Từ 01/6: Bỏ xăng A92 tại 8 tỉnh/ thành phố
Hiện nay chỉ có 3 tỉnh là Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam là đã bỏ hoàn toàn xăng A92 và thay thế bằng xăng E5, 5 tỉnh/thành phố còn lại mới có 50% số cây xăng bán xăng E5.
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 01/12/2014 xăng E5 sẽ được bán tại 7 tỉnh là: Hà Nội, TP HCM, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà rịa-Vũng tầu, Quãng ngãi và từ 01/12/2015 sẽ bán xăng E5 trên toàn quốc.
Thực trạng sử dụng nhiên liệu sinh học ở các nước
Hiện nay giá dầu trên thế giới đang ở mức thấp so với nhiều năm vừa qua. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Chính phủ nhiều nước lơ là vấn đề an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều nước phát triển đã ý thức việc không thể để tương lai một quốc gia bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nên họ đã có những chiến lược rất lớn trong phát triển nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch, đi đầu trong lĩnh vực này là Mĩ và Brasil, 2 nước này đã có một chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học đúng đắn, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giúp phát triển ngành nông nghiệp của mỗi nước.
Mĩ đã cho phép trồng ngô biến đổi gen để sản xuất cồn nên sản lượng cồn của nước Mĩ tăng lên nhanh chóng và hiện sản lượng đạt khoảng 56 tỷ lít (chiếm 40% tổng sản lượng nhiên liệu sinh học toàn thế giới), nhiên liệu sinh học đã đáp ứng được 20% tổng nhu cầu xăng dầu chất đốt của nước Mĩ.
Brasil thì khai thác một thế mạnh khác là cường quốc về trồng Mía, nên Brasil đã phát triển mạnh ngành sản xuất cồn từ mật gỉ-một phụ phẩm của quá trình sản xuất đường, nhiên liệu sinh học sản xuất từ mật gỉ chiếm khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Brasil.
Hàng loạt các nước khác cũng ý thức được việc giảm thiểu sự phụ thuộc an ninh năng lượng vào nhiên liệu hóa thạch và đi theo cong đường của Mĩ và Brasil bằng cách ưu tiên tối đa các nguồn lực để phát triển nhiên liệu sinh học, vừa đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vừa giải quyết được vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, vừa giải quyết vấn đề môi trường.
Hiện nay, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng hàng ngày ở hầu hết các nước, một số nước nỗi bật phải kể đến:
1. Mỹ E10 tối thiểu, E85 tối đa
2. Brazil(E10)
3. Phillippines(E5)
4. Peru(E10)
5. Nga(E5)
6. Thailand(E20)
7. Trung Quốc(E10)
8. Đài Loan(E20)
9. Châu Âu(E10)…
Những vấn đề nào cần đặt ra khi bỏ hoàn toàn xăng A92 tại 8 tỉnh/thành phố từ 01/6/2016.
Chất lượng cồn E100 đảm bảo để pha xăng E5?
Trong hơn 1 năm tiêu thụ xăng E5 tại 8 tỉnh/thành phố với 50% số cây xăng có trụ bơm xăng E5, đã chứng minh chất lượng cồn E100 do các nhà máy sản xuất E100 tại Việt Nam hoàn toàn đảm bảo các tiêu chuẩn chung của thế giới. Xăng E5 tiêu thụ trên thị trường hơn 1 năm qua không gây ra bất cứ một sự cố động cơ nào được phản ánh từ người dân.
Nhà nước đang hỗ trợ như thế nào cho xăng E5?
Hiện nay, Nhà nước đang có 2 sự hỗ trợ để thúc đẩy tiêu thụ xăng E5:
- Hỗ trợ người sử dụng xăng E5:
Theo công thức tính giá xăng dầu bán lẻ do 2 bộ Công thương và Tài chính kết hợp điều hành, mức trích lập quỹ bình ổn giá của xăng E5 thấp hơn so với xăng A92 khoảng 500đ/lít, điều này giúp cho người sử dụng xăng E5 được lợi khoảng 500đ/lít.
- Hỗ trợ các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT/BCT-BTC, thông tư liên tịch giữa Bộ tài chính và Bộ Công thương, sắp tới Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khoảng 250đ/lit, theo đó Chi phí kinh doanh định mức đối với xăng E5 được tính cao hơn khoảng 250đ/lít trong giá cơ sở.
Chi phí này là mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các công ty phân phối xăng E5 cho việc đầu tư hạ tầng phối trộn, vận chuyển…
Công suất của các nhà máy sản xuất cồn E100 có đủ cung cấp cho E5 tại 8 tỉnh/thành phố nếu bỏ A92 không?
Theo tính toán, nếu bỏ hoàn toàn A92 tại 8 tỉnh/thành phố thì lượng cồn E100 cần trong 1 năm khoảng 200.000 tấn.
Hiện nay, có 3 nhà máy sản xuất cồn E100 đã và sẽ sẵn sàng cung cấp cồn E100 cho chương trình E5 là Nhà máy cồn Đồng Nai của Công ty Tùng Lâm với công suất 60.000 tấn/năm, nhà máy này hiện đang cung cấp 100% công suất sản xuất cho chương trình E5, Nhà máy Cồn Quảng Nam với công suất khoảng 100.000 tấn/năm, nhà máy này đã hoạt động lại sau khi được tái cơ cấu với các cổ đông mới từ cuối năm 2015 và Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam với công suất 100.000 tấn/năm. Công suất và năng lực sản xuất của 3 nhà máy này hoàn toàn đảm bảo đủ lượng cồn E100 cung cấp cho chương trình E5 khi Chính phủ bỏ hoàn toàn xăng A92 từ 01/6/2016.
Có sử dụng được luân phiên giữa các loại xăng A92, A95 và E5 không?
Do những hiểu biết về xăng E5 còn hạn chế cũng như việc triển khai xăng E5 phải theo lộ trình dần dần, cho nên khi 8 tỉnh/thành phố sử dụng xăng E5 trong khi các tỉnh khác chưa sử dụng xăng E5 được đại trả, khi đó người dân đang sử dụng xăng E5 để chạy xe, nếu hết xăng E5 thì có đổ được xăng khác không, nếu không tìm được cây xăng có xăng E5 thì phải dắt bộ xe về nhà ư? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người băng khoăn.
Câu trả lời là người dân hoàn toàn có thể đổ luân phiên xăng A92, A95 và E5 mà không ảnh hưởng gì đến sự hoạt động của động cơ hoặc có thể đổ cả 3 loại xăng này một lúc cũng không hề ảnh hưởng gì.
Những thắc mắc này của người tiêu dùng về xăng E5 được giải đáp, việc sử dụng xăng E5 từ 01/6/2016 tại 8 tỉnh/thành phố sẽ trở nên phổ biến, người tiêu dùng bắt đầu làm quen với việc sử dụng một loại xăng sạch,góp phần bảo về môi trường và tiếp cận dần với những xu hướng tiêu dùng và sử dụng năng lượng sạch của các nước tiên tiến.