TS Lưu Bình Nhưỡng: Chính quyền dựa vào luật nào khóa cổng nhà có người xa quê về cách ly?
Ông Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh có sử dụng nguồn của Người lao động/Tuệ Nhật)
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc chính quyền địa phương khóa cổng nhà có người trở về từ các vùng cấp độ 3, 4 phòng Covid-19 là "phản cảm" và không đúng quy định của pháp luật.
Những ngày qua, gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, Thiệu Hóa ( Thanh Hóa ) được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà để phòng Covid-19 . Đây là những gia đình có người từ vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), 4 (vùng đỏ) về ăn Tết.
Sau khi có phản ánh, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo xã mở hết số khóa cửa. Giới chức huyện khẳng định, huyện không chỉ đạo xã nào khóa cổng của gia đình có người đi làm ăn xa về cách ly ở nhà.
Anh Nguyễn Xuân B. (trú xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng) cũng phản ánh, bố mẹ anh và 2 con nhỏ bị chính quyền địa phương thôn Cao Bạt Lụ, Nam Cao, Kiến Xương (Thái Bình) khóa trái cửa nhà từ ngày 9 đến 16/1, với lý do gia đình có người cách ly, theo dõi y tế tại nhà.
Trao đổi với PV, TS Lưu Bình Nhưỡng , Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, không chỉ ông mà nhiều cử tri cũng gọi điện, liên hệ bày tỏ bức xúc về việc này.
Theo ông Nhưỡng, việc chính quyền địa phương khóa cổng nhà có người dân trở về từ các vùng cấp độ 3, 4 phòng Covid-19 là để lo xa, nhưng lại "phản cảm" và "không đúng quy định của pháp luật".
Gia đình ở Thanh Hóa bị khóa cổng. Ảnh: Người lao động
"Anh chỉ cần đến nhắc nhở hay có biển treo thể hiện nhà có người cách ly tại nhà phòng dịch Covid-19 chứ cần gì phải khóa cổng nhà người ta.
Tôi muốn hỏi chính quyền địa phương, dựa quy định của luật nào cho phép đi khóa cổng nhà dân như vậy?
Chúng ta đang sống trong thời đại văn hóa, Nhà nước pháp quyền, phải xử sự theo văn hóa, theo đúng pháp luật", ông Nhưỡng nêu.
Phó Ban Dân nguyện cho hay, khi khóa cổng nhà người dân như vậy, chính quyền có chịu trách nhiệm khi chẳng may nhà người dân đó có ai bị bệnh bất ngờ như trụy tim, hay tai biến phải cấp cứu ngay sẽ xử lý như thế nào không?
"Những người ra lệnh khóa cửa phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và những người đến khóa cửa là có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân, dấu hiệu xâm phạm chỗ ở trái phép của người dân.
Việc khóa cửa như vậy vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm pháp luật", ông Nhưỡng nói.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh (Hà Nội) cũng nêu rõ, việc chính quyền một số địa phương khóa cổng nhà người dân rồi cho rằng để phòng chống dịch Covid-19 là hành vi thái quá, không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 128.
Theo luật sư, Nghị quyết 128 - thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh.
"Như vậy, việc cần làm của chính quyền địa phương ở đây là cần kiểm soát hiệu quả, xây dựng, chuẩn bị hệ thống y tế cơ sở để đảm bảo điều trị kịp thời cho người dân, hạn chế thấp nhất ca tử vong, chứ không phải khóa cửa nhà dân lại.
Việc làm này rõ ràng không đúng tinh thần Nghị quyết 128 và thực tế, tôi theo dõi pháp luật cũng không thấy quy định nào cho phép khóa cửa như thế", luật sư Truyền nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) nêu, Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước.
Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo "quy định của luật" trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng.
Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền...
Do đó, theo luật sư Long, việc khóa cửa là không đúng luật và dù việc khóa cửa được người dân chấp thuận cũng không được, vì vi phạm nguyên tắc "người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép".
Doanh nghiệp và tiếp thị