TS. Trần Đình Thiên: Thủ tướng đã làm điều chưa từng có trong lịch sử!
Trong buổi trao đổi đầu năm với Trí Thức Trẻ, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định năm 2017 Việt Nam sẽ còn gặp nhiều thách thức, khó khăn hơn nữa. Do đó, ông nhấn mạnh vào việc, "chúng ta cần có một tư duy, logic mới để phát triển".
- 03-01-2017Vượt Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ở chỉ số này
- 03-01-2017Tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ theo chiều hướng tích cực
- 02-01-2017Đâu là những vấn đề “đau đầu” nhất của nền kinh tế đang đợi 2017?
- 02-01-2017Bội chi và nợ công cao – “cái gai” trên đường Việt Nam tăng trưởng
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Nhìn lại năm 2016 đã qua, theo ông đâu là hành động ấn tượng nhất của Chính Phủ?
Tôi cho rằng đó là khi Chính phủ thấy rõ khả năng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng đã không đề nghị Quốc hội điều chỉnh giảm các mục tiêu tăng trưởng. Thủ tướng đã làm điều chưa từng có trong lịch sử.
Đây có thể xem là cách tiếp cận mới, không theo đuổi chủ nghĩa thành tích ngắn hạn. Hành động này là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang dần thoát khỏi cuộc đua khi mà vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình, tự cho mình tiến lên nhưng thực chất đang chạy sau các nước khác.
Mặt khác, nó cũng cho thấy Việt Nam đang dần thoát khỏi việc cứ đến các kỳ họp của Chính phủ, Quốc hội là lại báo cáo những khó khăn, thách thức chủ quan, khách quan để rồi linh hoạt điều chỉnh. Cuối năm, khi nhìn lại, chỉ thấy tất cả thành tích đều trọn vẹn hết (do được điều chỉnh trước đó). Vì thế mà không có vấn đề gì bởi tăng trưởng có giảm sút thì vẫn “hoàn thành nhiệm vụ”.
Năm 2016, Thủ tướng không đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng nhưng vẫn luôn yêu cầu các thành viên Chính phủ và các cấp, ngành, không được chùn bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt các quyết sách điều hành mang lại hiệu ứng tích cực cho năm 2016. Đây cũng được xem là logic khác của Việt Nam về phát triển.
Tuy nhiên, ông cũng từng nói năm 2016 là năm khó khăn nhất của Việt Nam trong 30 năm đổi mới?
Ở đây tôi muốn nói đến câu chuyện của nông nghiệp nông thôn năm vừa qua. Phải nói là chưa có năm nào bi kịch như năm 2016. Những hạn mặn trong năm qua không phải là tai biến, tưởng như thiên tai mấy tháng là xong nhưng không phải. Nó kinh khủng hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Thực chất điều này đang làm thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển của Việt Nam.
Nói về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng này sống dựa vào nước ngọt, nay nước ngọt không xuống, nước mặn vào, phù sa không được bồi đắp, cứ thế có gì cũng bị “kéo tuột ra”, khiến cho cả vùng đồng bằng chả mấy chốc bị vỡ hết.
Nó bi kịch ở chỗ nước mặn cứ lấn chiếm dần dần, nếu dâng lên 1 lần rồi rút may ra còn chống đỡ được, còn như thế này thì không thể. Phải hiểu ngập mặn nguy hiểm hơn hạn hán rất nhiều, hạn chỉ cần 1 cơn mưa là xong, nhưng để tẩy mặn lại là câu chuyện không hề đơn giản.
Việc này ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế của người dân mà còn tác động đến những điều kiện phát triển cơ bản của Việt Nam.
Đấy là một dấu hiệu khủng khiếp. Một vùng trù phú, một miền đất hứa đã thay đổi. Do đó, cần phải có một cách tiếp cận mới, nếu cứ tư duy theo logic phát triển đồng bằng thì sẽ chết.
Với những thách thức đã trải qua trong năm 2016, vậy năm 2017 sẽ ra sao thưa ông?
Năm 2017 sẽ còn khó khăn hơn. Bởi lẽ, thế giới sẽ còn nhiều biến động và xáo trộn lớn, như giá dầu, xu hướng bảo hộ tự do thương mại... tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng như việc xuất nhập khẩu hàng hoá.
Mặc dù chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Mỹ,... nhưng hiện tại cũng đang có nhiều xáo động lớn về kinh tế, chính trị. Ví dụ như sự kiện Brexit gây chia rẽ ở châu Âu, Hàn Quốc thì bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống, và hơn cả là những chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.
Trong khi đó, những khó khăn nội tại thì vẫn còn, thiên tai, hạn hán tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Tiềm lực quốc gia thì yếu ớt, nợ công cao, dư địa chính sách hạn hẹp... Tôi cho rằng trong năm 2017, sẽ cần một logic phát triển mới.
Nhiều lần nhắc đến một logic phát triển mới, vậy hàm nghĩa của nó là gì?
Nó có nghĩa là không phải tăng trưởng bằng mọi cách. Không phải thấy nông nghiệp gặp khó do hạn mặn thì bơm nước vào là xong. Không phải cứ tư duy phát triển đồng bằng trong khi những vùng đất ấy đã thay đổi, lợi thế cũ đã không còn. Logic phát triển mới có nghĩa là phải trông cậy vào lực lượng doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên không phải là những doanh nghiệp tuy đông nhưng lại bé li ti.
Hiện cái khó nhất của Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân còn yếu, khái niệm lực lượng tư nhân thì chưa có. Các doanh nghiệp liên kết với nhau lỏng lẻo, không theo chuỗi. Doanh nghiệp tư nhân cần phải có tuyến, có trục dẫn dắt. Đấy là điều quan trọng vô cùng. Không thể cứ kiếm ăn một mình mãi, mạnh anh nào anh ấy ăn.
Tôi nhấn mạnh là phải để cho doanh nghiệp lớn lên. Những doanh nghiệp nào có sai phạm thì xử lý người đứng đầu, người làm sai phải bị trừng trị, nhưng phải tránh làm cho doanh nghiệp bị sụp đổ. Tôi cho rằng nên tư duy 1 doanh nghiệp mà đất nước có được là tài sản quốc gia, tài sản ấy phải được bảo vệ.
Mục tiêu trong 5 năm tới, phải có những tuyến trục là những tập đoàn mạnh làm xương sống. Chứ con số 110,1 nghìn doanh nghiệp nghe thì oách, nhưng nó li ti như cám thì cũng không để làm gì. Tôi nghĩ trong số đấy có khoảng 70 nghìn doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình, họ chỉ lo kiếm sống, làm gì có động cơ thiêng liêng, vĩ đại để cạnh tranh với quốc tế, để lại di sản. Do đó, doanh nghiệp cũng cần phải có một cách tiếp cận khác.
Vậy ông có góp ý, đề xuất gì cho năm 2017?
Tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn rõ những thách thức cũng như cơ hội mà thời cuộc đang đặt ra cho Việt Nam. Vấn đề tăng trưởng phải được nhìn nhận dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, không thể đòi hỏi một kết quả ngay tức thì mà phải kiên trì hướng đến sự bền vững.
Để làm được điều này, Chính phủ vẫn phải kiên trì với những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn, quyết liệt với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong năm vừa qua, tôi thấy có 2 điểm rất hay cho thấy Chính phủ đang định hướng đúng. Đó là đã quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết định đề án tái cơ cấu và đổi mới nguồn lực. Nếu thực hiện tốt những điều này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ.
Mặt khác, đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải cân nhắc chọn lựa. Không nên tiếp cận và mời hết nhà đầu tư nước ngoài vào, chỉ mời những nhà đầu tư lớn, chất lượng cao. Còn trong nước, cần phải lo cho những doanh nghiệp Việt nam, chứ không phải chỉ chăm chăm đi dọn mặt bằng cho nước ngoài.
Chúng ta cần phải hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cách làm mang tính chiến lược chứ không phải là hô hào cố đạt thành tích trong ngắn hạn.
Xin cảm ơn ông!