TS. Nguyễn Quốc Hùng: Xác thực sinh trắc học để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân
Từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân hợp lệ để không bị gián đoạn giao dịch thanh toán. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đây là quy định rất đúng, phù hợp với Luật Căn cước, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...
Đồng thời, hạn chế tối đa kẽ hở khiến kẻ gian có thể lợi dụng để gian lận, lừa đảo trong thanh toán thẻ và thanh toán trực tuyến.
Phóng viên: Ngành Ngân hàng đang quyết liệt triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, xin ông cho biết một số kết quả cụ thể đạt được?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Quá trình chuyển đổi số nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đã đem lại những hiệu quả hết sức to lớn nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu thống kê cho thấy, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 bình quân ngày là 26,2 triệu giao dịch với giá trị thanh toán trên 166.000 nghìn tỷ đồng, thanh toán QR tăng trưởng 200% về số lượng và và giá trị so với cuối năm 2023….
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng cũng đối diện với nhiều rủi ro và thách thức bởi tình trạng tấn công mạng, lộ lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản với thủ đoạn tinh vi, táo bạo. Theo Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận năm 2023 có khoảng 13.900 vụ tấn công mạng và gần 16.000 vụ lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN nhằm triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, hiện tượng lừa đảo gian lận chiếm đoạt trên tài khoản của khách hàng giảm đáng kể. Theo thông tin từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau khi triển khai theo Quyết định 2345 số vụ việc gian lận giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm, số tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận giảm 72%. Đến ngày 20/12/2024, ngành Ngân hàng đã có trên 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản trực tuyến, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học. Mục tiêu đặt ra là 100% tài khoản ngân hàng đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thanh toán.
Nhân đây tôi cũng lưu ý là sau khi hạn chế được gian lận thanh toán thông qua tài khoản định danh cá nhân nhờ xác thực sinh trắc học thì cũng ghi nhận xuất hiện hiện tượng gian lận, lừa đảo thông qua tài khoản của tổ chức, doanh nghiệp. Hiện tượng này đã được NHNN cảnh báo có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.
Phóng viên: Từ đầu năm 2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online. Để tránh cho các giao dịch của khách hàng bị gián đoạn, thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kêu gọi/hỗ trợ khách hàng sớm xác thực sinh trắc học, xin ông cho biết rõ hơn về điều này?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước thì từ 1/1/2025, giấy CMND hết hiệu lực sử dụng dù còn thời hạn, bởi vậy tất cả khách hàng đang giao dịch với ngân hàng bằng loại giấy tờ này đương nhiên phải xác thực thông tin bằng giấy tờ hợp pháp. Hơn nữa, để đảm bảo an toàn cho khách giao dịch trên môi trường điện tử, NHNN đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN, trong đó quy định, từ ngày 1/1/2025, khách hàng phải đối chiếu giấy tờ tùy thân khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản…. Tôi cho rằng, quy định của NHNN vừa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế tối đa kẽ hở mà kẻ gian có thể lợi dụng để gian lận, vừa phù hợp với Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), vì vậy các tổ chức tín dụng, khách hàng là cá nhân và tổ chức cần thực hiện nghiêm túc.
Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận khách hàng, chưa thực hiện được do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Để tránh xảy ra tình trạng sau ngày 1/1/2025 các giao dịch của khách hàng trên môi trường điện tử bị gián đoạn, tôi đề nghị các khách hàng khẩn trương liên hệ với ngân hàng đang giao dịch để hoàn thiện thủ tục hoặc hoàn thiện online trên trang web hoặc qua app của các TCTD. Trường hợp khách hàng đang công tác ở nước ngoài, chủ tài khoản cần chủ động liên hệ ngay với ngân hàng nơi mở tài khoản để ngân hàng có những giải pháp hỗ trợ xác thực phù hợp.
Các TCTD đã và đang rất tích cực liên hệ với chủ tài khoản chưa hoàn thiện thủ tục đối chiếu thông tin khớp đúng với sinh trắc học để hoàn thiện, đồng thời làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật để hỗ trợ các chủ tài khoản có thể hoàn thiện được thủ tục cập nhật trước ngày 1/1/2025. Tất cả nỗ lực của ngân hàng là nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và bảo đảm an toàn trong giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử do vậy rất cần sự chủ động, hợp tác, tinh thần trách nhiệm của người dân.
Phóng viên: Thông tư 18/2024/TT-NHNN có quy định rõ hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với thẻ tín dụng là 100 triệu đồng/tháng. Ông có thể giải thích lý do ban hành và ý nghĩa của các quy định này trong việc quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi người dùng thẻ?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Chúng ta đang nỗ lực hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, nghĩa là khuyến cáo, khuyến khích người dân hạn chế dùng tiền mặt. Chúng ta đã có thể thanh toán rất tiện lợi thông qua mã QR và nhiều hình thức thanh toán điện tử thì không lý gì cần phải rút nhiều tiền mặt. Quy định hạn mức rút tiền mặt tối đa đối với thẻ tín dụng là 100 triệu/tháng là phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện cho người dân thực hiện thanh toán bằng tiền mặt.
Hiện nay, thanh toán bằng tiền mặt thường chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu, nhỏ lẻ, nên có thể khẳng định hạn mức 100 triệu đồng/tháng là quy định mà cơ quan quản lý đang rất chia sẻ với người dân. Thực tế cho thấy, kể cả đối với học sinh, sinh viên việc thanh toán và chuyển tiền qua mã QR rất thuận tiện, thẻ tín dụng quẹt cũng rất tiện lợi, nhanh chóng, các TCTD có đầy đủ dịch vụ thanh toán điện tử, POS ở mọi nơi, mọi lúc, địa điểm nào cũng thanh toán được. Vậy thì không có lý do gì phải sử dụng nhiều tiền mặt.
Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng rất hạn chế trong việc rút tiền mặt thông qua thẻ tín dụng nhằm đảm bảo người dân chi tiêu đúng mục đích và có kiểm soát. Tôi cho rằng, quy định hạn mức rút tiền mặt tối đa với thẻ tín dụng/tháng trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, vì cũng nhằm giúp cho người dân có thể chi tiêu một cách tiết kiệm và đúng mục đích.
Phóng viên: Điều 17, Thông tư 18/2024/TT-NHNN đề cập tới việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ đòi hỏi các tổ chức phát hành thẻ cần thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo tuân thủ. Qua thực tế triển khai, các ngân hàng gặp đang gặp phải khó khăn gì?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, việc đầu tiên, các ngân hàng phải làm là nâng cấp hệ thống, đảm bảo bảo mật, 1 lớp, 2 lớp và nhiều lớp. Có thể nói, các ngân hàng đã đầu tư rất nhiều tiền của vào việc nâng cao hệ thống bảo mật, đảm bảo tuân thủ quy trình theo quy định mới, hạn chế tối đa rủi ro lỗi về thanh toán trong hệ thống.
Đồng thời với đó là việc tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, người dân ở các vùng sâu vùng xa hiểu được các quy định và có ý thức tuân thủ.
Các ngân hàng còn thường xuyên khuyến cáo người dân phải bảo mật thông tin, thông qua nhiều hình thức như: đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, website của ngân hàng, App ngân hàng, hotline 24/7, tin nhắn….
Theo tôi, việc khó khăn nhất hiện nay đối với các ngân hàng là không thể kiểm soát được việc tự bảo vệ thông tin của khách hàng. Thống kê từ những vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua cho thấy, tất cả thông tin kẻ gian khai thác được là do chủ tài khoản tự cung cấp và tự thực hiện giao dịch trên tài khoản của mình.
Như vậy có thể thấy, dù cho ngân hàng có chủ động trong nâng cấp an toàn bảo mật hệ thống bao nhiêu thì rủi ro vẫn có thể xảy ra do vấn đề còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chính chủ tài khoản.
Tôi cho rằng, người dân cần ý thức việc bảo mật dữ liệu cá nhân của mình. Không được cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho bất cứ đối tượng nào, nhất là qua điện thoại, Zalo, Facebook và các mạng xã hội. Cần xác định thông tin của mình là thông tin bí mật, mình chỉ có trách nhiệm cung cấp khi thấy đảm bảo an toàn.
Qua đây, tôi đề nghị tất cả người dân khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, trước khi thực hiện các thao tác qua các đường link, điện thoại, Zalo, Facebook… thì cần chủ động liên hệ trực tiếp với các ngân hàng phục vụ mình. Tuyệt đối không nghe theo hay cung cấp thông tin của mình để kẻ gian lợi dụng và lừa đảo
Về phía các TCTD tôi đề nghị cần phối hợp với các chính quyền địa phương các cấp phường, xã, thôn xóm... thường xuyên và liên tục thông báo các thông tin cảnh báo đến người dân, kể cả những nội dung liên quan đến việc cập nhật dữ liệu cá nhân trên căn cước, xác thực sinh trắc học trước trong và sau ngày 1/1/2025...
Hiệp hội Ngân hàng sẽ có văn bản gửi các tổ chức hội viên để yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động thực hiện công tác phối hợp; cũng như gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố đề nghị chính quyền các cấp tuyên truyền phổ biến chủ trương của Luật, của ngành Ngân hàng để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại, đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản của ngân hàng nói riêng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nói chung.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thị trường tài chính tiền tệ