TS Trương Văn Phước: Lạm phát còn thấp, có thể giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất 1%
TS Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Vị chuyên gia cũng đề xuất tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023. Ngoài ra, nên xem xét đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm, không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mục tiêu dưới 4% như hiện nay.
- 03-12-2021"Nếu phải chống lạm phát năm 2022, NHNN có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán"
- 14-11-2021Lạm phát kéo lãi suất cuối năm
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chiều 5/12, TS Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng cảnh báo về nhập khẩu lạm phát từ thế giới vào Việt Nam đương nhiên là cần quan tâm chú ý, nhưng không phải là có khả năng cao xảy ra trong thực tế. Đặc thù lạm phát ở Việt Nam cũng cho thấy sự truyền dẫn lạm phát là không hề dễ dàng.
Theo ông Phước, áp lực tăng cao lạm phát ở Mỹ là điều có thực. Nó bắt nguồn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, logistic, vấn đề công nhân thiếu hụt và cầu tăng đột biến sau đại dịch. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ đnag trong tầm kiểm soát và nhiều nền kinh tế khác có thể khống chế được lạm phát bằng các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
Hiện nay có hai luồng quan điểm là lạm phát chỉ là tạm thời, hay lạm phát còn kéo dài bền vững. Cuộc họp đầu tháng 11/2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa đến nhận định khái quát là: (i) Lạm phát năm 2021 ở Mỹ sẽ rất cao nên cần thu hẹp quy mô mua tài sản, hiện nay là 120 tỷ USD mỗi tháng, sẽ chấm dứt vào khoảng tháng 3/2022, tạo điều kiện Fed bắt đầu tăng lãi suất; (ii) Các nhân tố căn bản của lạm phát ở Mỹ là thiếu bền vững vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sớm được kết nối lại, hiệu ứng vòng xoáy tiền nhân công – giá cả cũng sẽ không tồn tại lâu dài; (iii) Dự báo lạm phát Mỹ khoảng 2% vào cuối năm 2022 sẽ đưa quỹ đạo lạm phát bình quân trong khoảng bốn năm về mức mục tiêu 2%/năm.
Còn tại Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021 thì có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn,... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đề xuất Quốc Hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết Chính sách tiền tệ (CSTT) phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được.
Ngoài ra, một số các chỉ tiêu như Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Về hệ số rủi ro tín dụng: trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR thì các doanh nghiệp chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được vốn tín dụng. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.
Ông Phước cho rằng CSTT có thể hỗ trợ chính sách tài khóa để có nguồn lực tài chính trong các gói kích thích, hỗ trợ. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước. Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp Trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu) thì nên xem xét việc NHNN mua Trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành CSTT: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn: thu ngân sách dự kiến cả năm vẫn tăng so với dự toán; bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép. Nợ công vẫn thấp so với ngưỡng an toàn và với mức trần đã được Quốc Hội phê chuẩn.
Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất Trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm. Trong khi lãi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn đã lên trên 1,6%/năm.
Theo đó, Ngân hàng Trung ương dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các TCTD, bao gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua Trái phiếu Chính phủ. Đây là quan hệ trên thị trường Sơ cấp.
Các hoạt động trên thị trường thứ cấp nên để các nhà đầu tư, nhất là NHTW tham gia hoạt động. Việc Kho bạc Nhà nước gần đây triển khai mua lại Trái phiếu Kho bạc do tiền ngân sách tạm thời nhàn rỗi, lẽ ra là hoạt động của NHTW.