MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Nên xoá bỏ thế độc quyền trong ngành hàng không!

Việc tắc nghẽn, quá tải ở các cảng hàng không sẽ vẫn tiếp tục nếu thị trường không có sự tham gia mạnh của khối tư nhân.

Xoá bỏ độc quyền của các DNNN, đặc biệt trong ngành công nghiệp có mạng lưới là một trong những giải pháp được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo về tái cơ cấu kinh tế, chiều 5/9.

Ngành hàng không là một ví dụ điển hình được ông Cung đưa ra. Theo ông, sự phủ sóng nghiễm nhiên của các DNNN trong lĩnh vực này đã khiến thị trường mất đi tính cạnh tranh vốn có của nó. Điều này vô hình chung triệt tiêu động lực phát triển nói chung của ngành cũng như tước đoạt quyền được kinh doanh của các doanh nghiệp có khả năng khác.

"Nên mạnh dạn giao cho các hãng hàng không tư nhân, họ có động lực để xây dựng", ông Cung nói và cho biết nếu tình trạng độc quyền vẫn tiếp diễn, các sân bay sẽ duy trì việc tắc nghẽn như thường thấy.

Các sân bay là nơi dễ dàng phản ánh sự phát triển của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air nhận định tại diễn đàn của Forbes hồi tháng 7/2018. Tuy nhiên, cách làm việc của DNNN cho thấy một sự chậm chạp.

Đơn cử như việc di chuyển một tấm vách kính tạo không gian cho khách, bà Thảo nói rằng nhà nước đầu tư mất 2 năm, trong khi đó, 2 năm cũng là thời gian để một doanh nghiệp tư nhân xây cả sân bay Vân Đồn, hay việc xây dựng nhà ga quốc tế mới tại Cam Ranh mà Vietjet góp vốn đầu tư cũng chỉ mất 18 tháng.

Công việc giao cho tư nhân, theo bà Thảo, chỉ đang dừng lại ở chủ trương, mong muốn của Chính phủ chứ chưa đến các cơ quan khác. Nghĩa là, còn rất nhiều việc để cụ thể hoá tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Việc gì để tư nhân làm được thì để tư nhân làm".

Cốt lõi là cạnh tranh

Độc quyền là một góc nhỏ trong bức tranh lớn về câu chuyện thị trường. "Thị trường, thị trường hơn nữa", là nhận định đã rất quen tai nhưng vẫn chưa đi vào thực tế. Điều này liên tục được ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh và cho rằng đó là cốt lõi, là động lực cho kinh tế trong tương lai gần.

Nguyên nhân, chỉ có cạnh tranh công bằng mới khiến cho doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, thực chất, Việt Nam vẫn đang duy trì cơ chế xin cho khiến thị trường bị méo mó, sai lệch dẫn đến khoa học, công nghệ bị "xua đuổi".

"Doanh nghiệp không có động lực để áp dụng công nghệ, thay vào đó, họ tìm kiếm những mối quan hệ thân hữu để kiếm lợi", ông nhấn mạnh.

Do vậy, trọng tâm của cải cách sắp tới, ông Cung vẫn nhấn mạnh vào việc tạo lập một thị trường có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Câu chuyện thị trường, dù đã nghe quen, nhưng thực chất vẫn đầy tính thời sự.

Việc cải cách là không đơn giản, theo ông Cung, vì nó buộc phải thay đổi vai trò chức năng của kinh tế nhà nước. Ông nói rằng nếu chỉ có thị trường không mà nhân tố nhà nước không có sự chuyển biến thì thị trường lập ra không sớm thì muộn cũng bị triệt tiêu. Thay đổi vai trò của kinh tế nhà nước theo đó trở thành điều kiện thiết yếu, diễn ra song hành.

"Trước đây nhà nước chỉ cần thu hẹp chứ chưa cần thay đổi thì thị trường đã xuất hiện. Nhưng thị trường hiện tại không chỉ cần nhà nước thu hẹp mà còn cần thay đổi", Viện trưởng CIEM nói và nhận định đây là việc khó.

Tuy nhiên, việc thay đổi vẫn phải được diễn ra, bởi dù mới chỉ trong một phạm vi hạn chế, một số "người thắng cuộc" đã được nhìn thấy. Do vậy, nếu áp dụng một tư duy cởi mở hơn, có thể, Việt Nam sẽ đón nhận những thành công rực rỡ.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên