MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Xốc' lại nền kinh tế cần nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa

06-10-2021 - 15:09 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng không thể mãi dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại với một vài giải pháp như giãn hoãn nợ hay giảm lãi suất. Lúc này, doanh nghiệp, nền kinh tế cần nhiều hơn thế từ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
73 bài viết

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ giảm sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới GDP giảm "shock". Tính chung 9 tháng tăng trưởng GDP đạt 1,42%.

Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thế tiếp tục tăng, trong khi đó số lượng thành lập mới suy giảm. Có thể thấy rằng, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp của cả nước như: TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ...

Điều tích cực là trong một vài tuần trở lại đây, dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Phục hồi nền kinh tế, trong đó có hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là bài toán cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để làm rõ hơn thách thức nền kinh tế đang gặp phải, cũng như các giải pháp để vực dậy, tìm ra động lực mới, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xốc lại nền kinh tế cần nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa


Thưa ông, hiện nay cần giải pháp nào để vực dậy nền kinh tế? Đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm?

Lê Xuân Nghĩa: GDP suy giảm mạnh 6,17% là con số chưa từng được dự báo nhưng không phải quá bất ngờ khi hoạt động sản xuất kinh doanh tại các thành phố, khu công nghiệp lớn ngưng trệ trong suốt hơn 2 tháng vừa qua.

Theo dự báo của chúng tôi, nếu không có những giải pháp đột phá, quý IV tăng trưởng GDP có thể tiếp tục âm và GDP cả năm 2021 có thể chỉ đạt từ 1,2% - 1,8% do quá trình phục hồi kinh tế diễn ra chậm. Theo thông lệ quốc tế, 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm thì kinh tế rơi vào suy thoái. Tình hình có thể còn khó khăn hơn vì những nền tảng để phục hồi kinh tế hiện đang rất yếu.

Các nguồn lực hiện hữu trong doanh nghiệp gần như cạn kiệt, bị xói mòn tận gốc rễ tài chính. Đến nay chưa có gói hỗ trợ nào thực sự đáng kể, ngay cả với gói hỗ trợ lãi suất 3.000 tỷ đang được bàn tới thì cũng là ít ỏi khi so sánh với gói kích thích kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ USD của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; hay gần đây nhất Thái Lan cũng đã thông qua gói kích thích lần 2 quy mô lên tới 30 tỷ USD.

Thực tế, các Chính phủ tài trợ cho nền kinh tế đều thông qua ngân hàng trung ương bằng công cụ mua sắm tài sản, mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) mà không phải là tiền trực tiếp từ ngân sách nhưng ngân sách phải đứng ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa sử dụng được công cụ này, chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo động lực mới cho tăng trưởng. Gần đây việc Kho bạc Nhà nước buộc phải mua lại TPCP do chính mình phát hành trước đó là khó hiểu trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu nguồn lực, trong khi tiền dư thừa từ Kho bạc Nhà nước có thể gửi vào Ngân hàng Trung ương để chủ động cho việc chi ngân sách vào bất cứ lúc nào, đồng thời Ngân hàng Trung ương có thể sử dụng tiền này để mở rộng tín dụng qua các Ngân hàng Thương mại và trên cơ sở đó giảm lãi suất.

Cho tới thời điểm hiện tại, nền tảng tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang ở tình trạng kiệt quệ thì việc ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cũng chỉ giải quyết được ‘bề nổi’, còn vấn đề gốc rễ là dòng tiền mới, cấp tín dụng cho doanh nghiệp ngay cả khi không còn tài sản đảm bảo, khả năng phục hồi chưa rõ nét thì chưa được giải quyết. Đặt vấn đề trên cũng để làm rõ quan điểm, cần cứu những doanh nghiệp nào và cứu bằng cách nào?

Trong quý IV, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng phục hồi ở 1 vài lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ, vận tải, vận chuyển, nhà hàng… Việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại làm người lao động sợ hãi. Họ sợ rằng khi quay trở lại sẽ bị mắc kẹt và đói. Vì vậy, cần xác định hướng hỗ trợ trong thời gian tới là ưu tiên công ăn việc làm, coi đây là nền tảng để lựa chọn doanh nghiệp.

Hiện 1 suất đầu tư tạo công ăn việc làm ở khu vực kinh tế hộ gia đình thấp hơn nhiều so với 1 suất đầu tư cho lao động ở các nhà máy, công nghiệp nặng. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có khoảng hơn 16 triệu lao động, khu vực dịch vụ là khoảng 19 triệu lao động, khu vực nông nghiệp là 17 triệu lao động. Do đó, cần có bài toán tổng thể chứ không thể chỉ kỳ vọng vào phục hồi kinh tế dựa trên một số tập đoàn lớn để lôi kéo. Chúng ta cũng chưa có tập đoàn nào đủ khả năng dẫn dắt nền kinh tế mà chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản.

Vì vậy, điều cần lúc này là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc 1 số ngành như vận tải, vận chuyện, thương mại, bán lẻ, công nghiệp chế biến, nơi thu hút nhiều lao động như dệt may, giày da, gỗ…. và nông nghiệp.

Như ông có nói, các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ mạnh để kích thích tăng trưởng, vậy thời gian tới, Chính phủ cần làm gì hỗ trợ nền kinh tế, phục hồi tăng trưởng trở lại trong ít nhất quý IV/2021?

Điều doanh nghiệp, người dân cần thời điểm hiện tại là một gói kích thích để tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không thể trông vào ngân hàng (NHTM), Chính phủ cũng không thể dựa vào NHTM. Họ không phải là cơ quan tài trợ, họ cũng là doanh nghiệp, có trách nhiệm lớn lao đảm bảo uy tín với người gửi tiền, với cổ đông, nhà đầu tư. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào chính sách tiền tệ và tài khoá, sự phối hợp khéo léo giữa 2 chính sách này.

Cụ thể, ngân sách không thể mang tiền cho doanh nghiệp nhưng có thể tài trợ cho người lao động qua doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ nộp danh sách số lao động cần duy trì để nhận hỗ trợ. Việc hỗ trợ trả lương cho người lao động sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân được lao động và nhanh chóng đi vào phục hồi sản xuất khi có thể. Việc hỗ trợ sẽ không thông qua các địa phương mà qua trực tiếp một cơ quan chức năng của Chính phủ.

Việc thứ 2 ngân sách có thể làm là thông qua tài trợ để giảm lãi suất cho các khoản vay mới của doanh nghiệp. Cùng với đó là 1 quỹ bảo lãnh tín dụng mới với nguồn vốn ít nhất 30.000 - 40.000 tỷ để bảo lãnh cho khoảng 300.000 – 400.000 tỷ đồng dư nợ, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, điều kiện không quá ngặt nghèo như tiếp cận vốn NHTM. Với mức bảo lãnh khoảng 90% sẽ vừa tạo động lực để các ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, vừa đồng thời đặt vai trò, trách nhiệm của ngân hàng trong thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Nguồn tiền cho quỹ tín dụng này một phần từ ngân sách (thông qua phát hành TPCP), 1 phần là vận động các ngân hàng, tập đoàn lớn đóng góp dưới hình thức góp vốn đổi cổ phần. Theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, quỹ này còn có lãi khi doanh nghiệp phục hồi và niêm yết.

Cùng với các gói hỗ trợ, Chỉnh phủ cần tiếp tục tập trung xây dựng, cải cách thể chế nhanh, hiệu quả, tránh tắc nghẽn. Hiện cả đầu tư công, đầu tư tư đều vướng, không giải ngân được. Cần phải có nghiên cứu sửa đổi các luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật khoáng sản và Luật Nhà ở… tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện.

Cuối cùng là tập trung vào ổn định lại hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đang chịu rủi ro rất lớn. Sau 5 năm tái cơ cấu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng với quy mô Thánh Gióng. Điều này là tốt để tăng năng lực tài chính, hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng trong nguồn tài chính đó lại chứa đựng những rủi ro về nợ xấu, thanh khoản trong trung hạn, đặc biệt là vấn đề cho vay chéo, sở hữu chéo chưa được kiểm soát thật chặt chẽ và đúng mức. Vì vậy, cần củng cố ổn định hệ thống làm nền tảng cho phát triển dài hạn.

Xin cảm ơn ông!


Theo N. Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên