MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm

25-01-2020 - 21:00 PM | Sống

Năm mới là ngày lễ chung của quốc tế. Mỗi nền văn hóa đều có một cách chào đón khác nhau, nhưng chung quy đều mong ước vận may sẽ đến.

Dịp năm mới, ai ai cũng ngóng đợi, hy vọng sẽ là năm mang đến nhiều điều may. Từ châu Á đến Âu, Mỹ và Phi đều có các phong tục tiễn rủi đón may hết sức độc đáo.

Vẽ mắt cho búp bê daruma – Nhật Bản

Có ít nhất là 2 món không thể thiếu trong Tết Nhật, bánh mochi và búp bê daruma. Bánh mochi để cúng tế tổ tiên, còn búp bê daruma để cầu may trong năm mới.

Daruma là một kiểu búp bê truyền thống của Nhật Bản, được phỏng theo dáng vẻ mặt mũi của đức Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra phái Thiền tông. Con búp bê đại diện cho mọi sự may mắn.

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 1.

Điểm đặc biệt ở búp bê daruma là không được vẽ mắt, mà người mua sẽ phải tự làm điều đó, nhất là vào dịp đầu năm mới. Trước búp bê, người Nhật nhẩm điều ước rồi chấm mực, vẽ tròng mắt bên trái. Trong năm, đến khi điều ước này được thực hiện hoặc vào thời điểm cuối năm, họ vẽ nốt con mắt phía bên phải.

Năm hết Tết đến, tất cả búp bê daruma đã qua sử dụng đều được đem tới đền và đốt. Việc làm này tượng trưng cho xóa bỏ những vất vả trong quá khứ, rũ sạch tiến lên tương lai.

Không gội đầu vào ngày mùng 1 Tết – Hàn Quốc

Hiếm có đất nước nào lại mê tín hơn Hàn Quốc. Nếu xem các phim cổ trang của họ, bạn rất dễ thấy các nghi lễ cúng bái, lên đồng trang trọng, khổng lồ trong cung đình. Ngay cả thời hiện đại, khắp Hàn Quốc vẫn nhan nhản các điểm bói toán. Họ thậm chí thành lập Hiệp hội Bói toán Quốc gia, với hơn 300.000 thành viên, trong đó có khoảng 150.000 các ông đồng, bà đồng đang hành nghề.

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 2.

Theo tín ngưỡng của Hàn Quốc, gội đầu vào ngày đầu năm mới sẽ mang lại điều xui xẻo. Họ lý giải rằng đó là thời điểm thiên địa gieo phước lành khắp tứ phương. Tất nhiên, những may mắn ấy cũng rơi lên đầu của mọi người. Vì thế, nếu gội đầu sẽ gột trôi mất các điều may vừa nhận.

Ăn cá cầu may – Trung Quốc

Trung Quốc là đất nước có nhiều phong tục đón năm mới nhất thế giới. Đồng thời, họ cũng kiêng kị nhiều thứ hơn bất cứ nền văn hóa nào. Từ cử chỉ, lời nói đến đồ ăn, thức uống, người Hán đều có những "điều nên tránh" trong ngày Tết. Lẽ dĩ nhiên, cũng có "điều nên làm".

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 3.

Một trong những điều hết sức nên làm vào ngày đầu năm ở Trung Quốc là ăn món cá. Trong tiếng Hán, chữ Ngư - 鱼 (cá) được phát âm là "yu", đồng âm với chữ Dư - 余 (dư thừa, dồi dào). Bữa cơm đầu xuân của gia đình Trung Quốc nhất định phải có món cá. Nó tượng trưng cho năm mới dư dả, nhiều tài lộc.

Món cá ngày đầu năm của Trung Quốc cũng nhiều quy tắc: phải được đặt với phần đầu hướng về phía người lớn tuổi, và người đối mặt trực diện với đầu con cá được phép ăn miếng đầu tiên.

Ăn trái cây hình cầu – Philippines

Philippines là quốc đảo có rất nhiều cây ăn trái ở Châu Á. Văn hóa tín ngưỡng của đất nước này tin, hình tròn đại diện cho sự viên mãn, thịnh vượng. Vào ngày đầu xuân, mọi người sẽ ăn các loại quả có dạng hình cầu, ví dụ như táo, lê, đào…

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 4.

Ngoài ra, người Philippines còn lấy quần áo có chấm bi ra mặc và ném tiền xu vào thời khắc Giao thừa.

Đập bát đĩa cũ – Italia

Italia là một đất nước thuộc khu vực Châu Âu, nổi danh khắp thế giới là "thiên đường du lịch". Tuy nhiên, nếu đến "thiên đường" này vào ngày đầu năm (dương lịch), bạn hãy cẩn thận nhìn dưới chân khi bước đi. Người Ý có phong tục đập vỡ bát đĩa bằng sành sứ, thủy tinh vào đêm Giao thừa. Họ không âm thầm đập vỡ chúng trong nhà bếp, mà bê lên lầu cao, ném qua cửa sổ. Đám bát đĩa sẽ rơi xuống lề đường, vỡ toang.

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 5.

Những năm gần đây vì phiền phức đến từ mớ mảnh vỡ "xua xui đón hên" rải đầy vỉa hè, người Italia thôi không còn ném đồ sành sứ, thủy tinh qua cửa sổ nữa. Có điều thi thoảng, vẫn xuất hiện người y lệ cũ mà làm.

Giữ vảy cá chép – Đức

Trung Quốc và Đức thuộc hai phía Đông, Tây riêng biệt, cách xa nhau, khác châu lục nhưng lại chung một truyền thống: Ăn cá cầu may.

Ở Đức, cá chép được xem là một món ngon chứa đựng nhiều may mắn. Bữa cơm đêm Giao thừa nhất định phải có món cá chép. Người Đức ăn cá chép và nhặt một chiếc vảy, cất vào trong ví, sau đó cầm ví đó đi xung quanh nhà.

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 6.

Chưa hết, họ còn giữ vảy cá chép trong ví suốt cả năm. Người Đức cho rằng nếu bỏ nó ra, may mắn cũng bay đi mất.

Đốt hình nộm - Ecuador và Panama

Ecuador và Panama là hai quốc gia ở Châu Mỹ có chung một truyền thống đón Tết: Đốt bù nhìn. Trước khi hết năm, người Ecuador và Panama sẽ lo làm hình nộm bằng vải, sau đó nhét giấy báo hoặc mùn cưa vào. Hình nộm có thể nhỏ, cũng có thể siêu khổng lồ. Ở Ecuador, nó được gọi là "año viejo", còn ở Panama là "muñeco".

Truyền thống cầu may đón năm mới siêu thú vị của các nước trên thế giới: Từ vẽ búp bê đến kiêng gội đầu, có nước còn... hỏa thiêu hình nộm - Ảnh 7.

Năm mới vừa sang, người Ecuador và Panama tưng bừng rước và đốt bù nhìn. Họ tin rằng các hình nộm tích trữ toàn bộ vận rủi của năm cũ. Đốt nó đồng nghĩa với triệt tiêu điều xấu, vui vẻ đón năm mới với vạn điều may.

Tham khảo The Culturetrip

Theo Vũ Huế

Helino

Trở lên trên