MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 16/04 - 22/04] Bão táp trên TTCK Việt Nam, TTCK thế giới đồng thuận tăng điểm

Tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Phiên ngày thứ sáu là một ngày khá hiếm hoi mà bảng điện lấy lại được sắc xanh đến cuối phiên.

TTCK Việt Nam thử thách mạnh mẽ tâm lý nhà đầu tư

Thị trường có một tuần lễ giao dịch "tràn đầy bão tố" khi chỉ số VN-Index đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong những phiên giao dịch tuần qua đã để mất lần lượt tiếp 2 cột mốc 1.150 và 1.120 điểm được thiết lập trước đó.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.119,86 điểm (giảm 3,22%) và HNX-Index chốt phiên ở 132,58 điểm (giảm 0,58%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

Ngay trong những phiên mở cửa đầu tuần mới, khi các ngưỡng hỗ trợ như 1.170 và 1.130 đều lần lượt bị phá đã nhấn chìm toàn bộ VN-Index tiếp tục chìm sâu trong sắc đỏ. Toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán đã thể hiện sự "đồng thuận" khi cùng chịu sự điều chỉnh sâu. Chính sự đồng thuận từ 2 nhóm này đã khiến VN-Index đã từng có những "phút giây" xuyên thủng cả cột mốc 1.100 điểm. Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng và đồng đều ở cả các nhóm MidCap.

Dường như tâm lý hoảng loạn trong phiên ngày thứ năm vẫn còn dư âm khi thị trường ghi nhận ngay một đợt giảm mạnh chỉ sau vài phút đầu phiên của phiên ngày thứ sáu cuối cùng trong tuần. Những tưởng một kịch bản giảm sâu sẽ tiếp tục lặp lại, dòng tiền bắt đáy bất ngờ đưa thị trường bật tăng, với nhóm ngân hàng như VCB, CTG, BID,và các mã lớn GAS, SAB, VIC là các trụ chính. Khi mà dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, VNIndex không gặp quá khó khăn để tăng mạnh hơn 2,3%  chạm mốc 1.119,9 điểm.

Theo các chuyên gia VDSC nhận định, VN-Index đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, và đây cũng là một trong hai giai đoạn điều chỉnh rõ ràng nhất của chỉ số kể từ đầu năm đến nay. Những tín hiệu hiện tại cho thấy thị trường cần nhiều thời gian hơn để phục hồi so với giai đoạn điều chỉnh trước đó. Tuy nhiên rủi ro giảm sâu đã dược hạn chế nhiều khi các chỉ số đang ở gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Ở vùng này, nhà đầu tư có thể quan sát để lên một chiến lược hợp lí cho mục tiêu trung dài hạn.

Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị "kéo xả". Phiên ngày thứ sáu là một ngày khá hiếm hoi mà bảng điện lấy lại được sắc xanh đến cuối phiên. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm trong tuần qua. Đồng thời kết hợp với những phiên điều chỉnh tuần trước, VN-Index đã đánh rơi gần 90 điểm kể từ khi chạm tới cột mốc 1.200 điểm.                                      

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch khá sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế short mạnh mẽ. Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short với khối lượng cực lớn . So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 31.799 hợp đồng (tăng gần 47% so với tuần liền trước).

TTCK thế giới cùng đồng thuận tăng điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ không có nhiều thay đổi trong tuần trước. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.670 điểm (không đổi so với tuần trước), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.462 điểm (giảm 0,1%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.146 điểm (giảm 0,1%).

Đặc biệt trong các nhóm ngành, chỉ có cổ phiếu ngành năng lượng công bố các báo cáo tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự tăng giá liên tục của giá dầu thô. Giá của một thùng dầu thô WTI đã chạm ngưỡng 70 đô la vào giữa tuần. Triển vọng kinh tế tích cực cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong tuần. Các nhà đầu tư cảm thấy phấn khởi hơn bởi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng trong tháng ba, giá nhà ở cũng bắt đầu tăng, và các chỉ báo về hoạt động sản xuất cũng đang cho thấy sự mở rộng.

Chứng khoán châu Âu kết tăng điểm khá tích cực trong tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.368 điểm (tăng 1,4%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.540 điểm (tăng 0,5%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.412 điểm (tăng 1,8%). 

Tuy khối lượng giao dịch vẫn thấp nhưng đã có dấu hiệu tích cực hơn. Tâm lý thị trường đã được hỗ trợ bởi sự giảm bớt căng thẳng về địa chính trị cũng như thương mại toàn cầu. Giữa tuần, các cổ phiếu ngành khoáng sản và tài nguyên cơ bản có mức tăng điểm rất đáng chú ý. Các cổ phiếu tài chính cũng tăng mạnh vào giữa tuần.

Chứng khoán Nhật tăng điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 22.162 điểm (tăng 1,8%), và TOPIX Index đóng cửa ở 1.751 điểm (tăng 1,1%). Đồng yên về không biến động nhiều trong tuần và đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Sáu ở mức 107,70 yên / đô la Mỹ, cao hơn khoảng 4,5% so với mức 112,7 vào cuối năm 2017.

Trong năm nay, đồng Yên là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất Châu Á. Thông tin được giới đầu tư chú ý trong tuần qua là việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đã có các cuộc thảo luận kinh tế cấp cao lần đầu tiên trong tám năm trở lại đây. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp hai nước tăng cường hợp tác với nhau về kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc có một tuần khá tiêu cực khi chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.071 điểm (giảm 2,6%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.418 điểm (giảm 1,4%).

Về thông tin vĩ mô, báo cáo mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm 2018 do nhu cầu tiêu dùng ở mức cao và sản lượng công nghiệp tăng trở lại. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng các hoạt động kinh tế dự kiến sẽ chậm lại trong những tháng tới khi Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch mạo hiểm khi đối đầu thương mại với Mỹ. Các con số thống kê cũng cho thấy các ngành đang thu hút đầu tư mạnh ở Trung Quốc hiện nay là bán lẻ trực tuyến và giáo dục.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên