Hiệp hội Sữa xin nhập khẩu đường, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói không thiếu đường
Trái với lo lắng đường nội cung không đủ cầu, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường khẳng định, Việt Nam không thiếu đường!
- 01-12-2021“Nữ tướng ngành Mía đường” được vinh danh Doanh nhân xuất sắc Châu Á
- 18-11-2021Mía đường thời kỳ hậu áp thuế có như cổ phiếu thép?
- 15-10-2021Doanh nghiệp mía đường liên tiếp "ngậm đắng"
Trái với lo lắng đường nội cung không đủ cầu, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường khẳng định, Việt Nam không thiếu đường!
Mới đây Hiệp hội sữa Việt Nam có công văn gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về các chính sách liên quan đến đường nhập khẩu. Theo công văn này, Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, để đảm bảo nhu cầu sữa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến sữa Việt Nam có nhu cầu lớn về đường nhằm đáp ứng sản xuất.
Công văn cũng cho biết, trong khi tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn thì tổng nguồn cung đường trong nước sản xuất lại không đủ đáp ứng. Để bù đắp lượng đường thiếu hụt, Hiệp hội sữa kiến nghị bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thêm 600-800 tấn nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước (tỷ lệ phân bổ 70% đường thô và 30% đường tinh luyện).
Sản xuất đường tại một nhà máy. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề cung- cầu của ngành mía đường trong nước cũng như nhận định “đường nội không đủ cung”, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định: Việt Nam không thiếu đường mà chỉ thiếu đường giá rẻ.
Dẫn chứng cụ thể, ông Lộc cho biết, VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 hơn 2,6 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn, chưa kể lượng đường nhạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO 113.400 tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022.
Nguồn VSSA
Trên thực tế, ông Lộc cho biết, Hiệp hội sữa Việt Nam đang kiến nghị được nhập khẩu đường từ Thái Lan, trong khi đó đường của nước này lại đang bị áp thuế chống bán phá giá. Cụ thể, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức lần lượt là 42,99% và 4,65%.
Đến đầu tháng 8 năm nay, Bộ Công Thương tiếp tục quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trên cơ sở mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được quy định tại Quyết định 1578.
Lý giải việc áp thuế chống bán phá giá và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại này, trong nhiều báo cáo gần đây VSSA đều chỉ ra rằng việc đánh thuế là biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành mía đường Việt Nam. Cụ thể, ngành mía đường luôn được Thái Lan bảo hộ một cách triệt để. Mỗi năm, Chính phủ Thái Lan chi 2-3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía để bàn giao miễn phí cho nhà máy và nông dân. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng hỗ trợ 1-2% lãi suất để nông dân đầu tư máy móc sản xuất, triển khai chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu… Hằng năm, trong ít nhất 1,3 tỷ USD mà Chính phủ Thái Lan dành ra để hỗ trợ ngành mía đường thì có hơn 775 triệu USD được sử dụng cho mục đích trợ giá, bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Thái Lan cũng kiểm soát chặt chẽ hạn ngạch nhập khẩu, theo đó đơn vị nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp đi xin giấy phép, song thực tế việc này hiếm khi xảy ra. Đây là những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất đường của nước này luôn ở mức thấp hơn các nước trong khu vực.
Đối với đường Việt Nam, dù gần đây có biện pháp phòng vệ thương mại và giá đường trong nước đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực (đặc biệt chỉ khoảng 50% so với giá đường tại Philippines). Chính vì thế mà đường Thái Lan đã liên tục tràn vào Việt Nam, đe dọa ngành sản xuất đường nội địa, khiến nhiều nhà máy đường lao đao, đóng cửa. Việc các nhà máy đường làm ăn thua lỗ cũng dẫn tới khó lòng thu mua mía cho nông dân với giá cao, dẫn tới cảnh trồng - chặt ở nhiều nơi.
Theo bảng so sánh của VSSA thì giá đường Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều nước.
“Việc Bộ Công Thương áp dụng phòng vệ thương mại với mía đường là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước theo thông lệ quốc tế. Đồng thời tạo sân chơi để doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài”- đại diện của VSSA nhìn nhận.
Báo Công thương