TS Nguyễn Sĩ Dũng: Các địa phương áp dụng mô hình 'Zero COVID-19' quá dài
TS. Nguyễn Sĩ Dũng tại buổi toạ đàm
"Việc các địa phương áp đặt mô hình 'Zero COVID-19' trong thời gian quá dài là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề", TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra nhận định trên tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội sáng 27/9.
Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Chủ trì toạ đàm là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Chúng ta đã áp đặt mô hình 'Zero COVID-19' quá dài. Phong tỏa cứng đất nước chỉ có thể kéo dài trong 7 ngày, nhiều nhất là 10 ngày, không thể phong tỏa cả nửa năm trời". Theo ông Dũng, điều may mắn là Chính phủ đã bắt đầu nói về việc chuyển đổi mô hình chống dịch.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, các địa phương vẫn rất khác nhau về mô hình chống dịch, và ở đây lại xuất hiện “vòng kim cô” rất lớn. Do áp đặt để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, dẫn đến các giải pháp cực đoan, gây đổ vỡ hết chuỗi cung ứng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu chuyển đổi mô hình, phải mở chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì hàng triệu người sống dựa vào đó, không chỉ là người mua, mà cả người bán. Cũng theo ông Dũng, nếu không có chính sách thu hút lao động quay trở lại các thành phố, thì nguy cơ thiếu hụt lao động rất lớn, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai.
“Bây giờ một loạt chính sách tạo ra những khoản tô (lợi nhuận) khổng lồ. Ví dụ, TPHCM khóa cứng hết, không cho chợ truyền thống, không cho chợ dân sinh, không cho chợ đầu mối hoạt động. Chỉ cho mỗi siêu thị, như vậy, những khoản lợi nhuận siêu thị nhận được lớn như thế nào. Đó là những khoản tô theo chính sách chúng ta đề ra”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng kiến nghị Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị quốc gia. Quốc hội họp mỗi năm hai lần, nhưng có những chính sách cần điều chỉnh gấp. Đặc biệt, các Uỷ ban của Quốc hội cần tích cực tiến hành các phiên giải trình: Chuyển đối cách thức phòng, chống dịch bệnh thì chuyển đổi như thế nào? Tiêm vắc-xin ra sao? “Qua giải trình, các chính sách mới mạch lạc, minh bạch được. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương
Bị động chuyển đổi trạng thái
Đề cập đến vấn đề đứt gẫy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cùng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, nguyên nhân chung do quan điểm chống dịch lấy phòng hơn chống mà bị động chuyển đổi trạng thái không kịp thời, bị động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng chưa đúng thời điểm, thực hiện chưa thống nhất từ Trung ương tới địa phương, và giữa các địa phương với nhau.
“Dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái phòng bệnh sang chữa bệnh” - Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hiến kế giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, PGS.TS. Phạm Hồng Chương và các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. Theo kinh nghiệm của các nước phương Tây và Mỹ, họ chấp nhận đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng ngay từ đầu, tự sinh kháng thể, hoặc chủ động tiêm vắc-xin để sinh kháng thể để đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.
Qua đó, họ chỉ cần chuyển đổi hệ thống y tế sang chữa bệnh cho số bị nhiễm mà không đủ sức khỏe phục hồi và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Đối với các nước đó, họ đã đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu để giải quyết đại dịch nên có thể nói họ chọn giải pháp ít tốn kém nhất có thể. Trong khi đó, quan điểm tiếp cận chống dịch ở nước ta lấy phòng bệnh, dồn mọi nguồn lực cho khoanh vùng, cách ly, giãn cách… và đang chuyển sang tình trạng miễn dịch cộng đồng mới là rất tốn kém.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, cần đẩy nhanh tiêm vắc-xin đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hoạt động trở lại khi đủ điều kiện. Đồng thời cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.
“Dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái phòng bệnh sang chữa bệnh”, nhóm nghiên cứu nêu.
Cùng với đó, cần kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính làm đứt gẫy chuỗi cung ứng từ Trung ương tới địa phương, không xử lý vội vàng không tuân theo quy luật kinh tế thị trường gây mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo tính liên thông liên vùng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành lưu ý, các gói hỗ trợ phải đảm bảo vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới. “Chính phủ, Quốc hội đưa ra Nghị quyết cần cố gắng đưa ra giải pháp luôn”, ông Thành kiến nghị, đồng thời đặc biệt lưu ý đến vấn đề đầu tư công, cải cách thể chế, và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Tiền Phong