MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng đen đang tấn công hệ thống ngân hàng!

11-04-2019 - 16:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế quý I của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất ngân hàng ở Việt Nam đang ở mức cao nhưng để giảm được là vô cùng khó.

TS Nguyễn Trí Hiếu lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2019: "Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tốt trong sự ổn định. Lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức dưới 4%. Hệ thống ngân hàng không bị xáo trộn, khủng hoảng nhưng lãi suất còn cao. Chính phủ mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng đó là vấn đề khó, liên quan đến nợ xấu". 

Ông Nguyễn Trí Hiếu hiện đang là cố vấn cấp cao của hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phân Quốc dân. Thường xuyên tiếp xúc với tín dụng, ông chia sẻ rất lo lắng về vấn đề tín dụng đen. 

Tín dụng đen giờ đây không chỉ là nguồn vốn tín dụng có tác động đến những người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết hay vùng sâu vùng xa nghèo khó. Gần đây, tín dụng đen đã có hiện tượng tấn công hệ thống ngân hàng. 

Tiến sĩ cho biết chính ông cũng ngạc nhiên về hiện tượng này. Trong nhiều ngày gần đây, đã có thông tin về một nhóm người gửi tiền vào ngân hàng, sử dụng sổ tiết kiệm của ngân hàng để thế chấp cho một bên thứ ba. Điều này không bình thường ở chỗ: sau khi bên thứ ba đã vay tiền, nhóm người này dùng những xảo thuật để chối bỏ trách nhiệm thế chấp tiền gửi đó cho ngân hàng bằng nhiều cách. Một số cán bộ ngân hàng vì lòng tin đã lơ là chủ quan, khiến nhóm người này đòi lại khoản tiền đó từ ngân hàng. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định: vốn tín dụng đen có thể là nguồn vốn trong nước, cũng có thể là nguồn vốn từ ngoài vào. Họ dùng những nguồn vốn đó để cho vay, thu về từ 4 đến 7 lần trên vốn đã bỏ ra, và dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. 

Tín dụng đen bây giờ không chỉ là việc vay nóng với lãi suất cao. Cả hệ thống chính trị, kinh tế, ngân hàng cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt nam gây ra khủng hoảng này.

Về vấn đề lãi suất, với mức lạm phát gần 4%, các ngân hàng đang cho vay kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất khoảng 8% và khó có thể giảm được. Nhưng ngoài vấn đề chi phí và lạm phát đang đẩy lãi suất lên, thì nợ xấu cũng là một vấn đề vô cùng đáng lo ngại. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn, chừng nào nợ xấu còn thì ngân hàng vẫn phải "nuôi nợ xấu".

Ngân hàng đang phải nuôi những "tài sản không sinh lời". Tài sản đó có thể gây ra khủng hoảng lớn: "Nếu tôi có 100 đồng nợ và phải trả 8 đồng cho 100 đồng đó mà lại không sinh lợi. Đáng lẽ phải sinh lợi ra 10 đồng để lãi 2 đồng vả trả 8 đồng phí. Nhưng nợ xấu thì không có lãi và thiệt 8 đồng, đó là những tài sản xấu. Sổ sách rất đẹp nhưng dòng tiền thực thì không có!" - TS Nguyễn Trí Hiếu giải thích.

Chuyên gia này cũng cho rằng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm tính thanh khoản của ngân hàng và góp phần làm tăng lãi suất lên để thu hút tiền gửi nuôi ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt "sinh tồn", tăng dự trữ bắt buộc sẽ giúp ngân hàng duy trì sự sống, gửi tiền vào trong ngân hàng trung ương và lúc khó khăn thì rút ra. 

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên