TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tình trạng Việt Nam giống con nhộng lột xác có một nửa!
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đã chỉ ra một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam trong phiên thảo luận về thể chế tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển 2019. Ở đó, ông đã thẳng thắn khi nhận xét rằng Việt Nam đã có nhiều sự lẫn lộn về tiêu chuẩn, vận hành...
- 19-09-2019Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chưa nói đến hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng vượt "bẫy thu nhập trung bình" đã là thách thức không nhỏ!
- 19-09-2019Việt Nam "xếp thứ 8 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư": Chuyên gia nói gì?
- 18-09-2019TS. Vũ Thành Tự Anh: Tư duy của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi là kiểu nhà nước phụ mẫu
Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, bộ máy Nhà nước của Việt Nam đang đối diện với 4 vấn đề, gồm: một hệ thống có hai tiêu chuẩn, phương thức vận hành chưa rõ theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay điều chỉnh, không phân định hành pháp chính trị và hành chính công vụ, phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp.
Đối với vấn đề thứ nhất, ông Dũng cho biết trong quá trình cải cách từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ông nhấn mạnh về chính trị, Việt Nam đã có khá nhiều cải cách so với Trung Quốc.
Theo Hiến pháp, Việt Nam quy định quyền lập pháp giao về Quốc hội, hành pháp giao về Chính phủ và tư pháp giao cho Toà án. Các cơ quan này cũng phải kiểm soát lẫn nhau.
"Đó là hệ quy chuẩn rất mới", ông Dũng nói. Tuy nhiên, theo ông, về cơ bản Việt Nam vẫn nằm trong hệ chuẩn Xô Viết.
"Những chiếc xe cũ của Xô Viết vẫn vận hành. Như vậy, bộ máy của Việt Nam khác Trung Quốc ở chỗ là một nửa theo hệ chuẩn nhà nước pháp quyền của các nước phát triển, một nửa theo hệ chuẩn Xô Viết", ông nhận định.
Điều này khiến ông ví von rằng tình trạng của Việt Nam giống "con nhộng lột xác có một nửa", và những thiết chế lẫn lộn này tạo ra những quy trình tốn kém.
Như vậy, ông Dũng cho biết điều quan trọng là phải chọn một hệ chuẩn và vận hành, sắp xếp bộ máy theo sự lựa chọn đó. "Chúng ta đã lột xác được một nửa thì nên lột xác tiếp hơn là đắp lại lớp vỏ cũ", TS. Dũng nói.
Vấn đề thứ hai là từ năm 1986, sau khi bỏ nhà nước kế hoạch hóa, Việt Nam nên vận hành theo hệ chuẩn nào, nguyên tắc nào?
Theo ông, có hai mô hình là nhà nước điều chỉnh và nhà nước kiến tạo phát triển.
Thời gian vừa qua, Việt Nam nói nhiều về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như mô hình của Nhật, Hàn, Singapore…
Dù vậy, về hành xử, ông Dũng cho rằng Việt Nam đang làm theo mô hình nhà nước điều chỉnh kiểu Anh, Mỹ và ngày càng thể hiện rõ điều này.
"Vậy mô hình nào sẽ hơn?", ông đặt câu hỏi và cho biết nếu chọn lựa mô hình nhà nước điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì văn hóa của Việt Nam khác.
Do vậy, sự lựa chọn tốt hơn nên là nhà nước kiến tạo vì nó có tính ở giữa, tương thích với tiến trình của Việt Nam.
Theo ông, ở mô hình này, vai trò của nhà nước trong hoạch định chính sách rất quan trọng chứ không phải thị trường. "Trung Quốc đã theo mô hình kiến tạo và phát triển như vũ bão", ông nói.
"Ta nói theo mô hình kiến tạo mà lại hành xử theo mô hình điều chỉnh, đó là vấn đề rất lớn. Tôi kiến nghị hãy theo mô hình của Nhật, Hàn. Văn hóa Đông Bắc Á là nền tảng để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công", ông nói.
Cuối cùng là vấn đề phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp. Ông Dũng cho biết Hiến pháp quy định phải phân quyền cho chính quyền địa phương nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì lặp lại mô hình Xô viết.
Điều này được ông ví von "như con búp bê Nga, chồng lấn chức năng giữa các cấp, không rõ cấp nào làm cái gì"
Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông là một ví dụ khi không rõ cấp nào phản ứng, ông cho biết.
Phải phân cấp cho chính quyền địa phương, hãy để cho địa phương xác lập. Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thấy rõ sự lãng phí. Địa phương muốn xin dự án thì phải lên Trung ương, nhưng trình 10 dự án thì may ra được 1 – 2. "Địa phương tốn kém lập dự án, Trung ương tốn kém duyệt dự án. Phân quyền cho địa phương thì đất nước thịnh vượng nhanh hơn nhiều", ông nói.
Theo đó, ông kiến nghị sử dụng mô hình bổ trợ, nghĩa là cấp dưới làm được gì thì cho cấp dưới làm, không làm được mới chuyển lên cấp trên. Điều này sẽ giúp các quy trình rõ ràng, mạch lạc và tiến đến thịnh vượng hơn.