TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp cần học 'khiêu vũ' để đi qua cơn bão
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên chính trường, chúng ta có những chính sách ngoại giao cây tre thì trên thị trường, các doanh nghiệp cũng cần học khiêu vũ để đi qua cơn bão.
- 13-10-2023Chủ dự án 2,5 tỷ USD tại Quy Nhơn báo lỗ nửa đầu năm, tổng tài sản vượt Kinh Bắc, Đất Xanh Group, Nam Long...
- 12-10-2023Doanh nghiệp Việt và những dấu hỏi lớn về cuộc cách mạng mang tên “chuyển đổi số”
- 12-10-2023Diễn đàn công nghệ quốc tế lớn nhất Việt Nam sắp tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của 2.500 lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu
Doanh nghiệp là lực lượng chủ công
Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có vai trò vị trí quan trọng là lực lượng chủ công của phát triển, năng suất lao động là yếu tố quyết định thành bại của công cuộc phát triển, ông bình luận thế nào về nhận định này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi rất hoan nghênh là vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, đã bố trí để có 2 phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào chủ đề, hai từ khóa rất quan trọng doanh nghiệp và năng suất lao động . Vì suy cho đến cùng, doanh nghiệp và năng suất lao động là 2 yếu tố quyết định năng lực nội sinh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Vì doanh nghiệp là lực lượng chủ công của phát triển, và năng suất lao động là yếu tố quyết định thành bại của công cuộc phát triển.
Trong 30 năm qua, chúng ta đã kể cho thế giới một câu chuyện thoát nghèo vĩ đại. Sự hình thành và phát triển ngày càng đông đảo của lực lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế, và cùng với nó là việc nâng cao năng suất lao động chuyển hàng chục triệu người từ khu vực nông nghiệp nông thôn với năng suất thấp sang lĩnh vực thương mại công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn và thoát khỏi đói nghèo là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới đất nước ta.
Ông có thể chia sẻ thực trạng doanh nghiệp và năng suất lao động của chúng ta hiện nay đang như thế nào?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thực trạng doanh nghiệp và năng suất lao động của chúng ta hiện nay đều có vấn đề, khu vực doanh nghiệp tư nhân sau một thời gian phát triển bùng nổ đang suy yếu, và việc cải thiện năng suất lao động của chúng ta đang rất chậm so với thế giới và khu vực, và đang có một khoảng cách tụt hậu quá lớn so với các nước. Ở giai đoạn phát triển mới chúng ta trở nên giàu có hay không lại một lần nữa 2 từ khóa doanh nghiệp và năng suất lao động phải được nhấn mạnh. Nên tôi nghĩ, đột phá trong 2 lĩnh vực này là rất quan trọng, nhằm bắt mạch trúng điểm tuyệt mạng của nền kinh tế.
Nếu nhìn từ phía cầu, nền kinh tế Việt Nam là một cỗ xe tam mã, đang được dẫn dắt bởi ba động lực tăng tưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Suốt hơn 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt kết quả khả quan là dựa trên động lực chủ yếu này. Nhưng hiện nay cả 3 động lực đều suy yếu cả xuất khẩu và đầu tư thì do nền kinh tế và thị trường thế giới tăng chậm lại và suy giảm, đang ảnh hưởng ngay và tức khắc đến các đầu tàu và tiêu dùng cũng vậy.
Cả Chính phủ, Quốc hội đang có nhiều nỗ lực , bằng những quyết sách chưa từng có trong tiền lệ đã có những cố gắng vượt bậc bảo đảm duy trì những động lực này, nhưng chúng ta vẫn đang đứng trước những khó khăn và việc đặt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là vô cùng thách thức. Và điều cần thiết của chúng ta không phải là chỉ khôi phục, duy trì các động lực tăng trưởng này trong cơ cấu cũ mà phải nâng cấp cả 3 động lực này và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rõ ràng, còn đường phía trước là vô cùng gian nan. Cuộc khủng hoảng lần này của nền kinh tế toàn cầu không chỉ đến từ những vấn đề kinh tế - tài chính, mà là tác động tích hợp, cộng hưởng của nhiều nhân tố: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột về địa chính trị, địa kinh tế, chiến tranh và cả khoa học công nghệ dẫn đến yêu cầu tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng không thiết lập lại trạng thái cân bằng mới trong một vài năm như các cuộc khủng hoảng lớn trước đây. Nên người ta nói đến thập kỷ mất mát chứ không chỉ một vài năm của nền kinh tế thế giới là hoàn toàn có cơ sở. Và như vậy nền kinh tế thế giới sẽ không phục hồi theo đồ thị chữ V, và cũng không phục hồi như chữ U thông thường mà chữ U với đáy rất dài.
Như ông nói đó là bức tranh chung, nhưng trong bối cảnh đó nền kinh tế Việt Nam của chúng ta cũng có nhiều cơ hội mới?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong quá trình chuyển dịch các chuỗi cung ứng của những tập đoàn xuyên quốc gia theo hướng nearshoring, friendshoring, chúng ta có lợi thế, vị thế địa kinh tế địa chính trị và chính sách kinh tế đối ngoại dĩ bất biến ứng vạn biến theo phương châm Việt Nam làm bạn với cả thế giới đã tạo lợi thế này.
Chúng ta là nền kinh tế có quy mô vừa và trình độ phát triển, trình độ công nghệ có tính bổ sung, tương hỗ với các cường quốc cũng là lợi thế. Lâu nay chúng ta nói đến lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chưa có nhiều nghiên cứu nói về lợi thế của các nền kinh tế quy mô vừa. Đủ lớn để có hiệu quả, đủ nhỏ để không tranh hùng tranh bá, không có nguy cơ gây nguy hại cho ai.
Doanh nghiệp đã lớn lên, trưởng thành lên
Thưa ông, nói đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh, tăng cường tính tự chủ, thì với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với các nước, thu hút đầu tư FDI với tất cả các nước trên thế giới trong đó có các cường quốc có phải là một hướng đi quan trọng?
Ông Vũ Tiến Lộc: Rõ ràng là hướng đi quan trọng vì góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chủ quyền và an ninh kinh tế của nước ta. Năng lực nội sinh theo tôi nghĩ cũng cần có nội hàm là năng lực cộng sinh có hiệu quả giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân của chúng ta với khu vực FDI đến từ các nước trên thế giới. Chơi với những người khổng lồ, qua hợp tác cộng sinh, doanh nghiệp của chúng ta lớn lên, trưởng thành lên. Nhưng hiện nay năng lực cộng sinh này rất yếu, nền công nghiệp của chúng ta sau 30 năm mở cửa mới chỉ dừng lại ở trình độ lắp ráp gia công và không chỉ công nghiệp gia công mà nông nghiệp cũng gia công. Doanh nghiệp FDI về căn bản vẫn là những ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam, không sâu rễ, bền gốc với các doanh nghiệp nội.
Một năng lực nội sinh nữa mà tôi cũng cho là quan trọng là năng lực đối tác công tư giữa khu vực công và tư của Việt Nam. Và đối tác công tư không chỉ trong phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án kinh tế xã hội trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… mà trong cả lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp cốt lõi có liên quan đến tính tự chủ, tự cường và an ninh quốc gia của đất nước . Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hùng mạnh của Hoa Kỳ chính là sản phẩm của chương trình hợp tác công tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.
Việt Nam cần triển khai những chương trình như vậy, Chính phủ đang trình Quốc hội Luật Phát triển Công nghiệp - cần tích hợp tới điều này. Nếu các doanh nghiệp tư nhân lớn của chúng ta có được sự chung ta của Nhà nước, chúng ta sẽ làm được nhiều việc.
Tuy nhiên, thực hiện đối tác công tư của chúng ta đang có nhiều vấn đề. Sự bình đẳng, tôn trọng hợp đồng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ cần phải trở thành hành động. Chúng tôi cũng đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển đối tác công tư.
Thế giới rủi ro, những vấn đề kinh tế chính trị đan xen phức tạp như thế này cùng với việc tiếp tục thúc đẩy trị trường thì vai trò của các Chính phủ cũng tăng lên nên đối tác công tư là vấn đề quan trọng. Tôi dự báo rằng với xu thế này, khu vực đối tác công tư sẽ là một khu vực kinh tế có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Đột phá về thể chế
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có khu vực doanh nghiệp mạnh, khu vực tư nhân mạnh, việc tiếp tục đột phá trong cải cách thể chế là vô cùng quan trọng, ông bình luận gì về vấn đề này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Đúng vậy, để có khu vực doanh nghiệp mạnh, khu vực tư nhân mạnh, việc tiếp tục đột phá trong cải cách thể chế là quan trọng. 70% các dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý là một dấu hiệu cho thấy môi trường thể chế và về thực thi thể chế đang có vấn đề cần được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp đang cảm thấy bất an khi môi trường kinh doanh, môi trường phát triển tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là thể chế mở đường cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng và những mô hình kinh doanh mới.
Về năng suất lao động, cần thiết phải có một chương trình quốc gia về nâng cao năng suất gắn với chương trình về quốc gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có gần 900 ngàn doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh - hơn 6 triệu chủ thể kinh doanh, nhưng chất lượng đang có vấn đề - kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này nên được quan tâm.
Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, bản thân các dự án trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng đã là những dự án có quy mô lớn có tiềm năng thu hút đầu tư tư nhân, FDI và đối tác công tư. Nhưng điều quan trọng hơn là chính việc phát triển các dự án này sẽ mở đường cho dòng vốn đầu tư minh bạch, xanh, thân thiện với môi trường là đặc trưng cho dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế trong thời đại mới. Cho nên các dự án này cần được đối xử như các dự án mở đường để nâng cấp chất lượng tăng trưởng của ta cả trên 3 trụ cột xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn và tiếp tục khó khăn nhưng chúng ta đang có nhiều cơ hội lớn trong quá trình dịch chuyển toàn cầu và đặc biệt chúng ta cũng còn nhiều dư địa lớn trong cải cách thể chế. Thể chế khơi dậy những động lực mới, tăng trưởng cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng. Tiếp tục đổi mới, cải cách tăng cường đối tác công tư, hợp tác và cộng sinh có hiệu quả với các FDI trong các chuỗi cung ứng toàn cầu tôi nghĩ sẽ mở ra những cơ hội bứt phá cho phát triển của Việt Nam trong những năm tới.
Thế giới sẽ còn phải trải qua những tháng năm những biến đổi khó lường, nền kinh tế thế giới sẽ như con tàu trên đại dương không có hải trình định sẵn . Bởi vậy, nâng cao năng lực nội sinh và khả năng chống chịu sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của mỗi nền kinh tế trong thời bão tố này. Trên chính trường, chúng ta có những chính sách ngoại giao cây tre thì trên thị trường, các doanh nghiệp của chúng ta cũng cần học khiêu vũ để đi qua cơn bão. Tôi nghĩ không thể nào khác được.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư