Truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử - vì một nền sản xuất minh bạch
Từ tháng 1/2024, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN).
- 10-11-2024Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả trực tiếp kiểm tra công tác triển khai 2 dự án cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng, đưa ra 2 yêu cầu tới nhà thầu
- 10-11-2024Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận
- 10-11-20247 biên bản ghi nhớ (MOU) của Viettel, T&T, VNR, VIMC... với loạt đối tác ‘khủng’ được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng
Đây là ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh và máy tính để hỗ trợ công tác quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, góp phần hướng tới nền sản xuất thủy sản minh bạch, có trách nhiệm.
Theo Cục Thủy sản, Ứng dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) là phần mềm đầu tiên được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản của thị trường xuất khẩu đặt ra.
Ứng dụng này có thể giúp ngư dân thuận tiện trong quá trình làm thủ tục xuất/nhập bến nhanh chóng, không cần phải mang nhiều giấy tờ khi làm thủ tục, thậm chí không cần đến cảng; tiến tới thay thế việc ghi nhật ký khai thác trên giấy.
Với cơ quan quản lý như Ban Quản lý Cảng cá, Chi cục Thủy sản, ứng dụng giúp giám sát sản lượng lên bến trong điều kiện nguồn lực hạn chế; tăng mức độ tin cậy, minh bạch, loại bỏ được các sai sót trong quá trình giám sát tàu cá, giám sát sản lượng, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác...khi các thông tin đã có sẵn trên hệ thống.
Đối với Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ rất thuận lợi trong việc xin cấp các giấy tờ truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu (SC, CC). Việc mở tờ khai xin cấp SC, CC trên hệ thống được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, tránh được các sai sót thường gặp khi thực hiện trên giấy, thậm chí doanh nghiệp không cần đến Cảng cá, Chi cục thủy sản để thực hiện các thủ tục như hiện nay.
Đánh giá lợi ích của ứng dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng: “Phần mềm quản lý các hoạt động tàu cá giúp kết nối giữa Bộ đội Biên phòng với cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng khác. Hệ thống này được chuyển đổi số sẽ giúp chúng tôi giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá ra vào cảng trong điều kiện nguồn nhân lực hạn chế”.
Tính đến nay, đã thực hiện cấp tài khoản cho 5 đối tượng tham gia trong hệ thống liên quan đến chuỗi khai thác - chế biến - xuất khẩu thủy sản: tất cả tàu cá trên toàn quốc (80.646 tài khoản), 28 chi cục thủy sản các tỉnh thành phố ven biển với 147 tài khoản; 172 tài khoản cho đồn biên phòng dọc theo 28 tỉnh, thành phố ven biển và 117 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.
Một số tỉnh cũng đã đồng loạt tổ chức triển khai hệ thống, trong đó, các tỉnh dẫn đầu về kết quả thực hiện như Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hướng dẫn, tập huấn ngư dân sử dụng phần mềm; bố trí nguồn nhân lực và trang bị tại các cảng cá để hỗ trợ ngư dân xuất nhập bến trên phần mềm; phối hợp với các lực lượng liên quan khác như biên phòng và chính quyền địa phương để hướng dẫn và phổ biến đến chủ tàu, thuyền trưởng; thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả kiểm soát, giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đảm bảo công khai, minh bạch; khắc phục tồn tại, hạn chế trong truy xuất nguồn gốc theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Việc triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử” là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) và nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn và hạn chế như việc triển khai hệ thống còn chậm và không đồng bộ; phần mềm mới được triển khai nên ngư dân còn lúng túng trong quá trình tiếp cận và sử dụng.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: “Đề nghị lực lượng Biên phòng hướng dẫn ngư dân khi xuất bến mà chưa vào phần mềm này thì hướng dẫn ngư dân truy cập để chúng ta có thể kiểm soát được tàu ra vào bến và có thể giám sát được sản lượng. Chúng tôi tiếp tục kết nối hệ thống này với cơ sở dữ liệu khác như Vnfishbase và VMS để phần mềm thông minh hơn, giúp các cơ quan quản lý tốt hơn”.
Để triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử có hiệu quả trên cả nước, theo Cục Thủy sản, cần bổ sung cơ chế pháp lý, chỉ đạo đồng bộ ở các địa phương, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại cảng cá và các tính năng của hệ thống, tăng cường tập huấn và truyền thông, cũng như có các biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức triển khai thực hiện áp dụng hệ thống eCDT VN, đảm bảo sự tham gia đông đảo của các đối tượng liên quan: Ngư dân, chủ tàu - cảng cá - biên phòng - chi cục thủy sản - doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn tại tất cả các địa phương để ngư dân tiếp cận, quen với việc sử dụng phần mềm; tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
VOV