MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đình Cung: Hiệp hội Taxi từng gửi hồ sơ “kiện” tôi lên Chính phủ!

Hiệp hội Taxi từng kiện TS Nguyễn Đình Cung vì những kiến nghị chính sách nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường đối với những hãng taxi mới.

Sáng 21/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo "Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật".

Các hãng taxi tiếp tục đòi hỏi sự "công bằng" với Grab

Phát biểu tại hội thảo, đại diện các hãng taxi, Hiệp hội Taxi tiếp tục thể hiện quan điểm cho rằng quy định của Nhà nước đang thiếu sự công bằng. So sánh được phía doanh nghiệp taxi đưa ra là Uber và Grab đã phát triển quá mức, trong khi sự phát triển của taxi phải theo quy hoạch do địa phương ban hành.

Việc định danh xe "hợp đồng điện tử" không được các doanh nghiệp taxi đồng tình. Theo đó, những doanh nghiệp như Uber và Grab đã tự định giá, chỉ định xe đến đón khách,… trực tiếp tham gia điều hành hoạt động vận tải. Do đó, các doanh nghiệp taxi muốn những doanh nghiệp như Uber, Grab phải được coi là doanh nghiệp vận tải, điều chưa có trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi.

"Tổng số lượng xe taxi của công ty những năm trước là trên 6.000. Hiện nay chỉ còn 4.800. Nghị định 86 có ý nghĩa quan trọng, quyết định chúng ta sẽ có một ngành taxi chuyên nghiệp, điều mà chúng ta phải gìn giữ. Lái xe phải qua đào tạo về phục vụ khách hàng, người lao động được đóng bảo hiểm,…." – ông Trương Đình Quý, Phó Giám đốc Vinasun góp ý.

Đại diện Vinasun cho biết, công ty có 377 xe đang chạy theo hình thức "hợp đồng điện tử". Nhưng cách tính tiền vẫn phụ thuộc vào đồng hồ vì Vinasun là một doanh nghiệp taxi. Công ty không muốn mở rộng quy mô của hoạt động này vì những tôn chỉ, mục đích của doanh nghiệp đã đưa ra từ trước đó. Do vậy, "xe hợp đồng điện tử" (tương tự Uber, Grab) vẫn là hoạt động thử nghiệm của Vinasun.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn chưa được gỡ bỏ trong Nghị định 86 sửa đổi. Ví dụ như quy định lái xe taxi phải khám sức khỏe định kỳ, buộc doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí lớn và khiến giá thành không thể hạ thấp hơn.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng có tới 85 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mới được đặt ra trong bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Số điều kiện được cắt bỏ chỉ là 12. Đặc biệt, những vấn đề bất cập, vướng mắc trong kinh doanh vận tải vẫn chưa được giải quyết, các điều kiện, rào cản kinh doanh đối với doanh nghiệp vẫn còn tồ tại.

"Theo rà soát của chúng tôi về các điều kiện kinh doanh được quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi và Nghị định 86 hiện hành thì có tới 85 ĐKKD mới thêm vào. Điều này ngược lại với yêu cầu cắt giảm 50% số ĐKKD của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng rằng, nếu thêm 1 điều kiện kinh doanh thì phải báo cáo Chính phủ. Rõ ràng, Bộ GTVT đã bãi bỏ 12 ĐKKD nhưng lại bổ sung thêm 85 ĐKKD mới" – bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết.

Viện trưởng CIEM từng bị Hiệp hội Taxi kiện

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, ý kiến Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi tăng thêm các ĐKDK là không đúng. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những điều trước quy định tại Thông tư phải đưa vào Nghị định. Hồ sơ trình Chính phủ (dày khoảng 500 trang – PV) được biện soạn trên cơ sở nắm rõ các chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó, không có tình trạng Bộ GTVT tăng thêm số ĐKKD.

"Nói một cách dễ hiểu, quan điểm là học sinh thi vào đại học của chúng tôi thì các em phải thi 3 môn (Toán, Văn, Anh) đạt 27 điểm. Sau khi đã vào trường rồi thì mới xét đến việc các em có phải mặc đồng phục không, học ra sao. Điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Nghị định mới cũng tương tự như vậy" - Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) lấy ví dụ.

Giải thích về nghiên cứu của CIEM, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung khẳng định, bản nghiên cứu về điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Nghị định 86 là một tài liệu được soạn thảo bởi những người độc lập, với tư cách nhà nghiên cứu. Theo đó, Viện CIEM muốn cơ quan chức năng giảm bớt các điều kiện gia nhập thị trường, và nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm an toàn giao thông trong những quy định sau khi doanh nghiệp đã tham gia kinh doanh.

"Tôi thông cảm với anh Ngọc, người ở vị trí phải lắng nghe nhiều bên và giải quyết nhiều bề. Anh nói là gia nhập thì trường, sau đó là các quy định khác. Tôi hiểu điều đó, nhưng thấy rằng, phần gia nhập thị trường cần giảm hơn nữa, còn phần sau đó thì nhấn mạnh đến an toàn giao thông. Nếu có quy định thì quản lý cái phần đó chứ không can thiệp vào nghiệp vụ quản lý của doanh nghiệp" – ông Nguyễn Đình Cung nói.

Chia sẻ với sự bức xúc của các doanh nghiệp taxi, Viện trưởng CIEM cho rằng cách thức đóng góp ý kiến để xây dựng văn bản pháp luật phải thay đổi. Các kiến nghị nên theo hướng gỡ bỏ bớt điều kiện kinh doanh, thay vì mang chiều hướng "bảo hộ" trước sự gia nhập thị trường của Uber và Grab.

"Quyết định thành bại của kinh doanh vẫn là khách hàng. Mình phải đặt câu hỏi với tư cách là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Dịch vụ của mình thuận lợi hơn, rẻ hơn, khác biệt thì sẽ thuyết phục khách hàng. Nếu không thì sẽ bị thay thế, không phải Grab thì sẽ là doanh nghiệp khác. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, Hiệp hội Taxi đã từng gửi hồ sơ "kiện" tôi lên Chính phủ. Tài liệu chất cao bằng mấy cái bàn. Thời điểm 2003, tôi ở thế luôn phải đi giải trình. Những vấn đề các anh nêu lên hôm nay không khác gì mười mấy năm trước. Tôi lại một lần nữa mong các anh thay đổi tư tuy "cần bảo hộ nhiều hơn". Các anh phải đòi cạnh tranh công bằng chứ không phải bảo hộ" – Viện trưởng CIEM cho biết.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên