Truy thu 76.000 tỷ nợ thuế: Câu chuyện con nhà nghèo
Nợ thuế thực chất là ăn cắp tiền thuế của nhà nước, nếu nghiêm khắc, phải buộc doanh nghiệp nộp đủ thuế mới cho phá sản.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) nêu quan điểm trước mục tiêu thu hồi 76.000 tỷ đồng nợ thuế của Tổng Cục thuế.
PV:- Thưa ông, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30/4, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, tăng 3.123 tỷ đồng (+4,3%) so với cuối năm 2015.
Theo nhận định của ngành thuế, nợ thuế tăng là do DN gặp khó khăn, sản xuất thua lỗ, phá sản... kể cả khoản nợ không có khả năng thu vẫn phải tính vào. Ông bình luận thế nào về con số trên? Theo ông, con số này đã được tính toán đầy đủ hay chưa trong khi dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi về vấn đề doanh nghiệp FDI chuyển giá, câu hỏi về những dấu hiệu chuyển giá ở các ông lớn ngành giải khát vẫn chưa có lời giả?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, để đưa ra số liệu thống kê chính xác về nợ thuế là rất khó khăn. Nợ thuế được tính dựa trên giữ liệu sổ sách kế toán của các doanh nghiệp báo cáo với ngành thuế hàng năm, trong đó vẫn có những còn số không được tính toán đầy đủ hoặc có những con số không được thống kê hết.
76.000 tỷ nợ thuế chỉ là con số ước tính, không thể chính xác tuyệt đối. Trên thực tế vẫn có những doanh nghiệp mới hình thành, hoặc những doanh nghiệp hết thời hạn ưu đãi thuế, cũng có những doanh nghiệp đã giải tán, phá sản nhưng nhiều khi vẫn được thống kê. Tức là khoản tính toán này bao gồm cả những khoản có khả năng thu được nhưng cũng có những khoản nợ của doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động, hoặc không có nguồn thu.
Vấn đề của ngành thuế là phải sàng lọc, thẩm định, tính toán kỹ lưỡng xác xuất trong tổng số 76.000 tỷ trên tỷ lệ thu được là bao nhiêu? Đồng thời cũng phải trả lời được câu hỏi, con số đó đã sàng lọc chưa. Khả năng thu được bao nhiêu? Ngành thuế cần phải minh bạch trong cách tính và minh bạch con số thu chi khi đó mới trả lời được rõ ràng câu hỏi, nợ thuế 76.000 tỷ có giúp gánh nặng nợ nần cho ngân sách hiện nay hay không?.
Về mặt nguyên tắc cơ quan thuế là đơn vị có trách nhiệm tính đúng, tính đủ, có trách nhiệm đôn đốc truy thu đủ thuế của các doanh nghiệp đem lại nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo công bằng cho các bên.
Xét về trách nhiệm nộp thuế là thuộc về doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Như vậy, con số 76.000 tỷ nợ thuế là số nợ đã bao gồm khoản phát sinh mà đúng luật doanh nghiệp đã phải nộp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là những năm gần đây, thu thuế cũng có nhiều khó khăn nhất định. Lý do một phần do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế; doanh nghiệp khó khăn; sản xuất kinh doanh đình trệ, không phát triển trong khi đó số doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất xảy ra nhiều. Điều này phản ánh một thực tế rất khó khăn của các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, cơ quan thuế phải đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, thúc đẩy doanh nghiệp nộp đủ thuế cho nhà nước. Bên cạnh đó, phải có biện pháp kiểm soát tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đã chết hẳn thì phải cho phá sản, chết luôn. Ngược lại, doanh nghiệp nào khó khăn cần phải có giải pháp để phục hồi, bồi bổ cho doanh nghiệp, thúc đẩy nó phát triển mới tạo ra được nguồn thu mới.
PV:- Trong khi đó, báo cáo tình hình thu hồi nợ thuế, tính đến ngày 30/4, 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, bằng 19,6% tổng nợ đến 31/12/2015. Để thực hiện thu hồi nợ thuế, bảo đảm số nợ không vượt quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng cục thuế, nhất là những địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương.
Thưa ông, biện pháp này có hiệu quả hay không? Ông đánh giá như thế nào về khả năng thu hồi số nợ khổng lồ trên trong bối cảnh số doanh nghiệp phá sản, giải thể trong 5 tháng đầu năm 2016 vừa báo cáo cả nước có hơn 28.600 doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động do khó khăn và hơn 4.600 DN chính thức phá sản?.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Như tôi đã nói, đây là khoản thuế đã phát sinh và về nguyên tắc là doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp đầy đủ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng diễn ra chính là lỗi từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Trách nhiệm của cơ quan thuế là phân loại, thẩm định các loại nợ, đồng thời có biện pháp kiểm soát, đánh giá năng lực hoạt động của các doanh nghiệp từ đó đề xuất những giải pháp hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nào thật sự khó khăn. Hoặc phải xử lý, buộc thu hồi nợ thuế với doanh nghiệp nào cố tình chây ì, dây dưa không chịu nộp.
Thái độ kiên quyết là cần thiết, nhưng giải pháp giao chỉ tiêu theo kiểu bổ đầu đồng đều là giải pháp phi khoa học và không mang lại hiệu quả. Nếu thực hiện theo giải pháp giao chỉ tiêu phải dựa trên số nợ đọng thuế của doanh nghiệp và nợ của từng địa phương. Tôi lấy ví dụ, TP.HCM nợ đọng 3.000 tỷ thuế, thì có thể giao chỉ tiêu tối thiểu là phải thu được 2.500 tỷ.
Nhưng tôi cũng nói thẳng, kể cả khi giao chỉ tiêu như vậy cũng rất rủi ro vì đầu năm có thể doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, cuối năm doanh nghiệp đã chết. Đầu năm có vài nghìn doanh nghiệp hoạt động, cuối năm chỉ còn vài trăm. Do đó, giao chỉ tiêu ngoài việc đánh giá rất sát tình hình sức khỏe của doanh nghiệp còn phải tính tới cả tỉ lệ rủi ro.
Nếu ở nước ngoài, luật pháp các nước rất nghiêm ngặt, tất cả các khoản thuế đã được thống kê, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp đúng, nộp đủ cho nhà nước. Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp xin làm thủ tục phá sản, trách nhiệm nộp thuế vẫn được ưu tiên hàng đầu, bước tiếp theo mới giải quyết các thủ tục khác để doanh nghiệp phá sản.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, không có chuyện đó. Doanh nghiệp phá sản là xong, có khi phá sản còn không báo cáo, chỉ đến khi ngành thuế đòi không được đến kiểm tra mới biết doanh nghiệp đã phá sản, đóng cửa, bỏ đi đâu từ bao giờ. Đây thực chất là một hình thức, chiếm dụng vốn hay nói chính xác là ăn cắp tiền thuế của nhà nước.
Vì trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp đã nhập hàng hóa về là phải nộp thuế nhập khẩu, không thể có chuyện bán xong hàng hóa rồi tuyên bố phá sản. Như vậy,rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan thuế đã không theo dõi sát xao, chính sách thuế còn lỏng lẽo, nhiều kẽ hở, nhất là quy định cho phép doanh nghiệp được nộp thuế muộn hơn theo định chế thị trường khiến cho cơ quan thuế cũng luôn phải chạy theo doanh nghiệp.
Tôi được biết, Dự thảo Luật thuế mới sửa đổi sẽ khắc phục hạn chế trên. Quy định cũng buộc doanh nghiệp phải nộp thuế song song với thời điểm nhập hàng hóa về nước. Doanh nghiệp không nộp thuế, không cho nhập hàng. Khi luật pháp phải rõ ràng như vậy thì mới quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
PV:- Nhiều chuyên gia đã đặt thẳng vấn đề, ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, trong điều kiện kinh tế khó khăn, họ thường đưa ra chính sách giảm các khoản thuế và lệ phí chính thức cũng như phi chính thức cho doanh nghiệp, giãn nợ thuế... Việt Nam lại đang làm theo cách ngược lại. Ông có thể lý giải như thế nào về điều này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, hơn 28.600 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do khó khăn và hơn 4.600 doanh nghiệp chính thức phá sản trong 5 tháng đầu năm là con số tương đối lớn.
Vấn đề của ngành thuế Việt Nam là phân định cho rõ doanh nghiệp nào khó mà giúp, để tránh tình trạng doanh nghiệp yếu không giúp lại đi giúp người khỏe.
Trên thực tế, đây không phải là trách nhiệm của ngành thuế nhưng vai trò của ngành thuế là bám sát, theo dõi doanh nghiệp để đánh giá khả năng phát triển, khả năng nộp thuế hoặc nhận định, phân tích đưcc những khó khăn, vướng mắc khiến doanh nghiệp không thể nộp được thuế. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì doanh nghiệp có phát triển mới có nguồn thu; có nguồn thu, doanh nghiệp mới có tiền để nộp thuế. Vì thế, vai trò của ngành thuế ở đây là hỗ trợ, phối hợp, tham mưu cùng với các đơn vị khác xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp.
Thực ra, vừa qua vẫn có những chính sách giảm thuế, giảm thu đối với nhiều loại thuế suất nói chung. Nhiều chính sách giãn thuế, giảm thuế đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, việc này nhà nước vẫn đang làm. Nhưng cũng phải thừa nhận, cơ chế, chế tài Việt Nam không thiếu, chính sách chung Việt Nam cũng không làm ngược thế giới, lỗi do cơ quan thuế có phần nào lơ đãng, chưa quan tâm đúng mức, thực hiện chưa khách quan, công tâm.
PV:- Theo thông tin mới nhất, bội chi 5 tháng năm 2016 đã tăng lên 66.400 tỷ đồng. Đây có phải là lý do khiến cho việc thu hồi nợ thuế trở nên cấp bách hay không?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đúng vậy. Trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam yêu cầu tăng nguồn thu cho ngân sách là đòi hỏi bắt buộc và cực kỳ cấp bách. Không thu, ngân sách sẽ càng thâm hụt. Việt Nam sẽ tiếp tục phải đi vay nước ngoài về để tiêu, vay để trả nợ, vay để bù đắp chi tiêu trong nước, trong khi nguồn thu không có, gánh nặng nợ công ngày tăng cao, nền sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Hơn nữa, trong điều kiện mở cửa, hội nhập Việt Nam phải thực hiện những cam kết cắt giảm nhiều loại thuế, thậm chí có loại thuế suất chỉ bằng 0. Như vậy, trong tương lai, nguồn thu của thuế đã giảm lại càng giảm nghiêm trọng.
Về nguyên tắc và lâu dài, đáng ra khi thuế giảm sẽ là điều kiện cho sản xuất phát triển, tăng nguồn thu từ hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, điều kiện sản xuất của Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế này. Nguồn thu từ hàng hóa, dịch vụ chưa cao do sản xuất trong nước không phát triển. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế lại sụt giảm vì thế truy thu thuế càng trở lên cấp bách, cần thiết hơn nhằm đảm bảo nguồn thu chi tiêu cho ngân sách.
PV:- Nhìn nhận thẳng vào thực tế các doanh nghiệp hiện nay, theo ông, thay vì tập trung đòi nợ thuế, Việt Nam nên làm gì: tiết kiệm chi tiêu, mở đường cho các doanh nghiệp tồn tại theo đúng tinh thần Nghị quyết 35, coi doanh nghiệp là trung tâm phát triển? Xin ông đưa ra một vài giải pháp cụ thể.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Ở đây thuế chỉ là một mặt và chỉ là một mảnh của ngành thuế. Đây là số thuế bị nợ đọng do sự quản lý yếu kém của ngành thuế.
Để giải quyết bài toán cân bằng thu – chi có nhiều vấn đề. Vấn đề cần phải lưu tâm nhiều nhất là: phải đảm bảo tiết kiệm chi tiêu thường xuyên trong ngân sách nhà nước (như các khoản chi trả lương, các khoản chi hoạt động thường xuyên, chi phí nuôi bộ máy quản lý, xe công…) đây là những khoản hoàn toàn có thể cắt giảm được theo xu hướng chung của nền kinh tế thị trường.
Ngay như đề xuất tăng chi cao gấp tới 20 lần khả năng thu của năm 2015 cho 5 năm tới thì rõ ràng là không ổn.
Thứ hai, phải nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rõ ràng, đầu tư công có vấn đề sai ngay từ định hướng và mục tiêu. Chi nhiều cho đầu tư công nhưng không tạo ra sự lan tỏa trong nền sản xuất, không tạo ra tài sản, của cải cho xã hội, là chi không hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ, xây dựng tượng đài, nhà văn hóa, công viên… tất cả đều rất đúng nhưng chưa cần trong giai đoạn hiện nay. Vậy thì phải cắt giảm nó đi, không được làm nữa. Hay xây dựng cảng biển, sân bay, nếu không hiệu quả thì không làm nữa.
Tôi đã nghe dư luận nói, thất thoát lãng phí tại các dự án này lên tới 40-50%. Đã có dư luận như vậy thì phải vào cuộc, phải hạn chế, làm thế nào để nâng tỉ trọng vốn vay đi được vào công trình.
Vì vậy, tôi cho rằng, yêu cầu tiết kiệm chi tiêu công là yêu cầu cấp bách. Xây dựng nguồn chi phải dựa trên nguồn thu, lấy nguồn thu để định nguồn chi chứ không thể đẩy mình vào vị thế bị động.
Cần hiểu rằng, mình là con nhà nghèo thì phải đứng đúng vị thế con nhà nghèo, không nên cố chơi sang như giới đại gia, như vậy nợ công chắc chắn sẽ tăng lên và gánh nặng lại đề nặng vai người dân nhiều hơn.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Đất Việt