MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Võ Trí Thành chỉ ra 4 ràng buộc lớn của Việt Nam khi muốn đạt tăng trưởng mục tiêu

Sáng 19/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức Hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”. Tại sự kiện này, TS. Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã nêu ra 4 ràng buộc lớn với mục tiêu tăng trưởng nhanh của Việt Nam..

Chính phủ, với mục tiêu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt lĩnh vực. Năm 2017 cũng được xem là bước tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong các năm tiếp theo.

Khâu đột phá được xác định là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin, sự hưng phấn cho các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đối tượng được ưu tiên là khu vực kinh tế tư nhân, vốn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, phía Bộ KHĐT cũng chỉ ra, nguồn lực vật chất của Chính phủ hiện nay vẫn còn hạn chế. Do đó, Bộ cho rằng cần phải tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế còn nhiều tiềm năng nhưng đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết...

Nói về câu chuyện tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho biết ông nhìn dưới hai góc độ: từ Chính phủ và từ thị trường. Theo đó, nỗi niềm Chính phủ là chính đáng, tuy nhiên, cũng cần xem xét nó có đồng điệu hay xung đột với thị trường hay không.

Hiện, như TS. Thành chỉ ra, tăng trưởng Việt Nam được đặt trong 4 mối ràng buộc. Thứ nhất, đất nước muốn tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn nhưng bối cảnh lại là ngân sách khó khăn.

Thứ hai, việc cải cách chính trị, bộ máy nhà nước đang vừa là áp lực, vừa là động lực của đất nước.

Thứ ba, việc tăng trưởng trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế chắc chắn để lại những nỗi đau, phí tổn... do đó, Việt Nam muốn cải cách DNNN hay muốn “bắt” DNNN phải đạt một sản lượng nhất định trong thời gian có hạn định. “Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn trong ngắn hạn”, TS. Thành nói.

Thứ tư là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Thành, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa có tính đối trọng.

Từ 4 mâu thuẫn trên, ông Thành đặt vấn đề để đạt mục tiêu tăng trưởng thì Việt Nam có những “cửa” gì để không mâu thuẫn.

Theo ông, để làm được điều đó, Việt Nam cần biết chọn lựa một cách nghệ thuật.

“Đó là việc chúng ta có thể tăng trưởng ở thời điểm này tốt hơn một chút nhưng không phá vỡ 4 vấn đề ràng buộc”, ông nói. Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng cần phải đặt trọng tâm vào tính dự báo trong kinh tế bởi đây là cách thức để biết được nên đi theo hướng nào là tích cực. TS. Võ Trí Thành nói thêm “dù làm gì cũng phải tính đường rút”.

Ông Thành cũng chỉ ra hai cửa để cho Việt Nam tăng trưởng trong ngắn hạn, phù hợp với dài hạn nhưng không ảnh hưởng đến 4 ràng buộc trên.

Thứ nhất là hội nhập. Theo ông, thế giới này rất lớn và rộng mở. Việt Nam đang trong giai đoạn gia nhập rất mạnh vào cuộc chơi thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Việt Nam phải tận dụng được, đấy không chỉ dừng lại ở thị trường, mà còn là công nghệ, cách học, cách chia sẻ rủi ro...

“Rất may trong năm nay và năm tới, trừ một số trường hợp có thể rủi ro về địa chính trị, kinh tế thế giới đang tốt dần lên, đấy cũng là cơ hội cho Việt Nam”, TS. Thành bình luận.

Thứ hai, theo ông Thành là nguồn lực tư nhân và khu vực FDI. Theo ông, nguồn lực trong những khu vực này còn rất nhiều, tuy nhiên, để tận dụng được Việt Nam cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, Việt Nam cần phải chuẩn bị cho nhiều hình thức kinh doanh mới sẽ phát sinh trong tương lai. Nhà nước cũng cần phải phân cấp rõ ràng dịch vụ công, tư.

“Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ giải thoát được nguồn lực, Việt Nam sẽ có được cơ hội”, TS. Võ Trí Thành nói.

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên