TS. Nguyễn Ngọc Anh: Cơ cấu DNNN không phải cứ đập hết xây lại là giải quyết vấn đề, cũng không thể lấy 1 viên thuốc chung bắt mọi người cùng uống
Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) nhận định sắp xếp lại DNNN là điều chắc chắn nhưng việc thoái vốn thì không phải là phương thức duy nhất.
- 20-09-2019Sai lầm của Malaysia trong vượt bẫy thu nhập trung bình và bài học cho Việt Nam qua lời kể của cựu Thứ trưởng Malaysia
- 19-09-2019TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tình trạng Việt Nam giống con nhộng lột xác có một nửa!
- 19-09-2019Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chưa nói đến hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng vượt "bẫy thu nhập trung bình" đã là thách thức không nhỏ!
Sẽ cổ phần hoá được 750 DNNN giai đoạn 2011 – 2020
Nhận định về kết quả của cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2011 – 2020, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết pháp luật cổ phần hoá đang ngày càng đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.
Ông ước tính sẽ có khoảng 750 DNNN sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp đa sở hữu thông qua cổ phần hoá trong giai đoạn này.
Giai đoạn từ 2016 – tháng 6/2019, đa có 177 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hoá, thoái vốn được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Và từ quỹ này đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng về ngân sách nhà nước, đạt 74% kế hoạch giao của Quốc hội cho giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết đến năm 2020, vẫn khó đạt được mục tiêu thu hút đầu tư xã hội. Theo đó, vốn nhà nước chưa thể rút hết để đầu tư vào lĩnh vực, ngành cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, DNNN.
"Vì vậy chúng ta chưa đạt được mục tiêu của tái cơ cấu là DNNN có cơ cấu hợp lý hơn", ông nói.
Phân tích thêm về kết quả nâng cao hiệu quả của DNNN giai đoạn 2011 – 2020, ông Trung cho biết DNNN tiếp tục là một bộ phận quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam dù chỉ còn chiếm 0,38% về số lượng.
Trong đó, tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển, nguồn thu cho ngân sách đảm bảo, hiệu suất sinh lời đạt mức khá so với mức bình quân của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ lệ DNNN thua lỗ có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân cả nước.
Tuy vậy, chuyên gia của CIEM cũng nhận định chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của nhóm doanh nghiệp này còn thấp, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết 12, rủi ro vay nợ vẫn lớn và năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.
Thoái vốn có là phương thức duy nhất?
Nhằm cơ cấu lại DNNN đến năm 2030, ông Trung cho biết cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với DNNN, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế và quản trị.
Thứ hai là tiếp tục cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại sở hữu, ngành nghề của DNNN.
Theo đó, DNNN tập trung vào 4 nhóm ngành, lĩnh vực theo Điều 10, Luật 69. Đến năm 2025, tiếp tục chuyển khoảng 90% của 103 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, chỉ nên giữ lại hình thức doanh nghiệp 100% vốn đối với một số đơn vị như các nhà xuất bản, Nhà máy in tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Bình luận về báo cáo của phía CIEM, ông Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cho rằng việc sắp xếp lại DNNN là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, khác với nhận định của nhiều chuyên gia, ông đặt ra câu hỏi liệu thoái vốn có phải là phương thức duy nhất.
Theo ông, tại các nước OECD, đã có sự phân chia rất rõ ràng về DNNN, trong đó, loại hình nào, lĩnh vực nào đóng vai trò độc quyền và cách thức quản lý.
"Tại Phần Lan có những công ty hoàn toàn là DNNN nhưng mục tiêu của nó nói trong luật định là chỉ tạo doanh số cho ngân sách. Tức lãi sẽ được đổ về ngân sách", ông nói.
Ở góc độ học thuật, ông Ngọc Anh cho rằng không phải cứ "đập đi xây lại" sẽ giải quyết được vấn đề.
DNNN ngoài việc được chia thành 2 nhóm: chiến lược – không chiến lược, thì còn một chiều nữa là nhóm nào đang kinh doanh hiệu quả, có lãi.
Như vậy, nếu với một DNNN đang chiến lược, có lãi thì có nên bán không. Ví dụ như Vinamilk – với vị trí của doanh nghiệp này thì bán đi để làm gì? - ông đặt câu hỏi.
Hay với các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu, ông Ngọc Anh cho biết đây là những ngành ảnh hưởng sức khoẻ với 1 đồng thu thuế thì phải bỏ ra 5 đồng để bảo vệ sức khoẻ. "Ở những nước phương Tây họ độc quyền luôn. Vấn đề là chúng ta đang muốn làm gì với những thứ chúng ta đang có, chứ không phải lấy 1 viên thuốc ra và bắt mọi người cùng uống", TS. Nguyễn Ngọc Anh nhận xét.