[TTCK tuần 18/12 - 24/12] Chứng khoán Việt phục hồi, TTCK thế giới ổn định ngoại trừ châu Âu
Thị trường chứng khoán Việt Nam nỗ lực phục hồi giữ vững mốc 950 điểm. Bên cạnh đó, TTCK thế giới đa phần khá bình ổn ngoại trừ thị trường châu Âu…
- 23-12-2017Ông Lê Đức Khánh: “Kinh tế vĩ mô khởi sắc, VnIndex hướng tới mốc 1.200 điểm ngay trong quý 1/2018”
- 23-12-2017Thành tựu sàn HNX sau 1 năm: Vốn hóa thị trường UPCoM tăng gấp đôi, giá trị giao dịch Hợp đồng tương lai bình quân 900 tỷ/phiên
- 23-12-2017Vốn hóa TTCK Việt Nam đã tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra năm 2020
TTCK Việt Nam nỗ lực giữ vững cột mốc 950 điểm.
Tuần qua, thị trường có một tuần tăng điểm, chỉ số VN-Index đã có sự hồi phục nhất định trong những phiên giao dịch của tuần qua. VN-Index tạm thời bảo vệ thành công vùng 950 điểm còn với HNX-Index là vùng 110 điểm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 952,32 điểm, tăng 17,16 điểm (+1,83%) và HNX-Index chốt phiên ở 113,03 điểm, tăng 1,42 điểm (+1,27%) so với tuần liền trước. Khác tuần trước, VN-Index đã mở đầu tuần bằng tâm lí giao dịch thoải mái có phần sôi nổi hưng phấn sau kì tái cơ cấu của các quỹ ETFs vào cuối tuần trước. Tuy nhiên vào những phiên cuối tuần, thị trường giao dịch khá cầm chừng.
Đáng chú ý là vào phiên giao dịch thứ 6 vừa qua, khi thị trường đang có dấu hiệu hạ nhiệt “cầm chừng”, chính 2 chiến binh VIC và VCB đã mạnh mẽ bung sức nhằm đỡ điểm số phiên giao dịch chốt tuần. Tuy vậy, đà tăng của thị trường lại không thực sự thuyết phục khi độ rộng của thị trường khá yếu. Theo thống kê có 124 mã tăng và tới 148 mã giảm. Vì thế, chỉ có chỉ số VN30 tăng tới 1% trong khi VNMID và VNSML đều giảm lần lượt 0,44% và 0,26%. Khối lượng giao dịch trong ngày rất cao, đạt 7.792 tỷ đồng nhờ sự đóng góp lớn từ Vinamilk với 17 triệu cổ phiếu tương đương 3.300 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận trong phiên sang thứ 6. Có vẻ như dòng tiền vẫn duy trì sự thận trọng cao độ và khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm trong phiên cuối tuần.
Cổ phiếu nổi bật tuần qua không thể quên nhắc tới KPF (CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh), đây đang là một cổ phiếu có sức tăng khá nóng trong tuần qua khi chỉ trong 1 tuần lễ rất ngắn ngủi, cổ phiếu đã tăng giá tới gần 39% lên mức 20.550 đồng/cp. Nguyên do KPF có chuỗi ngày tăng mạnh trong suốt cả tháng và tuần qua có thể là do thông tin doanh nghiệp dự định sẽ thoái vốn tại các công ty liên kết là Phú Gia Hà Nam và Đầu Tư Tam Hà với tổng giá trị thoái vốn dự kiến hơn 78 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, tiêu biểu một vài mã dẫn sóng như PVD, PVS, PXS…cũng có sự hồi phục khá tốt trong những phiên đầu tuần tuy nhiên nhóm chiến binh dầu khí dường như có vẻ hơi hụt hơi hơi trong phiên giao dịch ngày gần cuối tuần 21/12. Tuy nhiên nhận thấy xu hướng tích cực của giá dầu khả năng vẫn đang ủng hộ nhóm này.
Một điểm nhấn của tuần qua chính là việc SAB (CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) giảm giá mạnh trong tuần sau phiên đấu giá chào bán cổ phần của Nhà nước diễn ra vào ngày 18/12. Cụ thể chốt phiên cuối tuần SAB hiện giao dịch quanh ngưỡng 251.000 đồng/cp, giảm tới 18% so với độ nóng tuần liền kề trước đó.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số trong phiên cuối tuần, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện đáng kể trong các phiên của tuần qua. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 17.902 hợp đồng (-18,3% so với tuần liền trước).
TTCK thế giới bình ổn ngoại trừ khu vực châu Âu
Thị trường chứng khoán Mỹ không có nhiều biến động trong tuần, mặc dù hầu hết các chỉ số chính tăng mạnh nhất trong 15 phút đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai do kế hoạch cải cách thuế của chính phủ. Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, S&P500 đạt 2.683 điểm, Dow Jones Industrial Average đạt 24.758 điểm, Nasdaq Composite đạt 6.960 điểm. Khối lượng giao dịch được duy trì ở mức trung bình do thị trường không có nhiều tin tức đáng chú ý và nước Mỹ cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tuần qua tăng giá tốt hơn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong chỉ số S&P 500, giá dầu tăng đã có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu năng lượng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bất động sản và dịch vụ tiện ích lại tụt dốc.
Tại thị trường châu Âu, một số chỉ số chính của Châu Âu kết thúc tuần ở mức thấp trong bối cảnh chính trị bất ổn và một số tin tức kinh tế không mấy sáng sủa. Chỉ số Stoxx Europe 600 đóng cửa ở 390.28 điểm (giảm 0,1%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.072 điểm (giảm 1,05%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.364 điểm (giảm 0,4%). Điểm sáng nằm ở chỉ số FTSE 100 của Anh, khi chỉ số này lập đỉnh mới ở 7.592 điểm (tăng 1,3%) sau khi tin tức về cải cách thuế của Mỹ khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư về lợi nhuận của các công ty đa quốc gia trở nên tích cực hơn. Tình hình chính trị ở vùng Catalan lại phức tạp trở lại khiến chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1% trong tuần qua.
Đối với thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,6% (350 điểm) trong tuần và đóng cửa ở mức 22.902. Trong cả năm nay, chỉ số Nikkei đã tăng 19,8%, chỉ số TOPIX tăng 20,4%. Đồng Yên giảm và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 113.3 yên/đô la Mỹ, cao hơn 3,1% so với cuối năm 2016. Tại cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) hôm thứ Năm, BOJ đã nhấn mạnh sự kiên nhẫn và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Thống đốc Haruhiko Kuroda không hề tỏ ra quan ngại và cho biết BOJ sẽ không tăng lãi suất vì nền kinh tế đang được cải thiện.
Chứng khoán Trung Quốc tuần qua có diễn biến tương đối tích cực. Chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa ở mức 3.297 điểm (tăng 0,9%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa wor 29.578 điểm (tăng 2,2%). Theo Hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế vững chắc hơn. Các quan chức đã không đề cập đến gánh nặng nợ đang gia tăng nhanh của Trung Quốc-một chủ đề nổi bật trong những tuyên bố của năm trước. Thay vào đó, họ cam kết giải quyết các rủi ro, với trọng tâm là ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính.