MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Kiên: COVID-19 cũng là cơ hội để 'đắm đò giặt mẹt'

TS. Nguyễn Đức Kiên: COVID-19 cũng là cơ hội để 'đắm đò giặt mẹt'

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại cũng là cơ hội để Chính phủ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, chọn mặt gửi vàng theo hướng hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả sản xuất - cơ hội 'đắm đò giặt mẹt'.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, theo thống kê của VCCI đã có 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cả nước gửi tới. Qua gần 2 năm sống chung với dịch bệnh, sức khỏe của doanh nghiệp gần như đã cạn kiệt, hơn lúc nào điều doanh nghiệp cần những quyết sách, hỗ trợ từ Chính phủ để vượt bão COVID, tồn tại và tiếp tục phát triển sau dịch.

Sau 2 năm ban hành và triển khai các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Chính phủ đã có nhiều bài học được rút ra. Để làm rõ quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thời gian tới để khôi phục, vực dậy nền kinh tế, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

TS. Nguyễn Đức Kiên: COVID-19 cũng là cơ hội để đắm đò giặt mẹt - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Chủ trương của Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Song trong nhiều tháng qua, để ưu tiên chống dịch, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi lớn, dẫn tới hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn. Theo ông, đâu là giải pháp thực tế để thực hiện được chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là một chủ trương đúng, thể hiện sự cân bằng trong phát triển kinh tế và giữ ổn định xã hội. Tuy nhiên, cũng tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh để chúng ta có những thay đổi phù hợp.

Cần phải nói rõ rằng, chúng ta không đủ nguồn lực để có thể làm song song 2 nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, sẽ có lúc phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên ưu tiên, ổn định kinh tế là gốc, chống dịch là tiên quyết và có lúc thì ngược lại.

Qua quá trình chống dịch, Chỉnh phủ dần rút ra bài học. Đặc thù của Việt Nam trải dài, diễn biến dịch ở mỗi vùng cũng khác nhau nên cũng đòi hỏi các biện pháp chống dịch khác nhau. Ba đợt dịch đầu tiên chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung, đợt thứ 4 khởi điểm ở miền Bắc nhưng lại gây hậu quả nặng nề ở miền các tỉnh phía Nam. Các giải pháp chống dịch cũng luôn luôn thay đổi để thích nghi với thực tiễn. Thời kỳ đầu phong tỏa diện rộng, sau đó là hẹp dần, tới Bắc Ninh, Bắc Giang đã áp dụng 3 tại chỗ, cho thấy rất hiệu quả trong kiểm soát dịch. Nhưng đến khi áp dụng với TP.HCM lại không đúng.

Với TP.HCM, lúc đầu chúng ta cũng phong tỏa nhỏ theo khu vực nhỏ rồi theo khu phố, đến theo quận, rồi cả thành phố nhưng dịch vẫn lan tới 5 tỉnh, rồi 19 tỉnh ở Tây nam bộ. Cúng có thời điểm đã áp dụng 3 tại chỗ ở TP.HCM và các khu công nghiệp lớn phía Nam nhưng đều không thành công, giờ đang áp dụng 1 cung đường 2 điểm đến cho thấy thành công nhưng còn hạn chế. Rõ ràng, chúng ta đã làm hết cách trong khả năng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế.

Ngay thời điểm tháng 5, tháng 6 khi dịch chưa bùng phát mạnh, Chính phủ đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chỉ đạo NHNN sửa thông tư 01 thành thông tư 03 để tiếp tục giãn hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; ban hành nghị định về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; Ban hành Nghị định 68 về hỗ trợ người lao động. Có thể nói ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Còn cho đến thời điểm hiện tại, cần phải thống nhất quan điểm rằng trước tiên phải giữ được dịch bệnh không bùng phát, đưa số lượng người lây nhiễm về 3 con số và giảm tỷ chết do dịch để không gây quá tải hệ thống y tế mới mong phát triển kinh tế. Điều quan trọng nhất lúc này nhà nước cần làm là phải sớm sản xuất được vaccine. Do vậy, Chính phủ cũng cần sự chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp, sự chia sẻ từ người lao động. Bộ ba nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cần thấu hiểu và chia sẻ để cùng vượt qua COVID.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, không thể hỗ trợ mang tính cào bằng mà cần ưu tiên hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp/ nhóm ngành mang tính dẫn dắt, có thể hồi phục và phát triển nhanh ngay sau đại dịch. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện đang có 2 xu hướng. Một là xu hướng cào bằng, cứ doanh nghiệp là hỗ trợ và hai là chấp nhận sự kêu ca của doanh nghiệp nhưng giúp đỡ có trọng tâm, trọng điểm. Xu hướng thứ 2 theo tính toán sẽ có hiệu quả nhanh hơn, tạo động lực lớn hơn trong việc khôi phục kinh tế nhưng không dễ nhận được sự đồng thuận.

Điển hình như việc Chính phủ hỗ trợ VNA, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, có những ý kiến cho rằng nhà nước nhất bên trọng nhất bên khinh. Tuy nhiên, đó chỉ là những quan điểm mang tính phiến diện, chưa nhận thức rõ bản chất của sự việc.

Trước tiên, để hỗ trợ ngành hàng không, Chính phủ đã thông qua việc giảm nguồn thu của ACV, giúp giảm phí hạ cất cánh, đỗ máy bay... cho tất cả các hãng hàng không. Còn với riêng VNA, nhà nước với tư cách là chủ doanh nghiệp, sở hữu 86% vốn thì việc hỗ trợ để VNA vượt qua dịch bệnh, để không mất vốn nhà nước là chính đáng. Bản thân các tập đoàn tư nhân như FLC sở hữu Bamboo hay Vietjet đều đã phải dồn lực từ các mảng khác để cứu hãng máy bay của họ, thì VNA tại sao lại không được?

Qua trường hợp VNA có thể thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng là cần thiết nhưng lại gặp rào cản trong sự đồng thuận của xã hội.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Chính phủ sẽ dựa vào những tiêu chí rất cụ thể như: Doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm, có thị trường tiêu thụ tốt; doanh nghiệp có hệ sinh thái lớn, giải quyết nhiều lao động và có tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp Chính phủ sẽ dựa vào những tiêu chí rất cụ thể như: Doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm, có thị trường tiêu thụ tốt; doanh nghiệp có hệ sinh thái lớn, giải quyết nhiều lao động và có tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.

Ở đây, Chính phủ không bàn tới hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI mà đặt vấn đề hiệu quả lên hàng đầu. Doanh nghiệp không có thị trường thì hỗ trợ sản xuất cũng không tạo ra dòng tiền, doanh nghiệp không có khả năng thích nghi với bối cảnh mới thì có hỗ trợ họ cũng sẽ chết do thị trường. Vì vậy, điều Chính phủ làm lúc này là chọn ra doanh nghiệp có công nghệ, sống sót được trong dịch và hậu dịch để ưu tiên và đó là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay doanh nghiệp phải đối mặt là dòng tiền và tình trạng thiếu lao động để phục hồi sản xuất. Việc di chuyển khó khăn giữa các địa phương sẽ làm giá nhân công, sản xuất tăng cao. Xin ông cho biết Chính phủ sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Do tình hình dịch bệnh khác nhau nên quy định về việc di chuyển, mở cửa giữa các tỉnh cũng có sự khác biệt. Ở thời điểm hiện tại doanh nghiệp buộc phải chấp nhận tình trạng này ít nhất tới cuối năm nay hoặc kéo dài tới giữa năm 2022 khi vaccine đạt được độ phủ cao trên cả nước.

Ai cũng muốn đi lại thông thoáng, không cần test COVID nhưng điều kiện của chúng ta chưa cho phép. Tổn thất về kinh tế hậu dịch sẽ là vô cùng lớn và chưa thể đong đếm hết, từ những chi phí trực tiếp cho việc test thử nghiệm tới hơn 40 triệu liều vaccine đã nhập khẩu, rồi những chi phí gián tiếp khi sản xuất đình trệ, doanh nghiệp mất thị trường, mất đơn hàng... nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo đầu tiên là chống được dịch.

Việc doanh nghiệp cần làm lúc này là thay đổi tư duy về quản trị doanh nghiệp, không thể cứ lấy mô hình sản xuất cũ, trước dịch để áp vào bình thường mới, rồi nghĩ cách để trở lại bằng được mô hình sản xuất như trước đây. Doanh nghiệp cũng phải đứng từ góc nhìn của Chính phủ, người lao động để đặt câu hỏi rằng, liệu "mở" tung cửa trở lại thì người lao động khi cũng chưa được tiêm đủ vaccine và với một mức lương vẫn thế thì họ có quay trở lại doanh nghiệp đang trong vùng dịch để lao đông?

Doanh nghiệp cần hiểu rằng, ở bối cảnh mới, phải có tư duy phù hợp, làm sao để từ nay tới tháng 6/2022, đảm bảo duy trì được sản xuất từ 30-50%, đáp ứng được các đơn hàng, giữ được thị trường kể cả lỗ như vậy mới mong sống sót qua đại dịch và phát triển sau đại dịch.

Thứ 7 này (ngày 2/10) Chính phủ sẽ họp bàn đưa giải pháp khôi phục nền kinh tế - đây là bước quan trọng trước tiên cần đi sau đó mới là phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền, có tiền để sản xuất kinh doanh. Vấn đề của Chính phủ là với nguồn lực hạn hẹp, làm sao để khôi phục kinh tế nhanh và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Theo đó, tiêu chí của doanh nghiệp 'được chọn' là có thị trường, sử dụng nhiều lao động, có tác động lan tỏa theo chuỗi và Chính phủ xác định đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp. Chính phủ sẽ thông qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư vào dây chuyền mới phù hợp với xu hướng chung hiện đại của thế giới, nâng cao tự động hoá, áp dụng số hoá, nâng cao hiệu quả.

Đây gọi là "đắm đò giặt mẹt", Chính phủ sẽ lựa chọn cách hỗ trợ thông minh hơn giai đoạn 2008 - 2009 là qua hệ thống ngân hàng. Doanh nghiệp muốn vay được ngân hàng, nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ phải chứng minh được hiệu quả hoạt động, có trách nhiệm trả nợ, đảm bảo nguyên tắc thị trường, có người giảm sát. Ngân hàng cũng sẽ không vì có sự hỗ trợ từ Chính phủ mà hạ chuẩn cho vay.

Hai phương án cơ bản đang được Chính phủ cân nhắc, một là phát hành trái phiếu dự án để thực hiện các dự án đầu tư công theo kế hoạch 5 năm đã phê duyệt, đẩy nhanh lên, huy động tiền. 2, 3 năm đầu bội chi ngân sách có thể tăng nhưng tới năm 2024 - 2025 sẽ giảm dần bội chi.

Phương án thứ 2 là tái cấp vốn cho các ngân hàng để họ nâng cao vốn. Khoản tái cấp vốn này dùng ưu tiên đầu tư cho vay các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện có thị trường, có đơn hàng, có tác động lan tỏa với tương đương mặt bằng khu vực Đông Nam Á để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy, việc chọn doanh nghiệp nào để hỗ trợ hoàn toàn do thị trường quyết định.

Xin cảm ơn ông


Theo N.Thoan

Nhà Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên