TTCK: Tăng không bằng phẳng
Sau khi vượt đỉnh 790 điểm, VN Index đã điều chỉnh giảm trở lại, tương tự những lần chinh phục các đỉnh cao trước đây.
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để ông BẠCH AN VIỄN (ảnh), Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam, đưa ra dự báo về xu hướng của TTCK thời gian tới: Tăng nhưng con đường sẽ không bằng phẳng.
PHÓNG VIÊN: - Ông lý giải thế nào về việc mỗi khi chinh phục một đỉnh cao mới, VN Index lại xuất hiện những phiên điều chỉnh?
Ông BẠCH AN VIỄN: - Trước nhất, chúng ta cần xác định yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của thị trường bao gồm niềm tin của NĐT liên tục được cải thiện, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm được cải thiện, kỳ vọng vào thị trường phái sinh. NĐTNN đã mua ròng hơn 400 triệu USD tính từ nửa đầu năm 2017 và con số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Xu thế chính là vẫn tăng nhưng con đường sẽ không còn bằng phẳng. Áp lực thị giá hiện nay dù không quá lớn nhưng sẽ có chiều hướng gia tăng. Nghĩa là kỳ vọng của thị trường tăng, nhưng cũng cần những thông tin để đáp ứng.
Vốn hóa của TTCK từ mức tương đương 36% GDP vào cuối năm 2016 hiện đã tương đương 45% GDP. Kỳ vọng về cổ phần hóa, IPO và niêm yết của doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Các yếu tố này đã thúc đẩy nhóm CP dược, bất động sản, tài chính-ngân hàng tăng mạnh, CP nhóm ngành sản xuất, tiêu dùng và bán lẻ tăng khoảng 20% do duy trì kỳ vọng tăng trưởng ổn định.
Còn trong ngắn hạn, TTCK giai đoạn nửa đầu tháng 7 điều chỉnh áp lực chốt lời ở nhóm CP tăng nóng như tài chính và bất động sản, khối ngoại giảm mua ròng, chưa có nhiều thông tin hỗ trợ mới. Mặt khác, ngành năng lượng tiếp tục lao dốc do triển vọng kinh doanh kém lạc quan và giá dầu giảm cũng có thể tạo ra những e ngại nhất định.
Nhưng càng về giai đoạn cuối tháng và kéo dài đến nay, diễn biến của thị trường khả quan hơn nhờ báo cáo tài chính quý II-2017 và bán niên được công bố, CP ngân hàng tăng điểm tích cực. Việc tăng rồi lại điều chỉnh xen kẽ cho thấy dòng tiền đang luân chuyển rất tích cực trên thị trường, tránh tình trạng tăng nóng đồng thời tạo nhiều cơ hội cho NĐT có thể mua CP với giá hợp lý và ai cũng có cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận.
- Từ nay đến cuối năm, theo ông đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho TTCK?
- GDP nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2017, kéo dòng tiền FDI và đầu tư tư nhân cũng tăng theo. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ NĐT, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại cũng là động lực đáng kể cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Lãi suất vẫn có chiều hướng giảm nhưng khó giảm sâu thêm nữa. Gần đây Moody’s và Fitch đã nâng đánh giá triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Nhiều khả năng khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục mua ròng trong nửa cuối năm nay khi tỷ giá được giữ ổn định, thị trường phái sinh đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều kênh để thu hút vốn đầu tư trong lẫn ngoài nước.
Thống kê sơ bộ cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trung bình trên toàn thị trường trong nửa đầu năm 2017 đạt lần lượt 16% và 17,4%, nhờ vậy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm có thể đạt 17%. Điều này sẽ làm giảm áp lực định giá về tương lai đối với VN Index, chỉ số P/E nhờ vậy cũng trở nên hấp dẫn hơn.
Với riêng TTCK, thanh khoản tại sàn HOSE đạt bình quân 66.000 tỷ đồng/tháng, tăng trưởng 100%, mức cao kỷ lục. Suất sinh lời của TTCK tính đến thời điểm này cũng hấp dẫn ở mức vượt trội so với các kênh khác như vàng, ngoại tệ, tiền gửi và kỳ vọng sẽ còn được tiếp tục duy trì.
Mặt bằng lãi suất thấp cũng như các chính sách tiền tệ mở rộng đã hỗ trợ cho thanh khoản trên thị trường. Các doanh nghiệp đầu ngành đưa CP lên niêm yết cũng có thể tạo ra một nguồn hàng hóa mới, đồng thời kéo thêm dòng tiền về thị trường.
- Ông dự báo thế nào về diễn biến của VN Index từ nay đến cuối năm 2017?
- Nếu như trong nửa đầu năm, biên độ của thị trường khá rộng khi VN Index dao động từ 665-775 điểm, thì theo dự báo của tôi nửa cuối năm 2017 biên độ nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng 750-820 điểm.
Trong kịch bản lạc quan nhất, VN Index tăng lên đến vùng 830-835 điểm, nhưng khả năng duy trì được hay không vẫn sẽ để ngỏ. Bởi lẽ càng lên cao, lực bán ra chốt lời cũng sẽ đều đặn tăng theo. Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn hay niêm yết mới có thể là một cơ hội, nhưng lượng cung hàng hóa tăng cũng có thể tạo ra áp lực nguồn cung trong ngắn hạn.
Biên độ hẹp của thị trường sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm CP. Theo đó, dòng tiền có thể tìm kiếm các CP có mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn tốc độ tăng của thị trường. Những CP mới niêm yết với nhiều kỳ vọng và thông tin hấp dẫn vẫn tiếp tục thu hút các NĐT. Nhóm CP ngân hàng với kỳ vọng về khả năng xử lý nợ xấu cùng số lượng niêm yết có thể gia tăng trong thời gian tới tiếp tục là tâm điểm của thị trường.
Các cú sốc tiêu cực đối với ngành ngân hàng sẽ giảm thiểu dần nhờ kiểm soát rủi ro tốt hơn, và kinh tế tăng trưởng ổn định. Nhưng quá trình phân hóa giữa các ngân hàng và nhóm các ngân hàng cũng có thể trở nên rõ nét hơn. CP của các công ty có Nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn cũng nhận được sự kỳ vọng về khả năng thoái vốn.
Và tất nhiên cũng không thể bỏ qua nhóm CP đầu ngành có khả năng tăng trưởng ổn định. Các ngành CK, cảng biển, điện, thủy sản, ngân hàng và vật liệu xây dựng nhìn chung vẫn sẽ diễn biến tích cực, nhưng để có được lợi nhuận, NĐT cần có chiến lược lựa chọn CP hợp lý.
- Xin cảm ơn ông.
Sài Gòn đầu tư tài chính