TS. Cấn Văn Lực: Nên tiếp cận thận trọng việc mở room ngân hàng
Với vấn để mở giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các tổ chức tín dụng, ông Cấn Văn Lực đồng tình với cách tiếp cận tương đối thận trọng của cơ quan quản lý hiện nay.
- 04-11-2018Cạn room, nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
- 30-10-2018Đã có ngân hàng được nới “room” cho vay
- 22-10-2018Nới “room” vốn ngoại - lợi ích kép cho ngân hàng
Chia sẻ tại hội thảo Đóng góp ý kiến dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được mở rộng hơn tại dự thảo lần này. Chính phủ hướng tiếp tục cổ phần hóa, giảm sở hữu nhà nước đối với lĩnh vực không phải thiết yếu, quá nhạy cảm với nền kinh tế, trong khi với Nghị định 60 hiện hành nhấn mạnh một số lĩnh vực Nhà nước nhất thiết phải sở hữu 100%.
Mặc dù vậy, nội dung mở room cho khối tổ chức tín dụng đã không được đề cập tại dự thảo luật lần này. Trao đổi với NDH, ông Cấn Văn Lực đồng tình với cách tiếp cận tương đối thận trọng của cơ quan dự thảo cũng như các cơ quan quản lý hiện nay.
TS Cấn Văn Lực
Thông lệ quốc tế tại một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan khá cởi mở với vấn đề này khi mở room nước ngoài cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo Ts. Cấn Văn Lực, ngành ngân hàng tại Việt Nam là lĩnh vực tương đối nhạy cảm, giữ vai trò thiết yếu cho nền kinh tế hiện nay.
"Chỉ tính riêng về tổng tài sản, các ngân hàng đang chiếm tỷ trọng tới 68% tài sản của hệ thống tài chính. Ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng trong kênh dẫn vốn cho nền kinh tế", ông Lực nêu.
Ngoài ra, theo ông Lực, hiện vẫn còn các điều kiện để ngỏ cho phép xin ý kiến phê duyệt của Thủ tướng đề nghị cho sở hữu trên 30% vốn tại một ngân hàng. Thực tế, chưa có nhiều nhà đầu tư phải xin ý kiến Chính phủ trong trường hợp vượt quá 30%. Ông Lực cho rằng điều này chứng tỏ room ngoại tại các ngân hàng đôi khi chưa dùng hết nên chưa nhất thiết phải kiến nghị Chính phủ sở hữu vượt 30%.
NĐTNN và bản thân ngân hàng mong muốn room được nới rộng hơn, như có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên đến 49% từ mức 30% hiện nay. Về lâu dài, Nhà nước có thể sẽ cần tiếp tục cân nhắc để có hướng nới room với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập FTA thế hệ mới: CPTPP, EVFTA. Ở thời điểm hiện tại ông Lực nhận định Việt Nam đã đáp ứng khá sát với các yêu cầu 2 FTA này.
Ông Lực cũng nhấn mạnh một lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Vietcombank, VietinBank và BIDV đã được vạch ra trong “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu tháng 8. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 3 ngân hàng có vốn Nhà nước này đảm bảo mức tối thiểu 51% thay vì 65% như hiện nay.
Người đồng hành