TS. Nguyễn Đình Cung: Những cụm từ đánh giá đầu tư công như "dàn trải", "phân tán", "lãng phí"... có lẽ sẽ còn tiếp tục lặp lại nhiều nhiệm kì nữa!
Đầu tư công trong giai đoạn vừa qua cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định song còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là về mặt cơ chế.
- 08-05-2019Hai bộ trưởng cùng lo lắng về chuyển giá
- 08-05-2019Xuất khẩu cả nước kém vui
- 08-05-2019Singapore - Thành phố thông minh nhất thế giới: Khi công nghệ trở thành chìa khóa phát triển, robot thay thế con người, cột đèn đường cũng ở một đẳng cấp khác!
Quy mô đầu tư công trên GDP ngày càng được thu hẹp, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư của Đảng và Nhà nước (mục tiêu tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31-34% đầu tư toàn xã hội và bình quân đạt khoảng 10-11% GDP). Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ mức bình quân 39,4% trong giai đoạn 2011-2014 xuống mức bình quân 36,8% trong giai đoạn 2015-2017. Tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước trên GDP giảm từ mức bình quân 12,4% trong giai đoạn 2011-2014 xuống mức 12,1% trong giai đoạn 2015-2017.
Đầu tư công trong giai đoạn vừa qua cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định như cải thiện việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng, giảm hệ số ICOR, giảm số lượng dự án bố trí vốn ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, kỷ luật trong hoạt động đầu tư công có sự cải thiện đáng kể ở các cấp ngành. Thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công bước đầu đã được hệ thống hóa và số hóa. Cơ chế lập kế hoạch đầu tư công cũng đã được chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hàng năm, khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư bị gián đoạn, cắt khúc. Do đó, thái độ của xã hội với đầu tư công cũng có phần tích cực hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, các cán bộ ngành, địa phương vẫn còn một số sai phạm, hệ thống thông tin theo dõi giám sát chưa hoàn thiện. Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn nhiều vướng mắc bất cập, cả trong văn bản quy phạm pháp luật và trong tổ chức điều hành của các cơ quan Trung ương, địa phương và các bộ ban ngành.
Tại Tọa đàm đối thoại chính sách Sửa đổi Luật Đầu tư công - bàn luận từ góc nhìn đa chiều diễn ra ngày 8/5/2019 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: "Đầu tư công luôn là vấn đề nóng. Nhưng đầu tư công vẫn bị đánh giá là "dàn trải", "phân tán", "lãng phí",... Những từ như thế cứ lặp đi lặp lại. Và có lẽ, nó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều nhiệm kì nữa"!
Tại sao lại lặp lại nhiều nhiệm kì như vậy? Ông Nguyễn Đình Cung giải thích: "Trong nghị quyết của Đảng đã nói, chúng ta phải xây dựng các thị trường nhân tố sản xuất, để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Nguồn lực nhà nước phải được phân bố sử dụng theo nguyên tắc thị trường.
Các dự án đầu tư phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế xã hội. Như vậy thì mới chỉ quy định được trình tự thẩm quyền, anh này được làm cái này, anh kia được làm cái kia, chứ chưa quy định được là làm như thế nào". Ông Cung cho rằng quy định đề ra chưa đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả của các dự án, quy trình lựa chọn thiếu hẳn ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng xã hội.
Hệ thống thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công. Vấn đề phân cấp trong quản lý đầu tư công vẫn còn chưa rõ ràng, chất lượng của các loại quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, gây lãng phí và kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, thanh tra và các chế tài chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả các yếu tố trên đều có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của các dự án đầu tư công.