MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Võ Trí Thành: Giờ là lúc xử lý triệt để nợ xấu

25-10-2016 - 11:20 AM | Tài chính - ngân hàng

“Thực tế ai cũng biết, nợ xấu lớn có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Trường hợp không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các ngân hàng thương mại xử lý thì vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Câu chuyện phương án xử lý nợ xấu ngân hàng lại trở thành tâm điểm khi được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào ngày 24-10. Tại đây, một vấn đề mấu chốt được đưa ra bàn là quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo. Theo đó, một số ý kiến cho rằng vấn đề này nên được làm cụ thể và cần được luật hóa. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối cho rằng không nên cụ thể hóa thành luật riêng mà nên dựa vào những luật có sẵn để giải quyết vấn đề.

Xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu vẫn là vướng mắc lớn nhất lâu nay mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu. Cùng với đó, vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng hiện còn vướng ở những tư tưởng cố hữu như: Nợ xấu ngân hàng thì ngân hàng phải chịu, hay không nên dùng ngân sách xử lý nợ xấu vì như vậy là lấy của người nghèo chia cho người giàu.

Nói về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung và xử lý nợ xấu trong thời điểm hiện tại, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết: Giờ là lúc đi vào giải quyết thấu đáo những phần “nhỏ” và cụ thể hơn trong câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng, là xử lý triệt để nợ xấu.

“Thực tế ai cũng biết, nợ xấu lớn có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Trường hợp không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các ngân hàng thương mại (NHTM) xử lý thì vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Cho nên nước nào cũng vậy, nếu phải đối mặt với tình trạng nợ xấu nghiêm trọng đều cần có tác nhân bên ngoài hệ thống, chẳng hạn như thành lập tổ chức chuyên biệt nào đó để xử lý nợ xấu”, ông Thành nói.

Và một cơ quan như vậy trước hết phải có đủ quyền lực, nguồn lực (tất nhiên, có sự giám sát chặt chẽ); thứ hai, cơ quan đó đóng vai trò quan trọng trong thị trường mua bán nợ (được hình thành và phát triển). Ở Việt Nam, do nguồn lực hạn hẹp nên một điều khá đặc thù là xử lý nợ xấu còn chịu ảnh hưởng rất đáng kể của sự hồi phục kinh tế và đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bất động sản, ông Thành cho biết thêm.

Cho đến thời điểm này, nhìn vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam thì thấy đó là một bức tranh hai màu sáng, xám. Bên cạnh những việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN ) và cả hệ thống ngân hàng đã làm được thì cũng còn không ít thách thức phải đối mặt. VAMC đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2013.

NHNN cũng ban hành một số văn bản tăng cường chức năng, quyền hạn cho VAMC. Nhưng giải pháp lớn nhất có thể giúp doanh nghiệp “thoát nạn”, còn ngân hàng xử lý nợ xấu, cũng lại đang là bất cập nhất, đó là làm sao vượt qua được một loạt vướng mắc về pháp lý. Trong bối cảnh niềm tin thị trường chưa cao, nguồn vốn hạn hẹp thì rõ ràng việc mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, có ý nghĩa rất quan trọng, ông Thành nói.

“Tuy nhiên, những vướng mắc về pháp lý như quyền sở hữu và quyền tài sản, chuyển đổi sở hữu, room cổ phần… đang trở thành rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư”, ông Thành nhận định. Cụ thể, thị trường mua bán nợ vẫn chưa được định hình, vì vậy nợ VAMC mua về vẫn khó xử lý được. Và điều này dễ khiến các ngân hàng nản lòng, không muốn bán tiếp nợ xấu cho VAMC.

Ông Thành cho biết: Bất cứ một nước nào đều phải trả giá khi xử lý khủng hoảng. Giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc tính chất nghiêm trọng cũng như vị thế của nước đó. Trong khi đó ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ chưa phát triển, VAMC có rất ít “tiền tươi thóc thật” để mua nợ, thì vị thế “mặc cả” của ngân hàng, doanh nghiệp hay chính VAMC sẽ yếu. Và đó là một nguyên nhân làm cho các khoản nợ xấu khó được mua với giá thích hợp.

Nhận xét về vai trò cả việc xử lý nợ xấu với nền kinh tế chung trong thời điểm hiện tại, ông Thành cho biết: Muốn hay không thì xử lý nợ xấu cũng là một công đoạn hết sức thiết yếu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Như đã nêu ở trên, để xử lý nợ xấu hiện nay mình ngân hàng là không đủ mà rất cần sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành.

Ðể đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bên cạnh sự phục hồi kinh tế còn rất cần nâng cao năng lực cho VAMC để công ty này đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu và xử lý một cách triệt để (cả về pháp lực, năng lực, nguồn lực, và quyền lực; trong đó quyền lực và pháp lực là quan trọng nhất); đồng thời tạo dựng những tiền đề cần thiết cho việc vận hành thị trường mua bán nợ.

Bên cạnh đó, cần xác định vấn đề giải quyết nợ xấu là một việc làm không chỉ đặt trên vai NHNN, dù NHNN rất quan trọng, mà còn cả nhiều bộ, ngành liên quan. Thí dụ rõ nhất là quan hệ giữa giải quyết nợ xấu và những vấn đề pháp lý về sở hữu, giao dịch trên thị trường bất động sản. Nó cũng liên quan không nhỏ đến khả năng phục hồi kinh tế nói chung, ông Thành cho biết thêm.

Ông Thành cũng lưu ý: vấn đề nợ xấu cần có tương tác đa chiều, không chỉ xét ở khía cạnh sức khỏe hệ thống ngân hàng. Nó gắn liền với tổng thể quá trình cải cách hệ thống ngân hàng, từ minh bạch hóa, tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng Basel II, các chuẩn mực kiểm toán kế toán, xử lý sở hữu chéo, đến tăng cường năng lực giám sát tài chính, tái cấu trúc từng ngân hàng…

Xử lý nợ xấu cũng có tác động mạnh đến dòng tín dụng và việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Bài toán khó khăn đối với ngân hàng là làm sao đáp ứng được yêu cầu vốn cho doanh nghiệp mà lại đảm bảo rằng nợ xấu không tăng.

Hai bài học lớn, dù rất truyền thống, của công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị.

Đó là: ngay trong quá trình triển khai, cần có sự tổng kết kịp thời cả về kinh nghiệm và những vướng mắc thể chế, qua đó tìm ra biện pháp tháo gỡ phù hợp. Và rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thực thi, nhất là trong tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống tài chính – ngân hàng, ông Thành nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên