MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Duy Bình: 'Quá trình chuyển đổi số sẽ không thể phát triển mạnh nếu không có một cú hích từ đại dịch'

TS. Lê Duy Bình: 'Quá trình chuyển đổi số sẽ không thể phát triển mạnh nếu không có một cú hích từ đại dịch'

Tại số thứ 5 trong talk show "Trỗi dậy sau khủng khoảng" của Trí thức trẻ, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu mà trở thành mệnh lệnh từ thực tiễn, từ thị trường.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, trong năm 2020 và 2021, tốc độ và kết quả của quá trình chuyển đổi số ở cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân ở Việt Nam đã có những kết quả vô cùng ấn tượng, đặc biệt là những kết quả cụ thể trên thị trường. Cụ thể, theo một số đánh giá, Việt Nam hiện đã vươn lên là thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á trong khoảng thời gian rất ngắn.

Bên cạnh đó, những người tiêu dùng không còn dừng ở đối tượng những người trẻ tuổi, mà thậm chí những người lớn tuổi, những tầng lớp khác nhau trong xã hội, những người ở khu vực nông thôn và những thành phố khác cũng bắt đầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử của các doanh nghiệp.

Ông Bình nhận định, điều này hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan công quyền. 

"Quá trình chuyển đổi số phát triển mạnh như vậy chắc hẳn không thể diễn ra nếu không có một cú hích, một chất xúc tác từ đại dịch", TS. Lê Duy Bình cho hay.

Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam phải diễn ra một cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, đại dịch cũng giúp cho Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân… nhận ra rằng chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu mà trở thành mệnh lệnh từ thực tiễn, từ thị trường.

Ông Bình nhận định, nếu Việt Nam không thay đổi theo cách thức mới này thì không những đất nước bị lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0, mà Việt Nam sẽ bỏ lỡ những cơ hội phát triển, cơ hội để nền kinh tế phục hồi một cách mạnh mẽ, từ đó có sức chống chọi với các biến cố.

"Rõ ràng đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp để chúng ta có thể phục vụ cho những khách hàng tốt hơn, không chỉ khách hàng trong nước mà cả khách hàng nước ngoài", Giám đốc Economica Vietnam cho biết.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hình thành khả năng chống chọi mới, khả năng thích nghi với một điều kiện mới do đại dịch mang lại. 

"Nếu chúng ta không thực hiện những điều này thì rõ ràng cơ hội của Việt Nam sẽ bị bỏ qua và đánh mất trong thời gian tới", ông Bình nhấn mạnh.

Giang Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên