MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Cấn Văn Lực: Việt Nam đang có 4.000-5.000 hồ sơ xin vay ngang hàng (P2P) mỗi ngày, dư nợ lên đến 70.000 tỷ đồng, tương đương một ngân hàng nhỏ

18-08-2019 - 16:49 PM | Tài chính - ngân hàng

"Hiện nay thực tế nhiều hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) chưa đúng pháp luật, tuy nhiên nếu tuân thủ đúng pháp luật thì lợi ích thu về sẽ rất lớn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn, nhiều hơn cũng như với chi phí rẻ hơn", TS Cấn Văn Lực cho biết.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Blockchain có lẽ là "từ khoá" phổ biến nhất giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Với rất nhiều lợi ích tiềm năng, tuy nhiên việc thực thi khi chưa có hành lang pháp lý, cơ chế rõ ràng đã khiến không ít trường hợp trở nên méo mó, sai phạm.

Song, Blockchain chính là xu hướng của thời đại, và không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan chức năng đã, đang và tiếp tục bắt tay nghiên cứu, triển khai nền tảng ứng dụng này. Tham dự và phát biểu tại Hội nghị World Blockchain Forum (WBF) do WBF và đối tác Orius Capital tổ chức vào ngày 18/8/2019, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực cho biết trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì Blockchain có rất nhiều công dụng, thực tiễn chính BIDV cũng đang nghiên cứu để áp dụng.

Với Blockchain, không ai có thể tự thay thế dữ liệu giao dịch

Trong đó, công dụng thứ nhất theo chuyên gia liên quan đến lĩnh vực thanh toán, hiện nay có một số giao dịch thanh toán, đặc biệt thanh toán quốc tế (như xuất nhập khẩu…) thì chúng ta có thể sử dụng nền tảng Blockchain để thực hiện.

"Rõ ràng sẽ rất tiết kiệm vì nếu như trước đây chúng ta phải làm rất nhiều bộ hồ sơ cho nhà xuất khẩu, nhập khẩu, ngân hàng bên xuất, ngân hàng bên nhập, rồi cả cơ quan hay công ty có liên quan khác", ông Lực dẫn chứng, "nhưng bây giờ chúng ta không cần làm nhiều bộ hồ sơ như vậy, thay thế chỉ cần duy nhất một bộ hồ sơ và upload lên hệ thống Blockchain, các bên theo đó có thể cùng xem cùng chia sẻ dữ liệu".

Mặt khác giao dịch sẽ được diễn ra một cách rất nhanh, vì với Blockchain chỉ thực hiện trong vòng một vài phút, thậm chí một vài giây. Trong khi trước đây muốn hoàn tất một giao dịch cũng phải mất từ 2-3 ngày; đồng thời chi phí khi sử dụng nền tảng này cũng rất rẻ vì không cần thông qua nhiều bên trung gian.

Cuối cùng khi sử dụng Blockchain thì hệ thống thông tin, dữ liệu giao dịch trong ngân hàng của cũng rất bảo đảm bởi vì không ai có thể thay đổi dữ liệu trên nền tảng này nếu chưa được thông qua bởi tất cả các đối tượng, thành viên liên quan.

"Đây thực sự là công dụng rất tuyệt vời của Blockchain, do đó các ngân hàng đang cố gắng áp dụng sớm trong dịch vụ thanh toán, thanh toán bù trừ...", ông Lực nhấn mạnh.

Thứ hai là bảo lãnh, nhiều ngân hàng hiện nay bắt đầu hợp tác với nhau để thực hiện phương thức bảo lãnh cho khách hàng trên nền tảng Blockchain.

"Tôi sang Thái Lan vào tháng 3/2019, thấy rằng có đến 8 ngân hàng sở tại đã hợp tác với nhau để cùng phát hành thư bảo lãnh trên nền tảng Blockchain và rất thành công. Hay ngân hàng HSBC tại Việt Nam mới đây cũng đã thực hiện một vài thanh toán liên quan đến thư tín dụng trên nền tảng Blockchain cho hai khách hàng trong nước và nước ngoài", vị này lấy ví dụ.

Hoạt động cho vay của P2P hiện nay tương đương một ngân hàng nhỏ

TS Cấn Văn Lực: Việt Nam đang có 4.000-5.000 hồ sơ xin vay ngang hàng (P2P) mỗi ngày, dư nợ lên đến 70.000 tỷ đồng, tương đương một ngân hàng nhỏ - Ảnh 1.

Mô phỏng hoạt động P2P.

Lĩnh vực thứ ba liên quan đến hoạt động cho vay, hiện nay cho vay ngang hàng (P2P) đang phát triển rất mạnh, trước hết phải nói đến Trung Quốc và thời gian gần đây bắt đầu bùng phát ở Việt Nam. Thống kê Việt Nam đâu đó có khoảng 38-40 công ty trong nước cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng.

Đặc biệt, ông Lực còn cho biết có một vài công ty đang xử lý đến 4.000-5.000 hồ sơ xin vay vốn thông qua P2P mỗi ngày. Trong đó, dư nợ khoảng 65.000-70.000 tỷ đồng VND trong thời gian vừa qua, tức tương đương với một ngân hàng cỡ nhỏ tại Việt Nam.

"Cái này chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều công ty tham gia. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét là quản lý làm sao cho hiệu quả. Hiện nay thực tế nhiều hoạt động cho vay ngang hàng chưa đúng pháp luật, tuy nhiên nếu tuân thủ đúng pháp luật thì lợi ích thu về sẽ rất lớn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn, nhiều hơn cũng như với chi phí rẻ hơn".

Cuối cùng liên quan đến huy động vốn cộng đồng cũng rất phổ biến, tuy nhiên một số đơn vị chưa làm đúng bản chất của hoạt động này - hiểu nôm na hoạt động giống như một công ty đầu tư đa cấp và dĩ nhiên điều này không đúng với pháp luật. 

Song, về lâu về dài với nền tảng Blockchain thì việc huy động vốn cộng đồng sẽ khá hiệu quả, bởi vì nó không sẽ thông qua các bên trung gian như ngân hàng, công ty tài chính. Nhìn chung, Blockchain giúp tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, an toàn hơn do giảm thiểu rủi ro tương tác, mức độ tuân thủ hợp đồng tốt hơn, tăng tính minh bạch cũng như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp./.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên