức vừa tròn 3 tuổi cách đây vài ngày. Kể từ khi thành lập đến nay, dù đã có những thành tựu bước đầu nhưng nhìn chung “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước chưa thể phát triển như kỳ vọng. Chỉ sau 3 tháng từ khi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ra đời, TP. Thủ Đức đã có những bước tiến nhanh, vững chắc.

99,7% hồ sơ đúng hạn

Trung tâm hành chính công TP. Thủ Đức được đưa vào hoạt động từ ngày 11/11 năm ngoái. Đây là thành quả của việc vận dụng các cơ chế của Nghị quyết 98 nhằm "cởi trói" cho địa phương này. Với việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công đầu tiên của TP.HCM, người dân, doanh nghiệp không còn phải mất quá nhiều thời gian, đi lại nhiều nơi, làm nhiều khâu mà tất cả được rút gọn để thuận tiện cho người dân.

Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện 212 thủ tục hành chính của 16 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND TP. Thủ Đức. Sau gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 3.400 hồ sơ (gần 50% là trực tuyến) và đã giải quyết gần 2.800 hồ sơ, tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn là 99,7%.

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính công TP. Thủ Đức phục vụ tốt người dân. Ảnh: Hà Khánh

Theo lãnh đạo Trung tâm hành chính công TP. Thủ Đức, lượng khách đến đây tăng dần qua hàng tuần. Việc lấy số qua ứng dụng cũng được triển khai thuận lợi, mọi người có thể lấy số ở nhà, khi đến nơi chỉ cần vào quầy thực hiện thủ tục. Những thủ tục nộp qua mạng Internet cũng rất thuận lợi, người dân chỉ cần đường link là có thể nộp hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm hành chính công TP. Thủ Đức cho biết, nhân sự của Trung tâm còn thiếu so với biên chế nhưng vẫn nỗ lực phục vụ tốt người dân. Trung tâm cũng kiến nghị giải quyết một số khó khăn nhằm hoạt động tốt hơn: "Để việc thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm hành chính công đi vào hiệu quả, đánh giá được sự hài lòng của người dân, cần bổ sung, điều chỉnh và phối hợp điều chỉnh lại một số thủ tục. Cái nào trực thuộc thủ tục hành chính, Trung tâm thực hiện giao dịch hàng ngày đối với người dân, những cái nào trực thuộc nhiệm vụ chuyên môn bao quát chung của các phòng, ban".

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc - Ảnh 2.

TP. Thủ Đức đang phát triển mạnh mẽ với Nghị quyết 98. Ảnh minh họa: A.X

Mới đây, TP. Thủ Đức đã đưa vào hoạt động công viên bờ sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn. Một vùng bãi lầy, nhếch nhác, tương phản hoàn toàn với phía Quận 1 đã thay da đổi thịt sau khi TP. Thủ Đức khởi động “Hành trình thay áo mới cho bờ Đông sông Sài Gòn”. Công viên bờ sông Sài Gòn có diện tích gần 20 ha với 13 hạng mục chính, mà điểm nhấn là cánh đồng hoa hướng dương như là minh chứng cam kết về một TP. Thủ Đức hành động từ những công trình, dự án lớn trong tương lai, trước mắt là gấp rút chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, hình thành những biểu tượng mới, gia tăng tiện ích, nhanh chóng phục vụ nhân dân.

Tận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 98 mới ra đời khoảng 3 tháng nên vẫn cần thời gian để thực sự đi vào cuộc sống. Muốn triển khai Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM phải họp bàn, ra các nghị quyết, UBND Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, tổ tư vấn… Đến nay, TP.HCM đã cơ bản làm xong các bước về thể chế, bộ máy và bắt đầu thực hiện. Theo ông Kiên, cần khoảng 3 – 6 tháng nữa mới có thể thấy rõ hiệu quả của Nghị quyết này.

Để triển khai Nghị quyết 98 thành công, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các tổ chức đảng, các cấp, các bên liên quan cần phải quyết tâm, kiên định mục tiêu của mình, dám chịu trách nhiệm để hành động. TP.HCM cũng cần áp dụng Kết luận 14 để bảo vệ cán bộ, giúp họ an tâm cống hiến.

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Hà Khánh

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng TP. Thủ Đức và TP.HCM cần phải phát triển TP. Thủ Đức trên nền tảng của nền kinh tế số và đặc biệt là tận dụng các lợi thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kể cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 đang bắt đầu manh nha, chứ không đơn thuần là xây dựng trung tâm tài chính, mời gọi các quỹ đầu tư, ngân hàng…

"Nghị quyết 98 mở ra cho TP. Thủ Đức một cơ hội mà không có một thành phố nào ở Việt Nam có được một ưu đãi như thế, đó là ở trên xuống. Vấn đề là ở dưới lên có đón bắt được cơ hội này không. Chúng ta phải nói một cách rất nghiêm túc là khi triển khai Nghị quyết 98 ở TP.HCM và đặc biệt là TP. Thủ Đức, cần phải dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới và ở trong nước", TS Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Cán bộ phải hành động

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi tại Hội nghị Thành ủy Thủ Đức. Ảnh: Hà Khánh

Tại Hội nghị Thành ủy Thủ Đức diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, từ khi thành lập đến nay, mỗi năm TP. Thủ Đức lại có những bước phát triển, hoàn thiện dần tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, việc vận hành ngày càng tốt hơn. Điểm sáng là TP. Thủ Đức đã chủ động triển khai sớm Nghị quyết 98. Từ ngày 15/7/2023, Thành ủy Thủ Đức đã ban hành Nghị quyết 22 về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, chứng tỏ quyết tâm chính trị cao và sự mong muốn thể hiện trách nhiệm của TP. Thủ Đức.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự sáng tạo của địa phương trong việc tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thi hiến kế để Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống với gần 1.500 ý kiến.

Trút bỏ “chiếc áo chật”, TP. Thủ Đức tăng tốc - Ảnh 5.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (trái) trao đổi với Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp Ảnh: Hà Khánh

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị TP. Thủ Đức cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân. Bởi suy cho cùng, ngày nay người dân đánh giá công tác lãnh đạo, điều hành của cán bộ thông qua hiệu quả của công việc. TP. Thủ Đức đã thành lập các trung tâm mới để cùng với hệ thống chính trị hiện có để làm công việc đó. Quan trọng là nhận diện đúng bản chất vấn đề để tìm chìa khóa giải quyết khó khăn, vướng mắc, chứ không phải đi giải quyết hiện trạng từng vấn đề.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, quan trọng nhất là TP. Thủ Đức phải xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoàn thành trọng trách, sứ mệnh được giao. Mỗi cán bộ phải có chương trình hành động, làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao. Khi gặp khó khăn hay thấy vấn đề cần làm mà chưa có quy định, hoặc đã có nhưng chưa phù hợp thì nhanh chóng báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, "sợ để làm tốt, làm đúng là tốt nhưng sợ đến mức không dám làm là yếu kém", cán bộ không làm việc cần làm thì phải xử lý: "Người dân sẽ nhìn vào sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung sẽ hạn chế được những biểu hiện chần chừ, tránh né, không dám làm, không dám nghĩ. Những trường hợp này chúng ta từng bước thúc đẩy, uốn nắn, động viên và phải xử lý".

3 năm kể từ khi thành lập là một chặng đường chưa dài nhưng với việc có thêm những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, TP. Thủ Đức sẽ sớm có được một chân đế vững vàng để vững bước phát triển mạnh mẽ, bứt phá trong thời gian tới.

Theo Hà Khánh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên