TS. Đinh Thế Hiển: “BĐS Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nếu như tập đoàn Evergrande có vỡ nợ”
Không ít nhà đầu tư lo ngại về tác động dây chuyền của thị trường bất động sản Việt Nam trước thông tin tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ “miễn nhiễm” với thông tin này.
-
Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nghịch lý thừa tiền. Trạng thái tín dụng đang khó mà bây giờ bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ vừa làm khó các ngân hàng vừa làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại
-
Từ giờ đến cuối năm, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng bởi so sánh đây vẫn là kênh “tạm” có lợi hơn cả
Thông tin về về tập đoàn bất động sản số 1 Trung Quốc Evergrande đứng trước bờ vực phá sản khiến cho giới đầu tư trong nước lo ngại về tác động dây chuyền. Một số chuyên gia trước đó đã từng quan ngại về tình trạng phát hành trái phiếu với lãi suất cao của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh, nếu khả năng không thanh toán được các khoản nợ, các doanh nghiệp địa ốc có thể sẽ đi vào vết xe đổ như Evergrande hay không. Kịch bản đổ vỡ của thị trường bất động sản Việt Nam có thể sẽ hình thành cộng hưởng với nguy cơ từ tác động dây chuyền.
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ không hề chịu tác động thông tin của tập đoàn bất động sản số 1 Trung Quốc.
Ông Hiển phân tích, hiện tại, các nhà đầu tư trực tiếp nắm cổ phiếu, trái phiếu và khách hàng mua nhà của Evergrande đang ngồi trên đống lửa. Trong khi đó, các tổ chức tài chính và truyền thông lớn trên thế giới cũng đang e ngại tác động dây chuyền khiến toàn bộ thị trường bất động sản và hệ thống tài chính Trung Quốc suy sụp, và kéo theo hệ thống tài chính thế giới.
Theo ông Hiển, mối lo này do tác động của Tập đoàn Evergrande là rất lớn, làm khơi ngòi cho trái bom tăng trưởng quá mức của thị trường bất động sản Trung Quốc kèm theo các khoản nợ khủng đã được nhận định nhiều năm nay.
Trong khi đó, ngành bất động sản đóng góp tới hơn 1/4 GDP Trung Quốc, và Evergrande là trung tâm của ngành này với hơn 1,6 triệu căn hộ đang xây dựng, 70.000 nhà đầu tư và món nợ trái phiếu khoảng 300 tỷ USD, chiếm 16% nợ trái phiếu Trung Quốc. Hiện giờ giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande rớt không phanh, các cổ đông hầu như mất trắng, sụt giảm 90% từ đỉnh 2020.
Tuy nhiên, dù các thông tin cực xấu, nhưng cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande chưa trở thành giấy lộn như một số tập đoàn nước ngoài trong các đợt khủng hoảng và tác động dây chuyền chưa bùng nổ. Như vậy vẫn có nhiều nhà đầu tư bắt đáy để tìm kiếm lợi nhuận cao khi cổ phiếu tập đoàn này phục hồi.
Dự án của Tập đoàn Evergrande.
"Trái bom tăng trưởng nóng thị trường bất động sản Trung Quốc dựa trên vay vốn, mà điển hình là tập đoàn Evergrande là có nhưng có lẽ việc Tập đoàn này sụp, chưa thể tạo hiệu ứng dây chuyền cho thị trường bất động sản như các tổ chức tài chính và truyền thông nhận định, bởi vì đặc điểm của hệ thống tài chính của Trung Quốc có sự kiểm soát khá mạnh của Nhà nước.
Có thể Chính phủ sẽ tiếp quản các dự án bất động sản dang dở mà khách hàng đã đóng tiền để bảo đảm tập đoàn phải hoàn thành các hợp đồng mà khách hàng đã đóng tiền mua nhà. Tiếp theo, theo nguyên tắc xử lý nợ, các ngân hàng Trung Quốc cho tập đoàn này vay đang nắm các bất động sản thế chấp để thu hồi các khoản tiền vay và tất nhiên họ sẽ mất khá nhiều phần lãi vay. Như vậy, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng không quá bị ảnh hưởng về khoản nợ đã cho vay, nên không tạo làn sóng lo lắng sự sụp đổ của các ngân hàng thương mại. Đây là điều quan trọng nhất.
Thiệt hại rất nặng là những nhà đầu tư trái phiếu, bao gồm nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những người này là những nhà đầu tư chứng khoán với cơ chế thị trường "thu nhập cao kèm rủi ro".
Cũng theo ông Hiển, thiệt hại nặng nhất chính là các cổ đông tập đoàn. Điều này cũng là thông lệ trên thị trường chứng khoán, khi một công ty kinh doanh thua lỗ, sụp đổ vì vay quá lớn. Các nhà đầu tư chứng khoán tìm kiếm lợi nhuận cao sẽ phải chấp nhận.
Ông Hiển cho rằng: "Tầm cỡ như Evergrande với 300 tỷ USD nợ trái phiếu, chiếm 16% tổng nợ trái phiếu Trung Quốc có sụp đổ cũng không ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc thì Việt Nam càng không lo".
Ông Hiển phân tích thêm, thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ lớn, và không phổ biến.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong tiến trình tăng trưởng. Theo đó, đầu tư hạ tầng và quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn mạnh là chỗ dựa cho thị trường bất động sản.
Thứ ba, về đặc điểm đầu tư tại Việt Nam, bất động sản vẫn có ưu thế hơn các kênh khác nên vẫn được nhà đầu tư chọn lựa.
Trên cơ sở này, ông Hiển cho rằng, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể lựa chọn những bất động sản có vị trí đắc địa và tiềm năng. Nếu nhà đầu tư muốn lướt sóng cần phải có kịch bản sống chung với nợ nếu không thể thanh khoản trong vòng 2-3 năm. Ông Hiển khuyến nghị nhà đầu tư bỏ vốn vào trái phiếu công ty bất động sản nên cẩn thận.