Phải truy xuất nguồn gốc hàng hóa để hình thành sự tin tưởng và trung thành của nhà nhập khẩu
Các sản phẩm nông - thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn.
- 24-08-2018Đi lại dịp nghỉ lễ Quốc khánh: Vé xe tăng 40%, vé tàu giảm 20%
- 24-08-2018Kiếm bộn tiền từ dịch vụ ăn theo rằm tháng 7
- 24-08-2018Bất ngờ khan hiếm SGK: Những con số đáng giật mình
Sáng ngày 24/8/2018 đã diễn ra hội thảo "Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại" do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế duyên hải (COFIDEC) chia sẻ "Vấn đề truy xuất nguồn gốc là tính trung thực của dữ liệu, nhưng thực tế vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc".
Theo bà Ninh, tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Bà Ninh chia sẻ, hiện tại, các sản phẩm nông – thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cách mạng 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blokchain kết hợp với các thiết bị phần cứng và chip điều khiển ngày càng trở nên nhỏ hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn. Với những ưu điểm vượt trội đó, việc ứng dụng các thành quả của cách mạng 4.0 vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt đời sống xã hội nói chung sẽ trở thành xu thế của thời đại.
Tại Việt Nam, một mẫu hình tiêu biểu của mô hình truy xuất nguồn gốc hiện đại này đã và đang được áp dụng thành công tại TP HCM là chương trình truy xuất nguồn gốc điện tử thịt lợn theo Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn do Sở Công Thương phối hợp với công ty TNHH chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE thực hiện.
"Do đó, định hướng thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả và các mặt hàng thủy sản như tôm, cá rất cần được thực hiện sớm", bà Ninh đề xuất.