TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu tăng trưởng không khả thi nhưng giữ nguyên mục tiêu lại là việc làm đúng!
Đây là nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo công bố báo cáo vĩ mô Quý II/2016.
- 26-07-2016Để cải tổ tuyến đường sắt "già" nhất châu Á, Ấn Độ đi vay số tiền lớn hơn cả GDP của nhiều quốc gia
- 19-07-2016Nắng nóng sẽ khiến Việt Nam mất 6% GDP vào năm 2030
- 11-07-2016Nhân sự, Formosa, phán quyết biển Đông... tác động thế nào GDP 2016?
- 11-07-2016GDP Việt Nam 2016 “khó đạt chỉ tiêu”
Nhận định việc Việt Nam không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 là không mới. Lần này, trong báo cáo của CIEM, nó lại được tái khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa lấy lại được đà phục hồi.
Cụ thể, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng trong Quý II đạt 7,61%. Khu vực nông lâm thuỷ sản có sự chuyển biến hơn so với quý I, nhưng chưa đáng kể, tăng 0,06% trong Quý II và 6,35% trong 6 tháng đầu năm.
Xuất khẩu trong nửa đầu năm tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 43,4 tỷ USD trong quý II và 82,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (tăng 5,7%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này còn khá xa do với mục tiêu 10% mà Quốc hội đề ra. Trong khi đó tăng trưởng ở khu vực này chủ yếu nhờ vào đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Ông Cung cũng chỉ ra việc nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhẹ khi lên mức 2,62% vào cuối tháng 3.Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 4,84% trong quý II và 8,07% trong 6 tháng đầu năm.
Với những diễn biến trên, ông Cung nhận định việc đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là không khả thi. Nhận định này cũng nhận được sự đồng thuận của hầu hết các chuyên gia kinh tế trong hội thảo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng tình trạng kinh tế của Việt Nam sẽ còn có nhiều biến động hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi khó lường. Câu chuyện Brexit có thể là tác động gián tiếp và trong dài hạn, nhưng vấn đề nổi cộm ở Đông Nam Á thì có thể thấy ngay, ông Doanh nhận định.
Đó là phán quyết PCA của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. “Trung Quốc vung tiền ra mua rất nhiều nước, dùng công cụ kinh tế thương mại để gây sức ép” – Ông Lê Đăng Doanh cho biết. Với hành động đó, Việt nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế, thương mại bởi Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Mặc dù khẳng định mục tiêu là không đạt được, nhưng ông Nguyễn Đình Cung lại ủng hộ việc Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm.
"Tôi cho rằng Chính phủ không điều chỉnh lại hay. Nếu điều chỉnh xuống mức 5,7% đến 5,8% hay 6% để rồi cuối năm chúng ta đạt được mục tiêu, các Bộ, ngành ngồi vỗ tay với nhau lại vui cả làng. Trong khi không điều chỉnh, cuối năm chúng ta sẽ có câu chuyện để mổ xẻ, tại sao không đạt được, nguyên nhân là chỗ nào, khách quan chủ quan ra sao. Chúng ta cần tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm giải pháp hơn là ngồi vỗ tay" – Ông Cung lý giải quan điểm của mình.
Chuyên gia Nguyễn Quang Thái cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết: “Không nên điều chỉnh mục tiêu mà chúng ta nên nỗ lực tối đa, cải cách tối đa để nền kinh tế phát triển. Nông nghiệp tăng trưởng âm, công nghiệp giảm sút, cơ sở nền tảng của tăng trưởng rất yếu kém, thu ngân sách cần tăng thu giảm chi, phải cơ cấu lại đầu tư công, làm lại cho rõ ràng kể cả vấn đề việc làm, thu nhập…”
Với những quan điểm đó, các chuyên gia cho rằng thay vì hạ mục tiêu, thay vì cứ “nói suông” thì các bộ ban ngành phải bắt tay vào hành động.
Theo đó, phải tìm cách mở rộng đầu tư, tăng ngân sách, nới lỏng tài khoá, nâng cao năng lực cạnh tranh như ông Cung nêu vấn đề. Ông cũng đặt ra nhiệm vụ phải “thức tỉnh” được bộ máy nhà nước, tạo động lực nội sinh, để chuyển từ nhà nước kiểm soát sở hữu sang nhà nước kiến tạo, phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Chuyên gia Lưu Bích Hồ đưa ra một quan điểm là phải nhìn nhận lại bởi chúng ta đang “nhận diện vấn đề chưa đúng”. Chính vì thế, nền kinh tế Việt Nam có bệnh mà không được bốc đúng thuốc hoặc những phương thuốc đã cũ bị con bệnh nhờn thuốc, kháng thuốc…
Do đó, ông cho rằng, phải nhìn nhận lại vấn đề, không lấy tăng trưởng làm mục tiêu như hiện nay. Chính phủ nên tạo nền tảng cho tăng trưởng, như cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chi tiêu công,...