MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền: 4 "sai lầm chết người" của bố mẹ khiến con ngày càng kiệt quệ, tưởng thương yêu con mà hóa tai hại

30-09-2020 - 22:36 PM | Sống

Lẽ ra, tình yêu thương và sự kỳ vọng của cha mẹ nên được thể hiện như một món quà quý giá cho con hơn là một gánh nặng. Đáng tiếc, điều giản đơn này nói rất dễ, nhưng thực hành thực khó với nhiều cha mẹ.

Học phí mấy trăm triệu mà học... không đâu vào đâu

Bé Linh mới 7 tuổi nhưng ba mẹ cũng đã gom góp, tiết kiệm để gửi con theo học ở một trường quốc tế. Ba mẹ Linh hi vọng chỉ trong thời gian ngắn, tiếng Anh của con sẽ thông thạo ở cả nghe, nói, đọc, viết.

Mới chuyển trường nên Linh cần thời gian thích nghi. Nền tảng tiếng Anh của con chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của nhà trường mà cần được hỗ trợ thêm. Vì vậy, kỳ vọng của cha mẹ không thể đạt được trong ngắn hạn. Điệp khúc "học phí mấy trăm triệu" được nhắc đi nhắc lại trong mỗi bữa cơm luôn khiến bé Linh cảm thấy áp lực. Càng lúc con càng lo lắng trong các giờ học các môn bằng tiếng Anh.

Bài ca "Con nhà người ta"

Nam (13 tuổi) là con một trong gia đình cả ba và mẹ đều là bác sĩ, nổi tiếng học giỏi từ thời phổ thông. Từ mầm non, Nam cũng tỏ ra là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn. Nam được ba mẹ đầu tư học rất nhiều thứ từ nhỏ: tiếng Anh, đàn, hội hoạ, thể thao, kỹ năng sống, Toán tư duy…

TS Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền: 4 sai lầm chết người của bố mẹ khiến con ngày càng kiệt quệ, tưởng thương yêu con mà hóa tai hại - Ảnh 1.

Nếu Nam thi không có giải thì ba mẹ không nói ra là "buồn", mà chỉ tặc lưỡi bảo "Ơ, bạn B., bạn C. mới học có vài bữa mà có giải nhỉ?" - Ảnh minh họa.

Ba mẹ Nam đều nói với con và mọi người rằng, ba mẹ chỉ muốn trải nghiệm thật nhiều lĩnh vực để khám phá ra điểm mạnh, sở thích của mình, con không cần phải cảm thấy áp lực gì cả. Tuy nhiên, ở trong tất cả các lĩnh vực mà con theo học, có cuộc thi nào thì ba mẹ cũng cổ vũ con…đi thi. Nếu Nam thi không có giải thì ba mẹ không nói ra là "buồn", mà chỉ tặc lưỡi bảo "Ơ, bạn B., bạn C. mới học có vài bữa mà có giải nhỉ?". Nghe ba mẹ nói, Nam chỉ im lặng và quay về phòng trùm chăn khóc.

Chăm sóc con thái quá

Một tình huống khác không liên quan chuyện học là Hương (15 tuổi) được nuôi dưỡng bởi duy nhất người mẹ. Từ lúc Hương còn nhỏ, hai mẹ con đi đâu cũng có nhau. Khi Hương lớn dần lên thì bạn không còn thích lúc nào cũng kè kè với mẹ như vậy nữa. Tuy nhiên, mẹ của Hương thì luôn muốn con mình đi cùng đến các đám tiệc, họp mặt, du lịch cùng cơ quan…

Khi Hương đi cắm trại cùng cả lớp thì cứ 15 phút, Hương được mẹ gọi một lần thông qua điện thoại của người phụ trách (vì học sinh không được dùng điện thoại trong kỳ trại). Nhìn ánh mắt của thầy cô và bạn mỗi khi Hương nhận điện thoại của mẹ, cô bé chỉ muốn dưới đất có kẽ nứt nào để mình chui xuống luôn.

Can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con

Với Dũng (14 tuổi) thì ngoài đi học, em chỉ ở nhà, đi đâu thì đều có ba mẹ đi cùng. Bạn bè muốn thư giãn, chơi với nhau ngày nghỉ thì đều được ba mẹ Dũng gợi ý là nên tụ tập trong phòng của Dũng - nơi có gắn camera giám sát.

Bạn bè của Dũng đến nhà chơi đều được ba mẹ hỏi thăm kỹ lưỡng, nhìn ngắm từ chân đến đầu, chú ý lời ăn tiếng nói. Những người bạn không đúng tiêu chuẩn của ba mẹ Dũng thì đều được đưa vào "blacklist" và khuyên Dũng nên ngừng chơi với bạn.

Lâu dần, câu chuyện ba mẹ của Dũng trở thành đề tài được bàn tán nhiều nhất trong cả lớp. Các bạn cũng e dè việc đến chơi nhà Dũng.

Những câu chuyện này đọc lên có lẽ nhiều ba mẹ cũng thấy bóng dáng của mình trong đó. Hầu hết ba mẹ khi được hỏi "Điều gì anh/chị mong muốn nhất ở con của mình" thì đều trả lời rằng "Hạnh phúc".

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống hàng ngày, không ít những lời nói, hành động của các ba mẹ khiến con cảm thấy áp lực. Ngay cả sự chăm chút, quan tâm, hy sinh hết lòng vì con vốn dĩ là một điều rất đáng trân trọng. Thế nhưng, điều đó khi quá mức cũng khiến con cảm thấy như đang gánh một trách nhiệm nặng nề phải "trả hiếu", "phải làm tốt" để không phụ lòng cha mẹ.

Những áp lực này có thể về việc học hành, thi cử, cho đến việc giao tiếp, ứng xử và đều khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, lo âu. Mọi chuyện có thể trở nên tệ hơn khi trẻ dù cố gắng cũng không đạt được thành tích như mong đợi của cha mẹ. Những vấn đề sức khoẻ thể chất, tinh thần mà trẻ có thể mắc phải như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, trầm cảm. Chưa kể, một số trẻ có thể phát sinh hành vi không phù hợp như nói dối, chống đối, gian lận, mất hứng thú và động lực học tập, xa lánh bạn bè, né tránh người thân.

Nói khác đi, áp lực không còn là điều vô hình mà nó sẽ hiện hữu trên chính trẻ với những hậu quả rất xót xa. Bởi vậy, tình yêu thương và sự kỳ vọng của cha mẹ nên được thể hiện như một món quà quý giá cho con hơn là một gánh nặng.

TS Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền: 4 sai lầm chết người của bố mẹ khiến con ngày càng kiệt quệ, tưởng thương yêu con mà hóa tai hại - Ảnh 2.

Những áp lực này có thể về việc học hành, thi cử, cho đến việc giao tiếp, ứng xử và đều khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, lo âu. Mọi chuyện có thể trở nên tệ hơn khi trẻ dù cố gắng cũng không đạt được thành tích như mong đợi của cha mẹ. Những vấn đề sức khoẻ thể chất, tinh thần mà trẻ có thể mắc phải như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, trầm cảm. Chưa kể, một số trẻ có thể phát sinh hành vi không phù hợp như nói dối, chống đối, gian lận, mất hứng thú và động lực học tập, xa lánh bạn bè, né tránh người thân.

Hầu hết các hậu quả này ít được người lớn nhận diện và hỗ trợ kịp thời. Bản thân người lớn, đặc biệt là cha mẹ rất khó chấp nhận lỗi đến từ phía họ mà thường quy kết cho sự kém cỏi của trẻ. Sự chậm trễ trong việc hỗ trợ trẻ có thể để lại hậu quả lâu dài, nghiêm trọng trong sự phát triển nhân cách của trẻ.

Có thể thấy hiện nay, trẻ đang đối diện với những áp lực không còn là điều vô hình mà nó sẽ hiện hữu trên chính trẻ với những hậu quả rất xót xa. Lẽ ra, tình yêu thương và sự kỳ vọng của cha mẹ nên được thể hiện như một món quà quý giá cho con hơn là một gánh nặng. Đáng tiếc, điều giản đơn này nói rất dễ, nhưng thực hành thực khó với nhiều cha mẹ.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, TP.HCM


Theo Nguyễn Thị Thu Huyền

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên