MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK sẽ ổn định, tăng đều trong 2017

Kinh tế thế giới năm 2017 sẽ ra sao? Các thị trường tài sản thế nào? Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán (TTCK)?… Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa (ảnh), dù kinh tế thế giới, trong nước được nhìn nhận còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều yếu tố để lạc quan hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận ra sao về kinh tế thế giới năm 2017?

Ông Lê Xuân Nghĩa: - 3 năm gần đây, có một xu thế đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thương mại. Điều đó có nghĩa vai trò của thương mại với tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Đặc biệt hàng hóa thương mại giảm, hàng hóa phi thương mại tăng lên (trong đó có đóng góp của khu vực dịch vụ tài chính, du lịch, bất động sản…).

Nhiều chuyên gia lo ngại về tính bất ổn của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, rất may năm 2017 tất cả dự báo đều khác. Nếu như năm 2014 tăng trưởng thương mại 3,9%, năm 2015 là 2,6%, năm 2016 còn 2,3%, nhưng năm 2017 dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 3,8%. Gắn với đó tương ứng GDP toàn cầu các năm 3,4%, 3-3,3%, 3,1% và 3,4%. Như vậy các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới và thương mại thế giới bắt đầu thoát đáy và đang có xu hướng đi lên. Những dự báo này vẫn không thay đổi sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Như vậy chúng ta đi đến nhận định khả quan là kinh tế thế giới năm 2017, dù có rất nhiều điều chưa thể dự tính được, nhưng các dự báo nêu trên cũng cho thấy một sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn và tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam.

- Theo ông, đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến TTCK năm 2017?

Chính sách tiền tệ không còn dư địa để nới lỏng. Thắt chặt thì không nên vì sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản và TTCK. Sự linh hoạt cũng sẽ không tạo ra cú sốc nào trên thị trường tiền tệ. Điều đó nếu thực hiện sẽ giúp TTCK ổn định trong trung hạn.

- Những vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến TTCK năm 2017, theo tôi có một số yếu tố. Thứ nhất, lãi suất ngân hàng đang đứng trước xu hướng tăng lên do lạm phát bị sức ép tăng. Lạm phát bình quân của Việt Nam Quốc hội đặt ra năm 2017 là 4,5%. Đây là chỉ tiêu rất cao, bởi nó được tính bằng công thức lấy CPI của năm sau so với tháng 12 của năm trước.

Thí dụ, năm 2016, CPI bình quân 2,9%, tức CPI của tháng 12 so với tháng 12-2016 đã xấp xỉ 5%. Trong khi đó, năm 2017 bình quân 4,5%, tức CPI tính theo công thức này phải trên 5%. Đương nhiên điều này sẽ tạo sức ép nhất định với lãi suất. Ngoài ra lãi suất cũng chịu tác động trên thị trường liên ngân hàng và đứng ở mức thấp, nhưng hiện tại đã bắt đầu có dấu hiệu tăng lên.

Yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng là lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống, nay cũng đã bắt đầu có dấu hiệu “ngóc đầu” trong vòng 1,5 tháng gần đây. Những yếu tố này sẽ tác động mạnh đến lãi suất. Chúng tôi cũng dự báo chắc chắn NHNN sẽ đưa ra một chính sách ổn định lãi suất là chính, và nếu có tăng cũng chỉ tăng trong khoảng 1%.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái cũng có những sức ép nhất định do USD tăng giá do Hoa Kỳ điều chỉnh lãi suất, Trung Quốc có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá… Nhưng cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là lạm phát. Chúng tôi cũng đi đến nhất trí với nhau là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cố gắng giữ ổn định tỷ giá hối đoái. Còn trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì thực hiện linh hoạt theo thị trường, không phá giá VNĐ như một số chuyên gia đề nghị.

- Ông nghĩ sao về thị trường bất động sản và TTCK năm tới?

Ảnh minh họa: L.THANH
Ảnh minh họa: L.THANH

- Về dự đoán thị trường tài sản sắp tới, chúng tôi vừa cùng Savills làm một dự báo về thị trường bất động sản. Qua nghiên cứu nhiều năm chúng tôi thấy thị trường này gắn bó rất mật thiết với tăng trưởng kinh tế. Thị trường bất động sản thường có chu kỳ chậm hơn tăng trưởng kinh tế một chút. Ngược lại, TTCK đi trước thị trường bất động sản và kinh tế. Hàng hóa tham gia TTCK nhiều lên có thể làm đầu tư gián tiếp chững lại hoặc giảm chút ít, nhưng tôi vẫn tin rằng TTCK biến động theo quy luật này, bởi tôi được biết tiền trong dân hiện nay rất nhiều.

Vừa rồi, trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, tôi ngồi cùng một vị khách và vị này có nói chuyện điện thoại với ai đó về việc đang cần bán căn biệt thự 81 tỷ đồng. Xe chở chúng tôi bị kẹt 1 giờ đồng hồ và khi đến sân bay, ông này nói với tôi là căn biệt thự đó đã được bán. Thí dụ này để thấy rằng tiền trong dân nhiều như thế nào khi một căn biệt thự giá vài chục tỷ đồng được bán nhanh chóng như vậy. Tôi nghĩ rằng, năm 2017, TTCK có thể tăng chậm lại chút ít nhưng nó sẽ bình ổn hơn, tăng dần đều hơn năm 2016, vì năm 2016 có quá nhiều cú sốc.

Hiện nay có nhiều người nghĩ nhưng không nói ra đó là nguồn vốn từ Trung Quốc cả đầu tư trực tiếp, gián tiếp và cho vay vào Việt Nam và Đông Nam Á rất lớn. Đặc biệt Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines đang tranh thủ tối đa nguồn vốn này từ Trung Quốc cho TTCK và đầu tư trực tiếp. Trung Quốc đã lập 4 định chế tài chính để cung cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho châu Á và con số đã gấp đến 10 lần Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cung cấp cho châu Á trong 5 năm vừa qua.

Đó là những tuyến đường Trung Quốc đang đầu tư để đi qua, đi đến các nước như Campuchia, Thái Lan, Singapore, Nga… Trường hợp chúng ta tham gia kết nối với các tuyến đường đó, trong dài hạn thị trường tài chính sẽ có những biến động nhất định nếu chúng ta tận dụng các nguồn vốn này. Khi càng đầu tư cơ sở hạ tầng bất động sản càng tăng, và như vậy sẽ ảnh hưởng nhất định đến TTCK.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Hà My (thực hiện)

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM