MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Bắc Hải: Người Việt kém tiếng Anh vì không dũng cảm bằng trẻ con?

26-12-2018 - 13:59 PM | Sống

Hai thằng cháu tôi, khi sang Úc, một chữ Tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Chúng dùng tiếng Anh – Việt lẫn lộn: Gọi cái lược nhỏ là "baby lược", đi qua cầu vượt là "đi qua cái cao bridge"…

 Tiếng Úc đặc sệt, nước mắm và tiếng Việt giọng Hải phòng

Thời buổi đất nước Việt Nam mở cửa, ra ngõ là gặp các trung tâm luyện tiếng Anh , luyện nói, luyện ngữ pháp, luyện thi cấp tốc lấy chứng chỉ TOEFL hay IELTS. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân và gia đình, tôi thấy có lẽ không có cách nào học tiếng Anh hiệu quả bằng cách của… trẻ con tập nói.

Hai thằng cháu nội của tôi sinh ra ở Sài Gòn, qua Adelaide khi 3 và 5 tuổi, khi ấy chỉ nói được tiếng Việt chứ tiếng Anh thì một chữ bẻ đôi cũng không có.

Đi nhà trẻ thì dĩ nhiên chả có ai nói tiếng Việt nên chỉ ít bữa đã thấy chúng bắt đầu pha trộn tiếng Anh-Việt tùm lum. Chúng gọi cái lược nhỏ là "baby lược", gọi đi qua cầu vượt là "đi qua cái cao bridge" là đi qua dưới chân cây cầu vượt…

Tôi xem một phóng sự truyền hình ở Việt Nam, người ta gọi những đứa trẻ nói lẫn tiếng Anh – Việt này là ‘rối loạn ngôn ngữ". Sai hết cả.

Bọn trẻ chỉ rụt rè không bắt chuyện khi gặp người lớn lạ mặt, chứ chả bao giờ không bắt chuyện vì sợ… nói sai. Bạn thấy đấy, ngay cả khi còn ngọng líu ngọng lô, chúng vẫn có thể nói luôn mồm.

Và điều kỳ diệu xảy ra với cháu tôi chỉ sau có vài tháng nói pha trộm tùm lum thế: Chúng đã nói tiếng Anh giọng Úc đặc sệt chả khác gì tụi nhỏ cùng lớp.

Tôi lẩn thẩn nghĩ, giá mà khi học ngoại ngữ, người lớn chúng ta cứ biến thành trẻ con hết, cứ bắt chước trẻ con và dũng cảm như trẻ con, thì chắc là sẽ học rất nhanh, rất hiệu quả.

"Học sinh được học tiếng Anh từ rất sớm, có những địa phương đưa vào từ chương trình lớp 2 và học xuyên suốt 11 năm cho đến khi ĐH, CĐ. Tuy nhiên sau thời gian dài hiệu quả thu lại không đáng kể, nhiều học sinh, SV không nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh hoặc nói sai ngữ pháp, phát âm không chuẩn, đặc biệt khả năng nghe rất kém".

(Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Chấn, Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Thủ Dầu Một)

Có lẽ vì thấy trẻ nhỏ vừa chơi vừa học ngôn ngữ dễ dàng nên nhiều bậc cha mẹ ở các đô thị Việt Nam đang cố gắng cho con trẻ đi học tiếng Anh từ nhỏ.

Ngay cả nếu như không có đủ điều kiện cho con vào học các trường quốc tế thì các phương tiện nghe nhìn, các chương trình hát, múa, hoạt hình bằng tiếng Anh cho trẻ con bây giờ cũng không còn hiếm hoi như ngày xưa. Đặc biệt, Trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi.

Tuy nhiên, cần chọn những trung tâm dạy trẻ đến với tiếng Anh tự nhiên nhất, nhiều môi trường nói tiếng Anh nhất, dạy tiếng Anh giống ngôn ngữ thứ 2 – "nội ngữ" chứ không phải "ngoại ngữ", nơi trẻ vừa chơi vừa học, thoải mái vui vẻ, chứ không bị gò ép bởi bệnh thành tích, bởi điểm số, không đặt mục tiêu mấy tháng phải đạt chứng chỉ này, điểm số nọ.

Đôi khi tôi nghe có bậc phụ huynh e ngại là trẻ nhỏ còn chưa rành rẽ tiếng mẹ đẻ, liệu cho học tiếng Anh ngay có bị ảnh hưởng không tốt?

Quả thật 2 thằng cháu nội của tôi vẫn nghe và hiểu được lời người lớn nói tiếng Việt, nhưng chúng hầu như chỉ trả lời chúng tôi bằng tiếng Anh, và nói chuyện với nhau cũng toàn bằng tiếng Anh.

Cha mẹ, ông bà tìm cách kháng cự lại nhưng tình thế tiếng Anh áp đảo tiếng Việt, nên dường như khó cứu vãn vì ai cũng đi làm cả tuần, có ít thời gian dành cho tiếng Việt của trẻ nhỏ.

TS Trần Bắc Hải: Người Việt kém tiếng Anh vì không dũng cảm bằng trẻ con? - Ảnh 2.

Ở nhà ông bà Tiệm bạn đồng hương Hải Phòng thì tình thế lại khác hẳn. Anh chàng con rể là người Úc, nhưng ông bà đều đã nghỉ hưu, lại mua nhà ở ngay gần các con để săn sóc tụi nhỏ.

Kết quả là tụi nhỏ rất dễ thương, bề ngoài thì tóc nâu da trắng như Tây, ở trường thì nói tiếng Anh đặc sệt, nhưng về nhà thì đều thích nước mắm và có thể tiếp chuyện khách khứa của ông bà bằng tiếng Việt giọng… Hải Phòng.

Một gia đình khác là cô N. qua du học rồi sanh con ngay ở Adelaide. Vừa đi học vừa nuôi con, cháu bé gửi nhà trẻ nên nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, không nói được tiếng Việt.

Hai mẹ con trở về Hà Nội khi cháu 4 tuổi, sau một thời gian thì cháu cũng nói được tiếng Việt như mọi trẻ Việt, nhưng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai, là cái vốn cho cháu sau này dễ dàng trở thành một công dân toàn cầu.

Nghe nói trước; đọc viết, ngữ pháp sau

Trở lại việc người lớn học tiếng Anh hay một thứ tiếng nước ngoài nào khác. Khi tôi đi học cách đây mấy chục năm đã được các bậc tiền bối truyền lại khá nhiều kinh nghiệm khác nhau.

Nào là chép mỗi ngày ra giấy một số từ nào đó, bỏ túi, lúc nào rảnh là lấy ra học. Nào là phân tích ngữ pháp chỗ nào giống, chỗ nào khác tiếng mẹ đẻ. Thậm chí khi đi ngủ cũng cứ để radio nói tiếng ngoại ngữ… cho nó thấm vào cả các giấc mơ.

Trong chương trình dạy ngoại ngữ hồi ấy mỗi bài học mới đều bắt đầu bằng một bài khóa (text), sau đó là danh sách các từ mới và từ tiếng Việt tương đương. Tiếp theo là phân tích các cấu trúc ngữ pháp mới trong bài. Phần then chốt là người học sẽ phải dịch bài khóa sang tiếng Việt. Cuối cùng rồi mới đến tiết mục giáo viên đặt một số câu hỏi và học viên phải trả lời bằng ngôn ngữ đang học.

Có lẽ chương trình ấy lạc hậu từ lâu rồi. Tôi không phải là chuyên gia dạy tiếng Anh, nhưng thiển nghĩ rằng cách thức trẻ nhỏ học ngôn ngữ có thể gợi ý cho người lớn chúng ta những phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả hơn.

Trước hết, khi trẻ con học ngôn ngữ, chúng học nghe hiểu và nói ra được điều muốn nói, rồi sau mới tiến đến học đọc, học viết. Khi đọc và viết bằng tiếng Anh, phần nhiều người Việt chúng ta vẫn phải dịch ra giấy hay dịch thầm ra tiếng Việt.

Dĩ nhiên việc dịch sang tiếng mẹ đẻ là quan trọng trong một số hoàn cảnh, yêu cầu nghề nghiệp nào đó, nhưng nếu đặt yêu cầu đọc và viết trước nghe và nói thì người học sẽ định hình suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới chuyển ngữ trở lại tiếng Anh. Kết quả là tiếng Anh sẽ cứ là "ngoại ngữ", không thể trở thành "nội ngữ" như bạn mong muốn.

Khi đối thoại, chúng ta bắt buộc phải dùng tiếng Anh một cách trực tiếp, hạn chế việc chuyển ngữ trở lại tiếng Việt trong suy nghĩ, và có lẽ đó chính là cách hiệu quả nhất để biến "ngoại ngữ" thành "nội ngữ".

Thu mình và sợ sai: Mãi mãi không hòa nhập được với người bản xứ

Một điều nữa rất quan trọng chúng ta có thể học từ trẻ nhỏ là: Chúng học ngôn ngữ như phản ứng tự nhiên với môi trường, học thông qua chính những sai lầm của mình. Như vậy chúng không sợ sai.

Người lớn chúng ta thường câu nệ trật tự, khuôn phép, sợ mình nói không hay, sợ mình nói những lời không chuẩn về phát âm hay ngữ pháp. Khắc phục nỗi sợ hãi này khó lắm.

Người Việt khi mới di cư qua Úc, nếu không phải là sinh viên du học thì đều được chính phủ Úc tài trợ đi học tiếng Anh mấy trăm giờ miễn phí.

Học với thầy bản ngữ, sống trong môi trường bản ngữ, nhưng các bác lớn tuổi thường sợ nói nên ít chủ động bắt chuyện với Tây. Sắm được cái TV thì chỉ thích coi chương trình bằng tiếng Việt, xem phim bộ bằng tiếng Việt.

Vì rằng tự đáy lòng đã lười nghe, lười nghĩ bằng tiếng Anh, lười luôn việc quan tâm đến những gì xa xa một chút khỏi gia đình riêng, khỏi môi trường hạn hẹp của mình nên kết quả là đa số các bác lớn tuổi có cuộc sống và sự nghiệp ổn định trong phạm vi đồng hương với nhau, rất ít người hội nhập được vào cuộc sống văn hóa, chính trị của đất nước mình đang sống.

Trẻ nhỏ học ngôn ngữ để vào đời. Ngôn ngữ chính là cuộc sống. Người lớn chúng ta trước khi học tiếng Anh thì đã có một cuộc đời dài bằng tiếng Việt rồi, tuy khó khăn nhưng muốn học tiếng Anh thì rất nên coi mình cũng là người trong cuộc của cuộc sống tiếng Anh, văn hóa tiếng Anh. Thái độ này sẽ quyết định phương pháp.

Thái độ "cực đoan" của bà xã và nỗi sợ của một GS giỏi tiếng Anh

Khi mới qua Úc vợ tôi đã ngoài 40 rồi mới thực sự đi học tiếng Anh. Những năm đầu, bà ấy cực đoan đến mức hoàn toàn "tắt đài" tiếng Việt, chỉ đọc báo, coi TV về thời sự và cuộc sống nơi mình đang sống.

Không có tiền mua báo hàng ngày thì nhặt ba cái tạp chí phổ thông người ta đọc xong để lại ở những chỗ công cộng cho những người khác muốn "giết thời gian".

Loại tạp chí này thường bị gọi là mấy tàu lá cải (tabloid) vì chả nói được chuyện gì cao siêu, chỉ đăng các thứ dễ đọc như các mẩu chuyện vui, cách nấu một món ăn, cách trồng một loại cây trong vườn, cho đến chuyện đời tư của các diễn viên, các vận động viên nổi tiếng.

Chúng tôi may mắn có được những người thầy bản ngữ tuyệt vời. Giáo sư của tôi là thầy John và cô Brenda di cư từ Liverpool qua Adelaide, là những người bạn cả gia đình tôi mãi mang ơn, đã làm tôi hiểu vì sao người Anh không dễ kết bạn, nhưng đã là bạn thì bạn trung thành suốt đời.

Một cặp khác cũng là những người bạn thân lâu năm của cả gia đình là John và Pauline thì lại… đặc Úc. Bác John Úc này cũng đi học tiếng Việt, nhưng chuyện bác ấy học tiếng Việt tôi sẽ kể trong một dịp khác.

Những người bạn này có xuất thân, nghề nghiệp và các quan tâm xã hội khác nhau, ngữ điệu tiếng Anh cũng khác nhau, nhưng cũng nhờ vậy mà đã giúp cho vốn hiểu biết tiếng Anh và văn hóa Anh-Úc của chúng tôi được nhanh chóng mở rộng.

Chỉ sau vài năm, bằng thái độ/phương pháp phù hợp cộng với nghị lực vươn lên và hòa nhập vào môi trường tiếng Anh, bà xã tôi lấy được bằng phiên dịch/thông dịch, sau đó mấy năm liền chuyên đi các bệnh viện và tòa án để dịch cho các đồng hương.

Tản mạn khỏi câu chuyện bắt chước trẻ con, có người hỏi tôi "anh thấy quan chức và giới trí thức ở Việt Nam nói tiếng Anh thế nào?". Tất nhiên, ai cũng biết là phần đông quan chức Việt Nam không thạo tiếng Anh, nhưng ngay cả những người thạo thì cũng gặp phải những nỗi sợ rất buồn cười.

Tôi quen biết nhiều người ở Việt Nam rất giỏi tiếng Anh, kể cả những người chưa từng có thời gian dài du học nước ngoài. Nhưng thực sự tự tin với tiếng Anh như "nội ngữ", và hơn nữa là có thể hùng biện bằng tiếng Anh, thì có lẽ là điều còn chưa dễ dàng.

Bởi người Việt chúng ta, ngay cả khi đăng đàn bằng tiếng mẹ đẻ cũng thường có thói quen hình thức là đọc từ bản viết sẵn.

Tôi rất quý một giáo sư rất giỏi làm việc trong ngành y, mỗi khi lên diễn đàn, tôi biết anh ấy toàn nói vo, nhưng vẫn phải cầm theo một tờ giấy vì không dám tỏ ra khác người, vì sợ mọi người nghĩ rằng mình ăn nói tự do, không theo bài bản.

Trộm nghĩ, có lẽ khi nào nước ta theo kịp đời sống xã hội cởi mở của các nước nói tiếng Anh, thì chúng ta sẽ càng thấy nhiều hơn các quan chức và dân chúng lưu loát, hùng biện tiếng tiếng Anh cũng như tiếng Việt.

Theo TS Trần Bắc Hải (từ Úc)

Trí thức trẻ

Trở lên trên