MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vừa siết tín dụng công ty tài chính lại vừa muốn đẩy lùi tín dụng đen là mâu thuẫn

03-04-2019 - 10:07 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái sửa đổi thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt song còn nhiều điểm chưa hợp lý khi hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các công ty tài chính. Muốn diệt trừ "tín dụng đen", phải để các công ty tài chính có một môi trường cho vay tiêu dùng một cách tốt nhất. Vừa muốn khống chế "tín dụng đen", lại vừa khống chế hoạt động cho vay của các công ty tài chính thì hai điều này rõ ràng là mâu thuẫn với nhau.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Đến nay, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản hồi. Có những ý kiến cho rằng sửa đổi thông tư là hợp lý, là tất yếu nhằm kiểm soát rủi ro cho hệ thống, cho bản thân các công ty tài chính và cho khách hàng. Có ý kiến lại cho rằng việc sửa đổi có điểm còn chưa hợp lý, ví dụ như quy định chỉ cho vay các khách hàng đã và đang có dư nợ. Có những ý kiến lại nói rằng việc thay đổi là quá nặng nề với các công ty tài chính, hoặc có ý kiến lại cho rằng đi ngược với chủ trương đẩy lùi tín dụng đen.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải ý kiến đóng góp của chuyên gia tài chính ngân hàng T.S Nguyễn Trí Hiếu về dự thảo sửa đổi thông tư này.

-----------

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng. Trong dự thảo có một số điểm sửa đổi đáng lưu ý:

Thứ nhất, yêu cầu công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Thứ hai, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Trước tiên phải khẳng định, động thái sửa đổi thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt, trong dự thảo cũng có rất nhiều điểm tiến bộ, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của NHNN đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính nói riêng. Xét ở góc độ mục đích sửa đổi Thông tư, những điểm mới trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho công ty tài chính đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.

Tuy nhiên, dù những điểm này được đề xuất nhằm mục đích tốt nhưng lại không hợp lý. Một người đến vay công ty tài chính, dù họ vay để chi trả tiền bệnh phí, tiền đi du lịch hay là chuyển tiền cho con đi học, mua một cái xe máy, điện thoại… thì trong bất cứ trường hợp nào, các công ty tài chính cũng đã xét đến chuyện người đó có khả năng trả nợ hay không.

Như vậy, các công ty tài chính đã xét khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi công ty tài chính thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy rằng người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì tại sao phải khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của mình không thể quá 30% cho giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt.

Nền kinh tế đang cần sự "chống đỡ" từ sự phát triển của tiêu dùng

Việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng có những tác động không nhỏ đến thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thứ nhất, việc hạn chế tiền mặt như dự thảo sẽ khiến giảm lượng tiền mặt trong nền kinh tế.

Mặt khác, chúng ta biết rằng trong một nền kinh tế, GDP chịu tác động tích cực bởi chỉ số tiêu dùng. Nếu cho vay tiêu dùng phát triển, sẽ hỗ trợ vấn đề phát triển nền kinh tế. Vì vậy, nếu hạn chế vấn đề cho vay, giải ngân bằng tiền mặt sẽ giảm tín dụng tiêu dùng.

Có thể lý giải rõ hơn về câu chuyện này như sau: Hạn chế tiền mặt sẽ không hỗ trợ tín dụng tiêu dùng trong khi đó nền kinh tế Việt Nam đang cần sự "chống đỡ" từ sự phát triển của tiêu dùng. Thực tế, có rất nhiều món tiêu dùng mà mình có thể giải ngân trực tiếp cho người cung cấp sản phẩm, chẳng hạn đi mua một chiếc điện thoại di động, công ty tài chính sẵn sàng cho vay 10 triệu thay vì đưa tiền trực tiếp cho khách hàng. Nhưng một số chi phí mà người dân có nhu cầu tiêu dùng như đi du lịch, phải trả tiền khách sạn, tiền ăn phở, tiền làm đẹp… thì công ty tài chính phải giải ngân tiền mặt. Như vậy, một số nhu cầu về tiêu dùng phải để cho khách hàng tùy chọn cách sử dụng. Họ có thể thích dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc bằng tiền mặt. Và đó là quyền lựa chọn của khách hàng.

Chọn giải ngân trực tiếp hay dùng qua thẻ là sự lựa chọn của khách hàng nên nếu giới hạn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính sẽ không hợp lý.

Ngoài những tác động như trên, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu "tín dụng đen" thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay có điều kiện cần một số tiền để tổ chức một bữa tiệc liên hoan hoặc trả tiền bệnh phí… trong khi tổ chức tín dụng, công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy tệp khách hàng này vào trường hợp đi vay "tín dụng đen" để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết "tín dụng đen" nếu chúng ta có trần khống chế 30%.

Như vậy, chúng ta đang nói tới bài toán làm sao giải quyết "tín dụng đen" nhưng nếu bây giờ, chúng ta chỉ vì nền kinh tế phi tiền mặt mà hạn chế giải ngân tiền mặt thì vấn đề "tín dụng đen" sẽ không được giải quyết. Do vậy, về mặt này dự thảo cũng cho thấy không hợp lý.

Hãy để cho các tổ chức tín dụng họ tự quyết định việc cho vay bằng tiền mặt

Cách mà NHNN muốn các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính quản lý việc sử dụng tiền là tốt, hợp lý. Các công ty tài chính phải có trách nhiệm quản lý được mục đích sử dụng tiền. Thế nhưng, có một số mục đích sử dụng tiền phải tin tưởng ở khách hàng.

Ví dụ như họ đi du lịch thì phải tin tưởng giao cho họ một số tiền khoảng 50 - 60 triệu đồng để họ đi du lịch, nếu mà họ có khả năng trả nợ. Nếu để rút 50 triệu tiền tiết kiệm ra từ cuốn sổ 100 triệu đồng mà bị phạt, mất thời gian, mất tiền lãi thì hãy để họ vay tiêu dùng bằng tiền mặt. Nếu để mức trần khống chế, khách hàng không thể tiếp cận được tiền.

Điều này là hết sức bất hợp lý nên hãy để các tổ chức tín dụng xem xét tới khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu NHNN không quản được thì hãy để tổ chức tín dụng làm vì điều này liên quan tới quyền lợi của họ.

Như đã phân tích, hãy để cho các tổ chức tín dụng họ tự quyết định việc cho vay bằng tiền mặt theo đúng cơ chế thị trường. Nếu bây giờ họ có toàn bộ khách hàng là những khách hàng đều có khả năng và giả sử như tất cả các khách hàng đều muốn vay bằng tiền mặt để đi du lịch hoặc là chữa bệnh thì tại sao không để cho họ rút tiền mặt? Tại sao phải khống chế ở mức dưới 30%?

Dù dự thảo đưa ra các điểm nhằm hạn chế rủi ro và kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng nhưng khi bước vào nền kinh tế thị trường, ngân hàng nên để cho tổ chức tín dụng tự điều chỉnh và quyết định. Bởi họ mới chính là người trực tiếp chịu rủi ro nếu không xét tới nhu cầu, khả năng trả nợ của khách hàng.

Tóm lại, những quy định mà NHNN bổ sung vào dự thảo Thông tư lần này, mục tiêu là để hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, cách tốt nhất để vừa thúc đẩy hoạt động cho vay thuận lợi, vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa nợ xấu thì bản thân các công ty tài chính phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và tuân thủ tuyệt đối chính sách đó. Thứ hai là phải tuân thủ luật pháp, trên cơ sở hiểu được các nhu cầu người dân, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đó.

Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phải khuyến khích các công ty tài chính như mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét đơn một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các doanh nghiệp./.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên