TS Trần Đình Thiên: Tận dụng hội nhập quốc tế, cần xây dựng đội ngũ "đại bàng quốc tịch Việt"
Theo TS. Trần Đình Thiên, mặc dù tham gia nhiều các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài lại khai thác và hiện thực hóa những cơ hội từ việc hội nhập quốc tế tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam.
- 29-10-2020Vì sao nhiều 'đại gia' điện gió phải giảm 70-80% công suất?
- 29-10-2020Điểm đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo
- 28-10-2020Tech Wire Asia: Liệu chuỗi cung ứng toàn cầu có thực sự hướng về Việt Nam?
Ngày 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt do Bộ Công thương tổ chức. Mặc dù nhiều mặt hàng Việt Nam đang được hưởng lợi từ các FTA, nhưng đồng thời, thị trường nội địa cũng đối mặt với nhiều thách thức khi hàng hóa nhập khẩu vào ngày càng nhiều.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế mới để "cơ hội không bị bỏ lỡ".
Cụ thể, theo ông Trần Đình Thiên, sự khác biệt lớn về tốc độ tăng trưởng trong các khu vực doanh nghiệp đã dẫn đến xu thế gia tăng sự khác biệt về vai trò, vị thế của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Trong đó, 95-96% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP, trong khi FDI đóng góp khoảng 22-23% GDP. Đối với xuất khẩu, toàn bộ khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI đóng góp 70%. Đối với nhập khẩu, tỷ lệ này là 40% - 60%.
Như vậy, nhìn chung những cơ hội từ việc hội nhập quốc tế hiện đang được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác và hiện thực hóa hơn so với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, TS Trần Đình Thiên đã đưa ra 5 giải pháp "nóng", trong hoàn cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được "trạng thái bình thường mới". Thứ nhất, nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường. Đồng thời, hệ thống phân bổ nguồn lực cần "công khai, minh bạch" để các doanh nghiệp Việt có thể phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Thứ ba, áp dụng hệ thống khuyến khích "thưởng người thắng" thay vì "chọn người thắng". Từ đó sẽ kích thích tinh thần cạnh trang trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thứ tư, xác lập cách tư duy - tiếp cận mới về "mời gọi đại bàng" và "làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng".
Ông Thiên nhấn mạnh, phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành chương trình - chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý, việc gây dựng đội ngũ "đại bàng quốc tịch Việt" phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột.
Cuối cùng, ông Thiên cho rằng cần phải thiết kế lại "khởi nghiệp quốc gia" hợp thời đại bằng việc xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số - công nghệ cao.