TS. Nguyễn Đình Cung: Nên tách ra hai bộ phận "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa"
Phát biểu tại Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM cho rằng: Nhà nước của chúng ta hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường không thể vận hành được.
- 29-07-2020Thép cuộn cán nguội và thép không hợp kim Việt Nam bị rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá tại Malaysia
- 29-07-2020SỨC HÚT LỚN TỪ KINH TẾ ĐÊM (*): Hành lang pháp lý đã có
- 29-07-2020Bloomberg: Làn sóng Covid-19 thứ hai phủ khắp châu Á, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu mờ mịt
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: "30 năm qua chúng ta vẫn nói rằng đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi mong rằng nhiệm kỳ này ta kết thúc cho xong. Chứ 40 năm có khi vẫn đang chuyển sang kinh tế thị trường rồi coi chừng 50 năm cũng vẫn đang trên con đường chuyển sang kinh tế thị trường".
Theo ông Cung, muốn có kinh tế thị trường thì quá trình chuyển đổi phải kết thúc, và đúng là chúng ta chưa kết thúc quá trình này. Trước hết là vì quyền sở hữu và hình thức sở hữu chưa chuyển đổi hoặc chuyển đổi rất chậm. Thứ hai, chuyên gia này cho rằng điều hành kinh tế phải do thị trường điều hành, thị trường vận hành và điều tiết kinh tế, chứ không phải Nhà nước. Tư duy để Nhà nước điều hành phát triển kinh tế xã hội cần phải thay đổi, và Nhà nước chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết.
Ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt.
Đáng tiếc rằng, cả hai chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt, mức độ phát triển thị trường của chúng ta nằm ở top dưới. "Kinh tế thị trường của chúng ta, cả vai trò Nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém!" - nguyên Viện trưởng CIEM nhận định.
Như vậy, theo ông Cung, cải cách sẽ nằm ở hai yếu tố, cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước. Hướng chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở vế Nhà nước. Cho nên phải cải cách Nhà nước, thay đổi tư duy. Khi nói sở hữu chuyển sang kinh tế thị trường thì những thị trường liên quan sở hữu, và những thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và người dân là những mục tiêu cần nhắm vào để cải cách.
"Chúng ta cứ nói đột phá nhưng "đột" mãi mà không "phá" được" - ông Cung nói và giải thích lý do rằng Việt Nam "đột" không đúng chỗ, và người "đột" lại không có đủ năng lực để "đột". Đây chính là điểm nghẽn, chúng ta "đột" mà không "phá".
Phải phát triển thị trường các nhân tố sản xuất thì mới có thể chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nếu như chúng ta cứ "loay hoay" ở điểm nghẽn này thì sẽ không chuyển đổi được khối tư nhân, trong khi khối này là chủ đạo trong việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường. "Những thứ chúng ta đột phá những năm vừa rồi là đột phá về thể chế rất lớn. Nhưng đột phá ở đây là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đó không phải là khâu chuẩn xác. Cải cách thủ tục hành chính chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chúng ta chọn điểm để đột phá chưa đúng." - ông Cung khẳng định.
Như thế, khi quyền sở hữu thay đổi thì vai trò điều hành cũng sẽ phải chuyển đổi. Khi vai trò Nhà nước chuyển đổi thì những vấn đề chuyển đổi khác chỉ là hệ quả. Sự thay đổi của thị trường các nhân tố sản xuất không thể diễn ra được nếu Nhà nước không thay đổi. "Nhà nước của chúng ta hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường không thể vận hành được" - ông Cung nói. Nếu không đột phá đúng chỗ và tìm người đủ năng lực để đột phá, tìm công cụ hợp lý để đột phá thì chúng ta đột mà không phá.
Ông Cung đánh giá: "Quá nhiều Nhà nước cũng dở, quá nhiều thị trường cũng không hay, phải cân bằng được". Ông Cung cho rằng, nên tách hai bộ phận "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa", nếu kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường thì rất khó chuyển đổi.
"Nền kinh tế thị trường không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có kinh tế thị trường thì chúng ta thất bại!" - ông Cung kết luận.