MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Trung Quốc hỗn loạn dù đã ổn định trở lại: Nhà đầu tư bất ngờ quay lưng và chỉ trích những ‘anh hùng’ từng giúp họ giàu lên nhanh chóng

12-03-2021 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

TTCK Trung Quốc hỗn loạn dù đã ổn định trở lại: Nhà đầu tư bất ngờ quay lưng và chỉ trích những ‘anh hùng’ từng giúp họ giàu lên nhanh chóng

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc ổn định trở lại sau đợt bán tháo khiến 1,3 nghìn tỷ USD bị "thổi bay", có một điều rõ ràng rằng ngành quỹ tương hỗ lại đang trở thành trung tâm của sự hỗn loạn.

Hôm 11/3, truyền thông Trung Quốc đã nhắc đến lĩnh vực này. Tờ Securities Times đã viết về quỹ tương hỗ trong một bài bình luận trên trang nhất, kêu gọi nhà đầu tư mới nên bình tĩnh và các nhà quản lý quỹ nên cân bằng hiệu quả hơn giữa yếu tố tăng trưởng tài sản với tỷ lệ sinh lời trong dài hạn. 

Tại Trung Quốc, các quỹ tương hỗ đã trở nên phố biến sau khi lợi nhuận của lĩnh vực này vượt trội so với thị trường trong 2 năm liên tiếp. Hơn nữa, các nhà quản lý nước này cũng khuyến khích phát triển các sản phẩm đầu tư có tính tổ chức để thúc đẩy xu hướng đầu tư dài hạn.

Hơn 240 tỷ USD giá trị các sản phẩm đầu tư tập trung vào thị trường chứng khoán đã được bán ra trong năm ngoái – mức kỷ lục trong ngành quỹ tương hỗ. Theo Z-Ben Advisors, tốc độ tăng trưởng tiếp tục diễn ra trong năm 2021, khi các quỹ đầu tư cổ phiếu ra mắt vào tháng 1 và tháng 2 đã huy động được 83 tỷ USD.

TTCK Trung Quốc hỗn loạn dù đã ổn định trở lại: Nhà đầu tư bất ngờ quay lưng và chỉ trích những ‘anh hùng’ từng giúp họ giàu lên nhanh chóng   - Ảnh 1.

Vốn hóa Trung Quốc sụt giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Tuy nhiên, ngành quỹ tương hỗ 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc lại không tránh được sự ảnh hưởng của tâm lý làm giàu nhanh vốn phổ biến tại đây, khi các quỹ đổ tiền vào một số cổ phiếu nhất định và khiến định giá tăng chóng mặt. Dù chiến lược này mang lại lợi nhuận ngày càng lớn – đã đưa CSI 300 tăng gần 20% trong 2 tháng đầu năm nay lên đỉnh lịch sử, thì điều này cũng cho thấy tốc độ lao dốc thậm chí sẽ căng thẳng hơn.

Diễn biến như vậy không chỉ có ở riêng Trung Quốc. Tại Mỹ, đầu tư chứng khoán đã trở thành "cơn sốt" trong những năm gần đây, khi cổ phiếu nhóm FAANG chạm mức giá cao "ngất ngưởng". Ark Investment Management của Cathie Wood là một ví dụ điển hình về mối nguy hiểm khi nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu được mệnh danh là "kẻ chiến thắng" này. Mức giá quỹ ETF của bà đã mất 23% kể từ ngày 12/2, sau khi tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái.

Song, ở Trung Quốc, dường như hầu hết các quỹ đều đi theo một chiến lược duy nhất, đó là mua cổ phiếu của các hãng sản xuất rượu có vốn hóa lớn. Khi cổ phiếu của các công ty như Quý Châu Mao Đài tăng vọt, lợi nhuận nhà đầu tư cũng được nhân lên gấp bội. Theo đó, mức độ nổi tiếng của một số nhà quản lý quỹ cũng được hưởng lợi. Ví dụ, một quỹ đầu tư cổ phiếu của E Fund Management ra mắt vào tháng 1 đã nhận được 237 tỷ USD giá trị lệnh mua – mức cao kỷ lục đối với 1 sản phẩm chứng khoán ở Trung Quốc, theo Securities Times.

Khi thị trường bắt đầu đảo chiều, nhà đầu tư lại nhanh chóng quay lưng với những "người hùng" từng giúp họ giàu lên. Zhang Kun được mạng xã hội Trung Quốc ca ngợi là "Bạch mã hoàng tử" và "Anh Kun". Đó là bởi, quỹ E Fund Blue Chip Selected Mixed Fund (EFDBCMF) của ông ghi nhận tỷ lệ sinh lời là 95% vào năm ngoái, phần lớn nhờ khoản đặt cược vào Quý Châu Mao Đài. Tuy nhiên, khi các khoản đầu tư của quỹ thua lỗ - mất 21% trong tháng qua, nhà đầu tư của Kun bắt đầu chỉ trích bằng những biệt danh khác để xúc phạm ông.

Qi Youdi – bà nội trợ sống tại Ninh Ba, đã đầu tư 35.000 tệ vào EFDBCMF hồi đầu tháng 1. Tuy nhiên, khi thị trường lao dốc, chị nhanh chóng bán tháo toàn bộ những gì mình đang nắm giữ. Qi cho biết: "Tôi hiện không mua bất kỳ sản phẩm quỹ nào. Không thể biết thị trường sẽ còn giảm sâu như thế nào, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu thị trường ‘con bò’ đã kết thúc chưa? Hay ‘con gấu’ đang đến? Thị trường giá xuống sẽ kéo dài, khiến bạn mặc kẹt và mất tiền."

Phiên 11/3, CSI tăng 2,5%, thu hẹp mức giảm từ đỉnh ngày 10/2 xuống dưới 12%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh trong thời gian gần đây, sau khi các quan chức cảnh báo về bong bóng tài sản và mối lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Cổ phiếu nhà sản xuất bạch tửu Quý Châu Mao Đài – vốn tăng 30% trong 6 tuần, đã giảm hơn 25% từ sau Tết Nguyên đán và trở thành một trong những công ty khiến cổ đông lỗ nhiều nhất.

Anson Zhang – nhà quản lý đầu tư tại China Merchants Bank Co. Thượng Hải, cho biết: "Nhà đầu tư đang hoảng loạn khi thị trường đi xuống, đặc biệt là đối với những người vừa đầu tư vào quỹ chứng khoán. Một số đã mua lại các khoản đầu tư ngay khi thị trường rớt giá."

Tâm lý dễ lung lay của khách hàng khiến các nhà quản lý quỹ đối diện với nhiều thách thức hơn, nhất là khi hiệu suất hoạt động của họ được "đo" theo tuần. Theo một cuộc khảo sát gần đây của tạp chí tài chính Caixin, có khoảng 30% nhà đầu tư nắm giữ khoản đầu tư vào quỹ trong chưa đầy 1 tháng, 21% bán ra sau 1-3 tháng.

Ant Group – công ty cung cấp dịch vụ quỹ tương hỗ cho hơn nửa tỷ khách hàng qua ứng dụng Alipay, hôm thứ Ba đã kêu gọi nhà đầu tư kiên nhẫn, sau khi CSI ghi nhận mức giảm trong năm nay. Alipay cho biết: "Nhà đầu tư nên bình tĩnh trước biến động. Những diễn biến ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng đến giá trị đầu tư dài hạn."

He Qi đến từ Huatai-PineBridge Fund Management Co. nhận định các nhà quản lý quỹ không thể làm gì ngoài "bỏ ngoài tai" khi nhà đầu tư liên tục phàn nàn về hiệu suất hoạt động của quỹ. Qi cho hay: "Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng. Tôi dự đoán ‘cơn sốt’ đầu tư quỹ tương hỗ sẽ không sớm lặp lại."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên